Lo cho dân, chứ không phải gây trở ngại, khó khăn
Chiều 20/10, Quốc hội tiến thành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại Tổ số 2 đã nói: Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải gây trở ngại, khó khăn.
Bảo đảm tính thống nhất và đúng lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP
Tại Tổ thảo luận số 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề xuất của VKSNDTC về bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với lực lượng công an xã.
Theo Chủ tịch nước, hiện nay chúng ta có hệ thống công an xã khá hoàn chỉnh, có vị thế trong hệ thống công an cả nước và có chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Sắp tới, nếu có Luật Công an xã sẽ có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn, chế tài ràng buộc hơn với lực lượng này.
Nhìn nhận vấn đề tội phạm ở nông thôn (chủ yếu là cấp xã) rất phức tạp, Chủ tịch nước cho rằng trao trách nhiệm xử lý ban đầu tin báo tố giác tội phạm cho công an xã là rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của Luật. Bởi tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đặt ra. Đây là nhiệm vụ và cũng là yêu cầu đặt ra đối với lực lượng công an xã, nếu không ràng buộc trách nhiệm, việc nắm tình hình sẽ không đến nơi đến chốn.
Từ đó, Chủ tịch nước cho rằng phải yêu cầu cao hơn, rõ ràng hơn về độ chính xác cũng như trách nhiệm công an xã, từ đó để lực lượng này sát dân, sát cơ sở tốt hơn. “Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải gây trở ngại, khó khăn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Chủ tịch nước đề nghị Bộ Công an tổng kết, đánh giá lại hoạt động của công an xã để phát huy mặt tốt, chấn chỉnh tồn tại trong hoạt động của lực lượng này, kể cả về cơ sở vật chất, phương thức hoạt động và cơ chế phối hợp với các lực lượng khác tại cấp cơ sở.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí nhận định, việc sửa đổi BLTTHS nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTHS sửa đổi, VKSNDTC nhận thấy quy định tại Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.
Tổ thảo luận số 3
Theo đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1 dự thảo BLTTHS sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS. Tuy nhiên, VKSNDTC đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.
Theo Viện trưởng VKSNDTC, đề nghị này xuất phát từ việc hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau, cùng được quy định tại khoản 1 của Điều 226 BLHS để xử lý ở 1 khung hình phạt. Do đó, nếu chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc thực hiện “khởi tố xâm phạm nhãn hiệu không cần yêu cầu của người bị hại” là quá trình “nội luật hoá” cần thiết khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí cần thiết sửa đổi BLTTHS đối với quy định về bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP.
Không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý
Tại Tổ thảo luận số 3 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, mục tiêu ban đầu khi đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là nhằm thực hiện các cam kết của CPTPP. Tuy nhiên qua quá trình thảo luận, xuất phát từ tình hình thực tiễn, ngày 5/9/2021 VKSNDTC đã có văn bản đề xuất mở rộng phạm vi sửa đổi so với ban đầu, ngoài việc thực hiện các cam kết của CPTPP mà còn nhằm xử lý các tác động của dịch bệnh đối với hoạt động tố tụng hình sự. Sau khi có báo cáo của Ủy ban Tư pháp, đến ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và đã quyết định cho phép mở rộng với phạm vi sửa đổi so với dự kiến ban đầu trong bối cảnh của dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn tới công tác tiến hành tố tụng, giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tố tụng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, điều này đã thể hiện đúng tinh thần Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng hành với Chính phủ, với đất nước và với cả các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc cho phép điều chỉnh phạm vi sửa đổi của Luật phù hợp với tình hình thực tiễn, có sự điều chỉnh linh hoạt, thể hiện vai trò chủ động, dẵn dắt trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Theo Tờ trình của VKSNDTC, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra và căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Dự thảo Luật cũng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; đồng thời bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS. Tuy nhiên, VKSNDTC đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý. Như vậy là mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Các đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề này và cho rằng cần cân nhắc không nên quy định mở rộng hơn so với cam kết quốc tế. Cũng có ý kiến đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thủy, hiện nay đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng) quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của BLHS (khoản 1 Điều 226 BLHS 2015) thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự. Thực tế với những vi phạm này mà bắt buộc người bị hại tham gia vào quy trình tố tụng phức tạp, mất nhiều thời gian thì sẽ rất mệt mỏi đối với người bị hại.
Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thuộc khoản 2 điều này thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại. Việc thực hiện các quy định này đều thuận lợi, người bị hại không mất quyền của mình mà chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.
Xuất phát từ mục đích xây dựng dự án Luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của Hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý.
Căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự
Liên quan đến các quy định nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, dự thảo Luật bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tố tụng hình sự hiện nay có 4 giai đoạn gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết ở 3 giai đoạn đầu là khởi tố, điều tra và truy tố. Đối với giai đoạn xét xử, TANDTC đã có đề xuất Quốc hội cho phép được xét xử trực tuyến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Tổ
Các hoạt động trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đòi hỏi phải tiến hành các biện pháp tại thực địa, hiện trường như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét nơi ở, khám xét nơi làm việc... Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Việc không thể tiến hành đầy đủ biện pháp sẽ không bảo đảm kết luận điều tra cũng như kết luận vụ án. Hơn nữa, các biện pháp phòng chống dịch bệnh chặt chẽ các yêu cầu về thời gian xét nghiệm cũng làm chậm quá trình tố tụng. Từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cho thấy, BLTTHS cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị đối với quy định này cần quy định một cách chặt chẽ dịch bệnh, thiên tai đến mức độ nào thì mới được tạm đình chỉ trong quá trình giải quyết vụ án, để không lạm dụng, không làm chùng xuống công cuộc đấu tranh chống tội phạm đang rất quyết liệt. Đồng thời, phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát khi nhận được đề xuất của điều tra viên, đề xuất của kiểm sát viên về việc tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn tố tụng để tránh việc lạm dụng này.
Chủ tịch nước tham gia Tổ thảo luận số 2 - Ảnh: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận