Kinh nghiệm quốc tế về hòa giải, đối thoại
Hội thảo quốc tế về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã nghe tham luận và thảo luận về kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chúng tôi xin lược ghi các tham luận được trình bày tại Hội thảo và lần lượt giới thiệu cùng quý độc giả.
Thúc đẩy sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp đa nguyên
Ông ông Den Yu (Đặng Vũ) – Phó trưởng phòng, Văn phòng cải cách tư pháp TANDTC Trung Quốc, chia sẻ tại Hội thảo chủ đề Cơ chế giải quyết tranh chấp đa nguyên hóa ở Trung Quốc và những đóng góp của Tòa án Trung Quốc đối với cơ chế này.
“Kế hoạch cải cách 5 năm lần thứ hai Tòa án nhân dân” do TANDTC Trung Quốc ban hành năm 2004 lần đầu tiên đưa ra việc “Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đa nguyên hóa” và ban hành “ Quy định về một số vấn đề liên quan đến công tác hòa giải dân sự Tòa án nhân dân”. Luật hòa giải nhân dân năm 2010 và Luật tố tụng dân sự” năm 2012 trên cơ sở tổng kết, tiếp thu thành quả cải cách đã quy định về chế độ hòa giải và chứng nhận tư pháp, tạo tiền đề pháp lý cho cơ chế giải quyết tranh chấp đa nguyên hóa.
Hiện nay, Trung Quốc có 790 ngàn Ban hòa giải nhân dân, 3.669.000 hòa giải viên, năm 2018, các tổ chức hòa giải nhân dân trên toàn quốc đã hòa giải hơn 9 triệu tranh chấp. Từ năm 2011 đến nay, số lượng tranh chấp cơ quan trọng tài hòa giải tranh chấp lao động phải giải quyết có xu hướng tăng nhanh, đến cuối năm 2018, tỷ lệ thành lập tổ chức hòa giải tranh chấp tại các doanh nghiệp lớn và vừa lên đến 50%, tỷ lệ thành lập tổ chức hòa giải tranh chấp lao động ở cấp xã, thị trấn (tổ dân phố) lên đến 92%, đóng vai trò chính trong việc giải quyết tranh chấp lao động. Toàn quốc có 16 tỉnh (Khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương) và 266 thành phố cấp địa khu đã triển khai công tác hỗ trợ pháp lý hòa giải trọng tài đối với tranh chấp về lao động. Năm 2018, số tranh chấp về nhân sự lao động trên toàn quốc là 1.826.000 vụ, tăng 9,7% so với năm trước. Sau hơn 20 năm thực hiện Luật trọng tài, 255 tổ chức trọng tài trên toàn quốc xử lý hơn 2.600.000 vụ, số tiền tranh chấp lên đến hơn 4000 tỷ Nhân dân tệ; năm 2018 thụ lý 540.000 vụ, số tiền liên quan lên đến 700 tỷ Nhân dân tệ.
Theo ông Đặng Vũ, các biện pháp cụ thể Tòa án Trung Quốc thực hiện trong tiến trình cải cách tư pháp bao gồm:
-Thiết lập diễn đàn “kết nối hòa giải và tố tụng”. Với sự thúc đẩy tích cực của Tòa án nhân dân tối cao, đến cuối năm 2018, Tòa án nhân dân các cấp trên toàn quốc đã thiết lập 3320 trung tâm kết nối tố tụng và hòa giải, cán bộ chuyên trách 15.432 người, chế độ làm việc ngày càng hoàn thiện, phát huy tốt chức năng của các cơ chế như phân loại án, hòa giải tiền xét xử, cử người hòa giải, ủy quyền hòa giải, chứng nhận tư pháp, nhanh chóng hóa giải tranh chấp, phát huy vai trò là nơi tập trung, điều phối và phân loại tranh chấp. Hơn 3000 Tòa án cấp cơ sở chỉ đạo nghiệp vụ đối với các tổ chức hòa giải nhân dân, hòa giải viên nhân dân.
-Xây dựng chế độ Tòa án mời hòa giải. Tòa án Trung Quốc xây dựng chế độ mời hòa giải trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm nước ngoài kết hợp với đặc điểm của Tòa án trong nước. Năm 2018, các cấp tòa án trên toàn quốc đã lựa chọn 22.194 tổ chức hòa giải làm Tổ chức hòa giải được mời với 78.153 hòa giải viên, tiếp nhận đề nghị của Tòa án hòa giải trước thụ lý đối với 1.565.644 vụ, hòa giải thành công 704.006 vụ; sau khi thụ lý ủy quyền hòa giải 297.156 vụ, hòa giải thành công 171.911 vụ, tỷ lệ hòa giải thành công lần lượt là 45% và 58%. Số lượng án phân loại xử lý hòa giải bằng Tổ chức hòa giải được mời chiếm 16% tổng số lượng án dân sự thương mại sơ thẩm, giúp giải quyết một số lượng lớn án của Tòa án.
-Xây dựng chế độ Tòa án hòa giải chuyên trách. Tòa án nhân dân các cấp chọn cử thẩm phán hoặc cán bộ hỗ trợ tư pháp có sở trường hòa giải đảm nhiệm hòa giải viên chuyên trách, chịu trách nhiệm xử lý phần lớn các vụ án có thể hòa giải ở giai đoạn thụ lý.
-Tăng cường hòa giải thương mại, hòa giải ngành. Tòa án nhân dân các cấp tích cực ủng hộ việc phát triển các tổ chức hòa giải mang tính chuyên nghiệp đặc thù, tổ chức hòa giải thương mại ở các lĩnh vực dễ xảy ra tranh chấp, xây dựng cơ chế liên kết giữa hòa giải nhân dân, hòa giải hành chính, hòa giải ngành, hòa giải thương mại với hòa giải tố tụng.
-Xây dựng chế độ hòa giải luật sư. Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp đã ban hành “Ý kiến về công tác thí điểm hòa giải luật sư”, phát huy tối đa ưu thế của chuyên gia pháp luật tham gia vào giải quyết tranh chấp. Đẩy mạnh thí điểm hòa giải luật sư.
-Đẩy mạnh hòa giải hành chính. Trung Quốc có 14 bộ luật, 24 bộ quy định hành chính, 119 bộ quy chế ngành, hơn 1900 bộ quy định mang tính địa phương, hơn 1300 bộ quy chế của Chính quyền địa phương các cấp có quy định về hòa giải hành chính. Cơ quan hành chính tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự đối với rất nhiều lĩnh vực như an ninh công cộng, y tế, lao động, tài nguyên, môi trường, giao thông, công thương, sở hữu trí tuệ, hôn nhân gia đình, điện tử viễn thông, tài chính, năng lượng, giáo dục, khoa học kỹ thuật… giải quyết hiệu quả một khối lượng lớn tranh chấp dân sự.
-Xây dựng chế độ chứng nhận tư pháp đối với biên bản hòa giải. Chế độ chứng nhận tư pháp đã khơi thông điểm nối quan trọng giữa hòa giải trong và ngoài tố tụng. Từ năm 2015 đến nay, số lượng thụ lý đề nghị chứng nhận tư pháp của Tòa án không ngừng gia tang, năm 2018, hệ thống Tòa án trên toàn quốc thụ lý 266.962 yêu cầu chứng nhận tư pháp, tang 35,1% so với cùng kỳ, chứng nhận tư pháp có hiệu lực 239.571 vụ, tăng 27,8%. Có sự đảm bảo về tư pháp đã tạo lực đẩy rất lớn cho sự phát triển của hòa giải ngoài tố tụng.
-Xây dựng diễn đàn hòa giải trực tuyến. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong việc tạo dựng một hệ thống giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trực tuyến đa nguyên hóa, xuyên suốt về chiều dọc, bao trùm về chiều ngang, mở, an toàn và đáng tin cậy. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một diễn đàn trực tuyến kết hợp hòa giải trực tuyến, thụ lý trực tuyến, chứng nhận tư pháp trực tuyến, xét xử trực tuyến, giám sát điện tử, tống đạt điện tử thành một thể thống nhất, xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến có thể sử dụng chung tài nguyên, chia sẻ tiện ích, rộng mở sáng tạo, thúc đẩy dung hòa các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa giải, trọng tài và tố tụng, đẩy mạnh tạo dựng cơ chế giải quyết mâu thuẫn đa nguyên, đa chiều, tinh tế, thông minh và pháp quyền.
-Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo luận thông qua “Quy định của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến thành lập Tòa án thương mại quốc tế”, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án thương mại quốc tế. Ngày 29/6/2018, Tòa án thương mại quốc tế thứ nhất đặt tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông; Tòa thứ hai đặt tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Ngày 26/8, Tòa án nhân dân tối cao thành lập Ủy ban chuyên gia thương mại quốc tế. Tăng cường giao lưu quốc tế trong giải quyết tranh chấp, xây dựng cơ chế chia sẻ và giao lưu liên quốc gia, liên khu vực để các bên đương sự tự nguyện lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phi tố tụng như hòa giải, trọng tài.
-Về “Luật hòa giải đối thoại tại tòa án Việt Nam”, ông Đặng Vĩ dánh giá dự thảo có căn cứ lập pháp rất đầy đủ, nội dung rất quy phạm, cơ chế thủ tục rất khoa học. Từ góc độ vĩ mô, ông Đặng Vĩ đưa ra một số điểm kiến nghị như sau:
-Sự kết nối giữa hòa giải tại tòa án và các hình thức hòa giải khác. Phạm vi ứng dụng và chức năng của Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) đang không ngừng được mở rộng. Không chỉ trọng tài, hòa giải truyền thống được ứng dụng rộng rãi hơn mà các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ngành nghề, chuyên môn cũng như những ADR mới cũng liên tục xuất hiện, một số lĩnh vực trước đây cấm hoặc hạn chế sử dụng ADR cũng dần dần được dỡ bỏ, hành chính, hình sự cho đến lĩnh vực công và các hoạt động quyết sách đều bắt đầu sử dụng ADR; Chính quyền địa phương, tổ chức xã hội đều đang tìm tòi sáng tạo ra các thủ tục ADR mới. Trong quá trình xử lý những tranh chấp kiểu mới thuộc lĩnh vực ô nhiễm môi trường, trách nhiệm sản phẩm, tai nạn giao thông, tranh chấp y tế, xâm phạm lợi ích công… ADR càng cho thấy tác dụng đặc biệt của mình, trở thành một thế lực mới trong cơ chế giải quyết tranh chấp. Như Tòa thượng thẩm Liên bang Mỹ và Tòa thượng thẩm các bang đều có quy định về hòa giải bắt buộc đối với một số vụ án dân sự cụ thể. Vì vậy, thực tiễn, truyền thống và tính đa dạng địa phương của giải quyết tranh chấp đều yêu cầu phải giữ được tính đa nguyên, đa dạng, khả năng thích ứng, linh hoạt và độ mở nhất định.
-Sự kết nối giữa hòa giải tại tòa án và thủ tục xét xử. Các quốc gia có thái độ ngày càng tích cực trong việc mở rộng ứng dụng ADR, từ lập pháp, tư pháp cho đến các tầng lớp xã hội. Nội bộ Tòa án cùng với việc ứng dụng ngày càng rộng rãi trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng đang dần đưa hòa giải vào trong quá trình xét xử, thậm chí là phúc thẩm và giám đốc thẩm. Cần sự kết nối hợp lý giữa các trình tự thủ tục để nâng cao tính quy phạm và hiệu suất.
-Phát huy vai trò dẫn dắt, bảo đảm của Tòa án trong đẩy mạnh công tác hòa giải. Phát huy vai trò dẫn dắt, chỉ đạo trong việc thiết kế cơ chế hòa giải tại tòa án, hoàn thiện các quy định, tuyên truyền phổ biến pháp luật. Phát huy vài trò của hòa giải đối thoại tại tòa án trong việc phòng ngừa mâu thuẫn phát sinh, hình thành quy tắc, bảo vệ đạo đức, nâng cao tính gắn kết cộng đồng và ưu thế trong quản lý xã hội.
Tòa án Trung Quốc đang không ngừng nỗ lực xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đa nguyên hóa, quốc tế hóa, hướng ngoại và hợp tác. Ông hy vọng giữa Tòa án Trung Quốc và Tòa án Việt Nam không ngừng mở rộng giao lưu hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đối diện một cách tích cực trước mọi thử thách, thúc đẩy sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp đa nguyên, để ngày càng nhiều mẫu thuẫn được giải quyết một cách hòa bình và lý trí, hiệp thương đối thoại, hợp tác cùng có lợi.
Tăng cường chức năng giải quyết tranh chấp
Thẩm phán Nagahashi Masanori – chuyên gia dài hạn JICA chia sẻ với Hội thảo về Chế độ hòa giải dân sự tại Nhật Bản. Theo đó, Tòa án tối cao bổ nhiệm Hòa giải viên. Về nguyên tắc, hòa giải viên là người trên 40 tuổi và dưới 70 tuổi (có ngoại lệ). Nhiệm kỳ là 2 năm (có khả năng được tái bổ nhiệm).
Số lượng hòa giải viên dân sự hiện nay tại Nhật Bản là 9,326 người (trong số đó có 3,425 người là kiêm hòa giải viên gia đình). Hòa giải viên là người có chuyên môn cao (luật sư, bác sĩ, kế toán có chứng chỉ hành nghề) 4,843 người (51.9%).
Tòa án tối cao bổ nhiệm hòa giải viên đồng thời quyết định Tòa án nơi hòa giải viên sẽ công tác (Tòa án địa phương hay Tòa án gia đình, v.v). Tòa án nơi hòa giải viên công tác sẽ tùy vào vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà chỉ định hòa giải viên thực hiện hòa giải.
Về chế độ đãi ngộ, Hòa giải viên mang chức danh là công chức nhà nước (cán bộ không thường trực của Tòa án ). Hòa giải viên khi thực hiện hòa giải tại phiên hòa giải sẽ được phụ cấp theo tiêu chuẩn do Tòa án tối cao quy định. Trong trường hợp hòa giải viên đến cơ quan thì ngoài tiền phụ cấp, hòa giải viên còn được hỗ trợ chi phí đi lại. Ngoài ra, nếu hòa giải viên thực hiện hòa giải tại một nơi khác không phải Tòa án, thì sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở và tiền lương theo ngày.
Hòa giải viên thường xuyên được tập huấn để nâng cao năng lực, cập nhật thông tin về pháp luật và các nội dung liên quan đến hòa giải. Tập huấn tại Tòa án là các khóa tập huấn đối với hòa giải viên mới được bổ nhiệm (tập huấn hướngdẫn đối với hòa giải viên được bổ nhiệm), chia sẻ kinh nghiệm thực tế về một số vụ việc; Khóa nghiên cứu các vụ án dành cho hòa giải viên mới được bổ nhiệm ( Bước tiếp theo dành cho hòa giải viên mới được bổ nhiệm); Khóa nghiên cứu dành cho hòa giải viên dân sự ( tập huấn nâng cao dành cho hòa giải viên giàu kinh nghiệm); Khóa nghiên cứu vụ án dành cho hòa giải viên dân sự (Trọng điểm của chương trình tập huấn).
Những nỗ lực cải cách hoạt động hòa giải hiện nay tại Nhật Bản là tăng cường chức năng giải quyết tranh chấp.
Thẩm phán Pornpat Tantikulananta – Giám đốc điều hành, Viện Trọng tài Thái Lan (TAI) chia sẻ về Hệ thống hòa giải dưới sự giám sát của Tòa án tại Thái Lan cho biết, Hòa giải dưới sự giám sát của Tòa án là thủ tục hòa giải được thực hiện bởi Tòa án sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện bị đơn. Loại vụ án được hòa giải tại Tòa án là bất kỳ vụ việc dân sự hay kinh doanh thương mại nào; là các vụ án hình sự liên quan đến các tội phạm có thể điều đình được; các vụ án hình sự khi bị cáo bị buộc tội bởi nạn nhân chứ không phải công tố viên.
Trung tâm hòa giải của Tòa án được thành lập tại các tòa án để quản lý việc hòa giải của Tòa án một cách đúng đắn và hiệu quả. Trung tâm hòa giải tại Tòa án có thẩm quyền quản lý việc hòa giải các vụ án theo sự phân công; Thúc đẩy các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế; Quản lý việc hướng dẫn và các văn bản trong hồ sơ vụ việc hòa giải; Quản lý danh sách hòa giải viên và điều phối hòa giải viên; Theo dõi công việc của các hòa giải viên.
Chánh án Tòa án sẽ chỉ định một cán bộ của Tòa án đó thực hiện vai trò Giám đốc Trung tâm hòa giải và có thể chỉ định bất kỳ cán bộ tòa án nào khác sang làm cán bộ của Trung tâm hòa giải để hỗ trợ và làm việc tại Trung tâm hòa giải của Tòa án đó. Tổng thư ký sẽ ban hành danh sách các hòa giải viên trên cơ sở cân nhắc nhu cầu của từng tòa án.
Điều kiện, tiêu chuẩn Hòa giải viên là người từ 30 tuổi trở lên; Có bằng cử nhân và có kinh nghiệm làm việc trên 5 năm, hoặc có kinh nghiệm ở bất kỳ lĩnh vực nào có thể hỗ trợ hiệu quả cho việc hòa giải từ 10 năm trở lên; đã trải qua khóa đào tạo về hòa giải; đã làm việc với tư cách hòa giải viên tại tòa án trong 10 vụ án trở lên; không phải người bị phá sản hoặc người không có năng lực; không đang chấp hành hình phạt tù được tuyên bởi một bản án có hiệu lực, trừ trường hợp phạm tội do sơ suất hoặc chỉ là tội phạm nhỏ; không phải là cán bộ tòa án, thẩm phán hay hội thẩm.
Thủ tục hòa giải ở Thái Lan được thực hiện sau khi nguyên đơn khởi kiện bị đơn, nếu Chánh án của Tòa án đó hoặc các thẩm phán đại diện xét thấy phù hợp, hoặc bất kỳ bên đương sự nào có yêu cầu và bên kia đồng ý thực hiện hòa giải. Việc hòa giải sẽ được tiến hành và Cán bộ của Trung tâm hòa giải sẽ thực hiện công tác chuẩn bị cho phiên hòa giải.
Chánh án hoặc các thẩm phán đại diện chỉ định hòa giải viên trên cơ sở cân nhắc tính phù hợp của hòa giải viên cũng như yêu cầu của các bên. 4. Nếu quy trình hòa giải gây gián đoạn việc xét xử , Tòa án có thể yêu cầu tiến hành xét xử và hòa giải đồng thời. Phiên hòa giải phải được tiến hành một cách bí mật, không có biên bản ghi chép chi tiết nào về quá trình hòa giải.
Hòa giải viên nhận phí hòa giải theo quy định do Tổng thư ký ban hành. Hòa giải viên chuẩn bị thỏa thuận giải quyết tranh chấp cho các bên, hoặc yêu cầu luật sư của các bên hoặc Cán bộ Trung tâm Hòa giải chuẩn bị thỏa thuận giải quyết tranh chấp.
Sau khi các tiến hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp mà không rút đơn, các thẩm phán sẽ ra bản án trên cơ sở đó. Không được kháng cáo trừ trường hợp (1) bất kỳ bên nào bị cáo buộc gian lận (2) bản án vi phạm quy định pháp luật về trật tự công hoặc (3) bản án không theo đúng nội dung của thỏa thuận giải quyết tranh chấp.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận