Một số khó khăn, vướng mắc về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự - Đề xuất, kiến nghị
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng và các chủ thể khác có liên quan, pháp luật hình sự hiện hành đã quy định cụ thể về việc xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về xử lý vật chứng.
1. Một số khó khăn vướng mắc
Thứ nhất, việc xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội còn gặp khó khăn, lúng túng.
Về nguyên tắc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự (BLHS) và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định thì những “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” mới tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy, ngược lại thì xem xét trả lại cho bị cáo, chủ sở hữu hợp pháp. Tuy nhiên, việc xác định vật chứng như thế nào là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội còn có những khó khăn nhất định. Vấn đề này, chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương hướng dẫn cụ thể, nên đã xảy ra tình trạng các địa phương khác nhau có cách nhận thức, đánh giá và xử lý vật chứng khác nhau hoặc ở các cấp xét xử khác nhau về cùng một vật chứng, dẫn đến phải hủy án hoặc sửa án về phần vật chứng. Điều này làm cho việc áp dụng pháp luật về xử lý vật chứng không được thống nhất.
Trường hợp như sau: Vào khoảng 23 giờ ngày 14/5/2018, Trần Thanh H, Nguyễn Chí K, Huỳnh Kim L, Võ Kim Q và Trần Văn S cùng một số người khác có hành vi đánh bài ăn thua bằng tiền với nhau, thì bị bắt quả tang, thu giữ được trên chiếu bạc tiền sử dụng vào việc đánh bạc cùng nhiều tài sản khác. Trong đó, có thu giữ xe mô tô của Trần Thanh H, xe mô tô của Nguyễn Chí K, xe mô tô của Huỳnh Kim L, xe mô tô của Võ Kim Q, xe mô tô của Trần Văn S là phương tiện mà các bị cáo đi đến sòng bạc và gửi xe bên ngoài, sau đó vào đánh bạc.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2018/HS-ST ngày 01/8/2018 của TAND Tp S và Bản án hình sự phúc thẩm số 39/2018/HS-PT ngày 22/11/2018 của TAND tỉnh BĐ về phần xử lý vật chứng tuyên tịch thu nộp ngân sách Nhà nước đối với 05 chiếc xe mô tô thu giữ của anh H, K, L, Q và S. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 05/2019/HS-GĐT ngày 19/3/2019 của TANDCC tại Tp ĐN tuyên hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 39/2018/HS-PT ngày 22/11/2018 và Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2018/HS-ST ngày 01/8/2018 về phần xử lý vật chứng đối với 05 chiếc xe mô tô thu giữ trên.
Tại Bản án số 25/2019/HS-ST ngày 12/6/2019 của TAND Tp S đã xét xử lại vụ án trên và nhận định: “Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì những “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” mới tịch thu nộp ngân sách Nhà nước. Do đó, đối với 05 chiếc xe mô tô bị thu giữ không được dùng làm công cụ, phương tiện để thực hiện phạm tội nên không thuộc trường hợp tịch thu nộp ngân sách Nhà nước”.
Như vậy, cùng là xe mô tô dùng để đi đánh bạc, nhưng cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng, đó là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên tịch thu; nhưng cấp giám đốc thẩm lại xác định không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên không tịch thu. Sự khác biệt này xuất phát từ hai quan điểm nhận thức: Quan điểm thứ nhất cho rằng, các bị cáo không thể đến địa điểm đánh bạc nếu không có xe mô tô, do đó xe mô tô phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội và phải bị tịch thu là đúng quy định; Quan điểm thứ hai lại cho rằng, phương tiện dùng vào việc phạm tội phải là một yếu tố của cấu thành tội phạm, trong tình huống này có hay không có xe mô tô, thì các bị cáo vẫn có thể thực hiện được hành vi phạm tội.
Đây chỉ là một trong số trường hợp còn tranh luận việc xác định như thế nào vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Vấn đề này cũng thường xảy ra ở những vụ án cố ý gây thương tích, khi mà các bị cáo dùng xe mô tô đi đến địa điểm đánh nhau xong rồi trở về hay các vụ liên quan đến trộm cắp và hủy hoại tài sản…. Có Tòa án cho rằng, đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên tịch thu; nhưng có Tòa án xác định đây không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên trả lại cho bị cáo.
Theo quan điểm cá nhân, điều quan trọng phải chứng minh là việc sử dụng xe mô tô phải có liên hệ mật thiết với tội phạm thì mới gọi là công cụ, phương tiện phạm tội, tức là nếu không có xe thì không thể hoàn thành tội phạm trong tình huống cụ thể đó. Ngược lại, nếu xe mô tô chỉ là phương tiện di chuyển để đưa đến địa điểm đánh bạc và đi về, thì xác định là phương tiện nhưng không dùng vào việc phạm tội, nên phải trả lại cho bị cáo; nếu trường hợp có ý thức là chạy xe đến địa điểm đánh bạc để khi hết tiền có thể cầm cố, lấy tiền đó tiếp tục đánh bạc thì nó liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, nên cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Hoặc có trường hợp người tổ chức đánh bạc dùng xe mô tô để đưa đón con bạc từ điểm hẹn đến sòng bạc thì đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội phải bị tịch thu.
Thứ hai, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 thì vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Việc BLTTHS năm 2105 quy định việc tịch thu tiêu hủy vật chứng là cần thiết nếu vật chứng đó không còn giá trị sử dụng hoặc không sử dụng được, nhưng hiện nay cũng chưa có quy định hoặc có văn bản hướng dẫn như thế nào là “vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được” để xử lý, do luật không quy định cụ thể nên nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã tự xác định vật chứng không còn giá trị theo ý chí cá nhân để xử lý. Việc cơ quan tiến hành tố tụng tự đánh giá không có căn cứ xác định sẽ dẫn đến việc xử lý vật chứng đôi lúc tùy tiện, không đúng pháp luật.
Thứ ba, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định: Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy. Đối với hàng hoá mau hỏng hoặc khó bảo quản, BLTTHS năm 2015 không quy định hình thức bán, đó là bán thông thường hay bán đấu giá theo thủ tục bán đấu giá tài sản. Trong thực tiễn giải quyết vụ án đối với loại vật chứng này có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc tự mình đánh giá hàng hóa đó là mau hỏng để tiến hành bán đấu giá, có cơ quan yêu cầu các cơ quan chuyên ngành vào thực hiện các nội dung trên, từ đó dẫn tới việc xử lý vật chứng không thống nhất, có lúc dẫn tới sai sót do đánh giá không chính xác vật có phải là mau hỏng hoặc khó bảo quản hay không.
Vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật đó là: Vật chứng như thế nào thì được gọi là mau hỏng hoặc khó bảo quản? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định? Việc bán đấu giá hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản do cơ quan nào tổ chức, cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành bán hay cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cơ quan chuyên ngành vào thực hiện quy trình bán đấu giá? Do BLTTHS không quy định rõ nội dung này, tác giả cho rằng việc xác định vật chứng có thuộc loại mau hỏng hay không phải tùy thuộc tính chất, đặc điểm, đặc tính của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa bình thường, không phức tạp, mắt thường có thể nhận biệt được thì cơ quan tiến hành tố tụng xác định, còn trường hợp hàng hóa có tính chất phức tạp, phải tiến hành thử nghiệm hoặc lấy mẫu để giám định như hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật… thì cơ quan tiến hành tố tụng cần yêu cầu cơ quan chuyên ngành có chuyên môn nghiệp vụ xác định, vì việc xác định này đòi hỏi những người có trình độ chuyên môn, trình độ nghiệp vụ chuyên ngành, ngoài ra còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật chuyên ngành.
Ví dụ trong một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính quy định tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính quy định: Hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng bao gồm: Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; Hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác); Thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; Thực phẩm đã qua chế biến và các loại hàng hóa khác mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; Hàng hóa có tính chất thời vụ (hàng tiêu dùng theo mùa, phục vụ lễ, tết), hàng điện tử cao cấp (các loại máy tính bảng, điện thoại thông minh) và các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng. Bên cạnh việc xác định hàng hóa là mau hỏng hoặc khó bảo quản thì việc xử lý loại vật chứng này, theo tác giả cũng phải xét ở hai trường hợp: Nếu hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thông thường thì cơ quan tiến hành tố tụng bán đấu giá, còn hàng hóa đặc biệt theo chuyên ngành ví dụ như các loại thuốc, các loại hóa chất thì Cơ quan tố tụng nên yêu cầu cơ quan chuyên môn thực hiện việc bán đấu giá đúng quy định với pháp luật tố tụng hình sự và phù hợp với pháp luật chuyên ngành.
Thứ tư, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015: Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định trên được hiểu đối với loại vật chứng này cơ quan tiến hành tố tụng không có thẩm quyền xử lý mà thẩm quyền xử lý thuộc về các cơ quan chuyên ngành được pháp luật quy định như cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Hải quan, cơ quan khác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…, do đó luật quy định sau khi có kết luận giám định thì cơ quan tố tụng phải giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vật chứng là động vật hoang dã hoặc thực vật ngoại lai. Quy định này của BLTTHS năm 2015 đưa vào trong vấn đề xử lý vật chứng là rất phù hợp với các vụ án về môi trường hoặc vụ án khác liên quan đến thực vật ngoại lại.
Tuy nhiên qua nghiên cứu nội dung này, tác giả nhận thấy việc quy định theo điểm d khoản 3 Điều 106 có nội dung chưa đầy đủ và hợp lý. Ví dụ: Trong vụ án về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015, Cơ quan điều tra thu giữ một lượng lớn động vật rừng thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm đang còn sống. Quá trình xác minh, thu thập, bảo quản số vật chứng này, xét thấy việc tạm giữ trong thời gian dài thì số động vật này sẽ chết cho nên cơ quan điều tra đã tiến hành giám định, sau khi có kết quả giám định, căn cứ vào điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015, Thủ trưởng cơ quan điều tra đã tiến hành xử lý vật chứng này bằng việc bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm để xử lý. Sau khi nhận số động vật hoang dã trên cơ quan kiểm lâm căn cứ vào Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thả toàn bộ số động vật hoang dã đó về lại tự nhiên. Vấn đề đặt ra ở đây trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng sau đó muốn tiến hành định giá tài sản về số động vật đó thì tiến hành như thế nào, động vật đã thả về rừng tự nhiên không thể thu hồi, việc không định giá được đã gây khó khăn cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Đây được xem là bất cập của điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015.
Thứ năm, xử lý vật chứng là tài sản chưa xác định được chủ sở hữu
Trong thực tiễn, trong các giai đoạn tố tụng, nếu vật chứng có liên quan trong vụ án chưa xác định được chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng thông báo tìm chủ sở hữu. Việc thông báo tìm chủ sở hữu vật chứng thì cơ quan tiến hành tố tụng thường căn cứ vào quy định tại Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015 và áp dụng tương tự quy định tại Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để ra thông báo tìm chủ sở hữu của tài sản trên phương tiện thông tin đại chúng trong một thời hạn nhất định... Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là trình tự, thủ tục cơ quan tiến hành tố tụng thông báo tìm kiếm chủ sở hữu tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự được thực hiện như thế nào thì hiện nay chưa có quy định cụ thể, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất. Có nơi chỉ thông báo tìm chủ sở hữu tài sản trên đài truyền hình địa phương, có nơi thông báo trên đài truyền hình trung ương; số lần thông báo trên đài truyền hình cũng khác nhau, có nơi chỉ một lần, có nơi 02 lần; thời gian thông báo tìm chủ sở hữu cũng khác nhau, có nơi là 30 ngày như xử lý tang vật theo thủ tục hành chính, có nơi là 01 năm, kể từ ngày ra thông báo… Từ phân tích trên, dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng thông báo tìm chủ sở hữu vật chứng liên quan trong vụ án hình sự không thống nhất.
2. Kiến nghị
Từ những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề xử lý vật chứng nêu trên, với mục đích hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung cần hoàn thiện đó là:
Thứ nhất, thực tiễn cho thấy vấn đề áp dụng các quy định của BLHS và BLTTHS để xác định như thế nào là vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội và phải xử lý như thế nào còn rất khó khăn. Do đó, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về nguyên tắc, phương pháp xác định và xử lý vật chứng cụ thể, để từ đó thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ hai, điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015 cần phải sửa đổi theo hướng bổ sung cụm từ “định giá” vào điều luật, theo đó điều luật sau khi sửa đổi có nội dung là: “Vật chứng là động vật hoang dã hoặc thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định, định giá phải giao ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.ThTh
Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn việc xác định vật chứng nào là vật không có giá trị sử dụng hoặc sử dụng không được; vật chứng loại nào thì thuộc trường hợp mau hỏng hoặc khó bảo quản, việc bán hoặc tiêu hủy vật chứng theo trình tự thủ tục như thế nào; trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp từ chối nhận lại tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt thì căn cứ vào điều luật nào để xử lý vật chứng.
Thứ tư, theo tác giả, trong trường hợp vật chứng là tài sản chưa xác định được chủ sở hữu và cơ quan điều tra chưa ra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu thì ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án phải tiến hành việc thông báo tìm kiếm chủ sở hữu. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà vẫn không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của tài sản đó thì khi xét xử, Hội đồng xét xử cần giao tài sản là vật chứng cho cơ quan chức năng bảo quản và trong phần quyết định của bản án cần ghi rõ nếu trong thời hạn quy định tại Điều 228 của Bộ luật Dân sự mà chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật chứng có yêu cầu thì sẽ xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn này, tài sản sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước. Còn vấn đề trình tự thủ tục thông báo tìm kiếm chủ sở tài sản như thế nào trong vụ án hình sự, cần được cơ quan chuyên môn cấp trên hướng dẫn cụ thể để người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thực hiện thống nhất và có hiệu quả.
Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong sự quan tâm thảo luận của cấp trên, đồng nghiệp và bạn đọc./.
Cao Bằng tổ chức tiêu hủy vật chứng các vụ án hình sự - Ảnh: Vương Minh Nguyện
Bài liên quan
-
Một số vấn đề về thu thập, cung cấp chứng cứ của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đề xuất, kiến nghị
-
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 - Một số tồn tại, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
-
Hoạt động mua chung bất động sản trên nền tảng công nghệ Blockchain tại Việt Nam - Thực trạng rủi ro và một số kiến nghị hoàn thiện
-
Hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và một số kiến nghị thực thi
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận