Lễ ký Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Toà án
Sáng 18/5, tại trụ sở TANDTC đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Toà án giữa TANDTC và Bộ Tư pháp.
Tham dự lễ ký kết có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình; ông Lê Thành Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Về phía TANDTC còn có các Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng, các thành viên Hội đồng Thẩm phán, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC. Về phía Bộ Tư pháp có ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý, và đại diện một số lãnh đạo chuyên môn của Cục.
Lễ ký chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại toà án giữa TANDTC và Bộ Tư pháp
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các Bộ luật, luật về tố tụng) đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý: Trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (người thực hiện trợ giúp pháp lý) bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.
Phát biểu tại lễ ký kết, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình hoan nghênh hai bên đã xây dựng và tổ chức thành công buổi lễ ký kết. Theo Chánh án, việc ký kết này thể hiện trách nhiệm rất cao của Bộ Tư pháp và Toà án, ý nghĩa của chương trình trước hết là đảm bảo tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân. Đặc biệt là các vụ án hình sự, các vụ án liên quan đến người vị thành niên, người khuyết tật…
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại buổi lễ.
Việc trợ giúp pháp lý là một hành động hướng đến xây dựng nền tư pháp vì dân, phục vụ nhân dân. Thông qua việc ký kết này, sẽ góp phần nâng cao dân trí về pháp luật, làm cho chất lượng hiệu quả xét xử được tăng lên. Chánh án bày tỏ mong muốn lãnh đạo hai bên tiếp tục phối hợp với nhau để đưa nội dung ký kết này vào cuộc sống. Tăng cường truyền thông để người dân hiểu và sử dụng trợ giúp pháp lý, tăng cường hiệu quả của chương trình.
Việc ký kết Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao mà còn có ý nghĩa giúp người dân thêm một kênh tiếp cận sớm với TGPL để hiện thực hóa quyền TGPL của mình đã được pháp luật quy định; góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được TGPL.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định những thành công, kết quả mà hai Ngành đã đạt được trong thời gian quan; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ phối hợp công tác giữa TANDTC và Bộ Tư pháp.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi lễ.
Trong những năm qua, công tác của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đạt những kết quả tích cực, khởi sắc, tham gia ngày càng sâu rộng vào các sự kiện chính trị - pháp lý, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và từng địa phương. Có được những kết quả tích cực trên, là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của TANDTC và TAND các cấp trên nhiều lĩnh vực công tác tư pháp.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL), Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhận được quan tâm, phối hợp thực hiện chặt chẽ, đạt những kết quả tích cực, nổi bật. Bộ trưởng luôn đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của TANDTC trong việc chỉ đạo TAND các cấp phối hợp với cơ quan tư pháp trong thực hiện các nhiệm vụ công tác, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Có thể khẳng định công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về trợ giúp pháp lý ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả, đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện còn một số vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ như: số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và số lượng vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp, do đó sẽ có khả năng bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý ; Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các cơ quan này thụ lý, giải quyết.
Một số nội dung cơ bản của chương trình
1. Về hình thức trực
Việc trực được thực hiện tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) hoặc trực qua điện thoại.
Căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương, TANC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phối hợp với Sở Tư pháp trao đổi, thống nhất hình thức trực phù hợp.
2. Về nhân lực thực hiện
- Người trực: Người thực hiện trợ giúp pháp lý là trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL.
- Người hỗ trợ trực: Chuyên viên của Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp.
Căn cứ điều kiện thực tế, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý trực theo thời gian nhất định (hàng ngày hoặc theo lịch linh hoạt)
3. Về cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực:
- Trực tại trụ sở TAND:
+ Người tiến hành tố tụng, công chức TAND làm việc tại các bộ phận tiếp nhận đơn có trách nhiệm giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tới gặp người trực, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý được chuyển đến cho người trực.
+ Người trực trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác.
+ Người trực giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý, ghi chép, thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý (theo mẫu của Bộ Tư pháp), thực hiện các công việc khác phát sinh từ hoạt động trực.
+ Người hỗ trợ trực giúp người trực thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của người trực.
- Trực qua điện thoại:
+ Người tiến hành tố tụng, công chức TAND khi phát hiện người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì gọi điện ngay cho người trực; cung cấp số điện thoại của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực. Đồng thời, hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực.
+ Người trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, từ người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác thì liên hệ với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.
+ Người trực ghi chép, thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý (theo mẫu của Bộ Tư pháp).
4. Trách nhiệm của các cơ quan
a) Bộ Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp với TAND tối cao ban hành văn bản hướng dẫn theo yêu cầu, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết việc triển khai Chương trình này.
- Chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các nội dung cụ thể trong Chương trình.
b) Tòa án nhân dân tối cao
- Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các nội dung phối hợp tại Chương trình này.
- Chỉ đạo TAND cấp tỉnh triển khai các nội dung cụ thể trong Chương trình
5. Tổ chức thực hiện
- Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao là các đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực, tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình, tham mưu trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết Chương trình.
- Sở Tư pháp, TAND cấp tỉnh chủ động phối hợp, xây dựng Kế hoạch để tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương.
6. Về thời gian triển khai thực hiện: Dự kiến 05 năm (2022-2027)
7. Địa điểm thực hiện: Chương trình được triển khai trong toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặt lợi ích của người thuộc diện TGPL làm trung tâm, Chương trình người thực hiện TGPL trực tại tòa án được ký kết và triển khai thực hiện sẽ giúp bảo đảm tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý; hạn chế việc người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý bị bỏ lỡ cơ hội được hỗ trợ pháp lý miễn phí. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của cán bộ ngành tư pháp và ngành Tòa án sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giúp quá trình tố tụng khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận