Không tán thành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm

Nghiên cứu bài viết “Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa trực tuyến” đăng ngày 07/3/2023 của tác giả Chu Minh Đức, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Theo bài viết, liên quan đến vấn đề đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án khi người kháng cáo vắng mặt đang tồn tại hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất, đồng tình với quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án; Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, làm cho nội dung kháng cáo của họ không được tiếp tục xem xét.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, không tán thành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án với lý do người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa dựa trên các căn cứ cụ thể như sau:

Thứ nhất, có sự thay đổi tư cách người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm.

Theo như nội dung của vụ án, sau khi bà N, người kháng cáo trong vụ án đã chết,  quyền và nghĩa tố tụng của bà được kế thừa bởi 7 người con của bà N. Do đó, 7 người con của bà N ban đầu là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã tham gia từ cấp sơ thẩm nay tại cấp phúc thẩm lại phát sinh thêm tư cách tố tụng mới, là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự.

Sau khi phiên tòa phúc thẩm lần thứ ba bị hoãn, Tòa án quyết định mở phiên tòa lần thứ tư. Lúc này tại quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án mới thể hiện những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo cũng đồng thời cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Do đó, đến phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư, 7 người con của bà N mới chính thức được triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo. Đây cũng là lần đầu tiên 7 người con của bà N được triệu tập với tư cách này.

Thứ hai, 7 người con của bà N với tư cách là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo phải được thừa hưởng quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 2 Điều 296 BLTTDS quy định khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà người kháng cáo vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư được xem là phiên tòa lần đầu tiên Tòa án triệu tập người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo. Do đó, khi người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng vắng mặt phải được xem là sự vắng mặt lần đầu tiên của họ, Hội đồng xét xử phải tiến hành hoãn phiên tòa theo quy định pháp luật.

Thứ ba, phiên tòa phúc thẩm được diễn ra với hình thức trực tuyến, đây là một hình thức tuy thuận tiện nhưng cũng có những nhược điểm nhất định ảnh hưởng đến quá trình tham gia của đương sự.

Theo nội dung của vụ án, tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư ngày 18/8/2022 xét xử theo hình thức trực tuyến thể hiện: 2 trong số 7 người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn lúc điểm danh có mặt nhưng khi xét xử thì vắng mặt, 5 người khác vắng mặt. Sự vắng mặt này có thể đến từ nguyên nhân liên quan đến đường truyền mạng, trình độ sử dụng công nghệ thông tin tương đối thấp của đa số người dân Việt Nam. Vì vậy, sự vắng mặt trên có thể đến từ nguyên nhân khách quan không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng.

Cuối cùng, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, làm cho nội dung kháng cáo của họ không được tiếp tục xem xét.

Người kháng cáo trong vụ án trên đã chết, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mặc dù không có kháng cáo đối với bản án sơ thẩm nhưng là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo. Bên cạnh đó, nhìn lại yêu cầu của người kháng cáo trong vụ án trên lại có sự liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Từ đây có thể thấy rằng, trong vụ án trên khi Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm mà chưa có cơ sở xác đáng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của nguyên đơn cũng như lợi ích hợp pháp của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và đặc biệt còn ảnh hưởng đến quá trình tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Vì vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, đồng thời để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự, bảo vệ sự thật khách quan của vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định của pháp luật để Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

 

TAND TP. Hà Nội tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm trực tuyến vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”- Ảnh: Lê Thị Hồng Hạnh

LÊ NHỰT HỒ (Công ty Luật TNHH Vạn Phúc)