Một số quy định về chủ thể đủ điều kiện tham gia quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo pháp luật Việt Nam và Vương quốc Anh
Bài viết nghiên cứu về các chủ thể đủ điều kiện tham gia và quan hệ dân sự mang thai hộ dưới góc nhìn của pháp luật Việt Nam và Vương quốc Anh. Từ đó, đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa chế định này tại Việt Nam, để sự "nhân đạo" có thể hướng đến nhiều đối tượng hơn.
Ở Việt Nam, chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được hợp pháp hóa kể từ Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tuy nhiên, những quy định này nhìn chung vẫn còn tương đối chặt chẽ hơn so với một số quốc gia.
1. Quy định pháp luật Việt Nam
Một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời người là lúc được trở thành cha/mẹ, tuy nhiên, đối với một số người thì điều này thật không dễ dàng, cách duy nhất để họ được tận hưởng niềm hạnh phúc ấy là nhờ người khác mang thai hộ đứa con của mình. Ở Việt Nam, chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã chính thức được hợp pháp hóa thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Điều này đã mở ra cơ hội được làm cha, làm mẹ cho các cặp đôi vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng đủ điều kiện để có thể nhờ mang thai hộ và trở thành người mang thai hộ. Trong phần này của bài viết, tác giả sẽ đề cập đến vấn đề về các chủ thể đủ điều kiện tham gia vào quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo pháp luật Việt Nam được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Nghị định liên quan, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bên nhờ mang thai hộ phải là một cặp vợ chồng. Liên quan đến điều kiện này, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam có quy định để xác lập quan hệ vợ chồng các bên cần phải tiến hành kết hôn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ công nhận hôn nhân giữa một nam và một nữ [1]. Vậy nên, có thể hiểu “cặp vợ chồng” ở đây là một cặp đôi nam và nữ đã tiến hành kết hôn hoặc quan hệ hôn nhân được thừa nhận theo pháp luật Việt Nam, nếu bên nhờ mang thai hộ không phải là một cặp vợ chồng đã kết hôn và thừa nhận theo pháp luật Việt Nam thì không thể nhờ mang thai hộ.
Thứ hai, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải có khả năng sản sinh trứng và tinh trùng. Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đề cập đến việc người mẹ mang thai hộ là người được cấy phôi đã thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, theo đó, trong trường hợp này pháp luật cũng không cho phép phôi được cấy vào người mẹ mang thai hộ có sự đóng góp gen di truyền từ người hiến thứ ba mà phôi phải hoàn toàn mang nguyên liệu di truyền của cặp bố mẹ nhờ mang thai hộ. Quy định này làm cho các cặp vợ chồng mà một trong hai người không thể cung cấp nguyên liệu sinh sản cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm sẽ không đáp ứng được điều kiện mang thai hộ.
Thứ ba, người mẹ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Pháp luật Việt Nam tương đối khắt khe trong việc xác định điều kiện để một người phụ nữ được mang thai hộ. Cần lưu ý rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì pháp luật chỉ cho phép người thân và phải cùng hàng (chị/em ruột, họ,... của người vợ/chồng) mới được mang thai hộ, điều này tuy sẽ hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ, nhưng sẽ giảm bớt áp lực trong việc nhiều người lợi dụng để mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tiếp theo đó là việc người này đã từng sinh con, nghe qua điều kiện này có thể thấy được hai vấn đề mà pháp luật đang quan tâm: (i) Người đã có con sẽ có kinh nghiệm trong việc mang thai; (ii) Việc mang thai bằng cách cấy phôi đã thụ tinh trong ống nghiệm luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt là khả năng sinh con sau này của người mẹ. Song song đó, khi đáp ứng đủ các yêu cầu trên thì người mẹ mang thai hộ cũng chỉ được phép mang thai hộ một lần duy nhất, nếu nhìn về mặt thuận lợi thì sẽ hạn chế tình trạng mang thai hộ một cách ồ ạt và bị thương mại hóa, tuy nhiên, nếu nhìn về bất lợi điều này sẽ làm giảm đáng kể khả năng được nhờ mang thai hộ của các cặp đôi khi mà điều kiện về xác định chủ thể mang thai hộ là quá khó và chặt chẽ.
Nhìn chung, việc pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực lập pháp, điều này cũng khẳng định hơn nữa mối quan tâm của Nhà nước với người dân. Mục đích của chế định này là nhằm giúp đỡ các cặp vợ chồng bị hạn chế trong khả năng sinh sản được có con riêng của chính mình, tuy nhiên trên thực tế, chế định này chưa hoàn toàn giải quyết được nhu cầu mang thai hộ cho các trường hợp thật sự khó khăn, khi mà họ không đáp ứng được điều kiện về chủ thể theo quy định pháp luật. Cụ thể các trường hợp như sau:
Thứ nhất, những người chọn lối sống độc thân hoặc các cặp đôi đồng tính muốn có con riêng của mình nhưng không thể tham gia vào quan hệ mang thai hộ ở Việt Nam. Những người chọn lối sống độc thân mới thật sự là những người cần hơi ấm từ đứa con hơn hết, nhưng họ lại không được pháp luật tạo điều kiện để có thể nhờ mang thai hộ. Vấn đề về các cặp đôi đồng tính có thể dễ hiểu hơn, đó là do pháp luật nước ta chưa chính thức hợp pháp hóa quan hệ hôn nhân này.
Thứ hai, người vợ/chồng không thể đóng góp nguyên liệu di truyền (trứng hoặc tinh trùng) cũng sẽ không thể tham gia vào quan hệ mang thai hộ. Vấn đề này là phản ánh rõ nhất việc pháp luật Việt Nam chưa tạo điều kiện tối đa cho những người chịu nhiều bất lợi hơn trong việc sinh con qua hình thức mang thai hộ. Mục đích cuối cùng của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là giúp các cặp vợ chồng bị “khiếm khuyết” về khả năng sinh sản được có con, tuy nhiên trong trường hợp này dường như pháp luật không thể đáp ứng được yêu cầu đó.
Thứ ba, các cặp các cặp đôi mồ côi [2] kết hôn cùng nhau không thể tìm được người mẹ mang thai hộ. Những cặp đôi mồ côi đã chịu mất mát gia đình từ bé, vì thế, việc đáp ứng điều kiện của pháp luật để tìm kiếm một người em/chị cùng hàng dường như là không thể. Xét về ý nghĩa của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, khi mà quyền được mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người được đề cao và đóng vai trò cốt lõi thì trong trường hợp này, việc pháp luật đặt ra các yêu cầu quá chặt chẽ về đối tượng được mang thai hộ đã hạn chế quyền được có con của các cặp đôi mồ côi, điều này là chưa thỏa đáng.
2. Quy định của pháp luật Vương quốc Anh
Ở Vương quốc Anh, vấn đề mang thai hộ được điều chỉnh bởi Đạo luật mang thai hộ 1985 cùng một số điều của Đạo luật về phôi thai và thụ tinh ở người 2008. Tương tự như pháp luật Việt Nam, pháp luật của Vương quốc Anh cũng không cho phép hình thức mang thai hộ vì mục đích thương mại [3]. Tuy nhiên, các nhà làm luật tại đây có một cách tiếp cận khác khi xác định chủ thể đủ điều kiện mang thai hộ so với pháp luật nước ta. Cụ thể, các điều kiện có thể được đối chiếu với pháp luật Việt Nam là:
Thứ nhất, bên nhờ mang thai hộ có thể là cặp đôi đồng tính, cặp vợ chồng chưa kết hôn, cá nhân. Trên khía cạnh pháp luật, từ đạo luật mang thai hộ năm 1985, Vương quốc Anh chưa bao giờ quy định rằng cặp đôi đồng tính, cặp vợ chồng chưa kết hôn hoặc cá nhân nhờ mang thai hộ là bất hợp pháp, tuy nhiên, trên thực tế lại trái ngược hoàn toàn, khi các chủ thể này nhờ mang thai hộ, họ rất khó khăn trong việc chuyển n tên trên giấy khai sinh của đứa trẻ thành tên của mình [4], “họ bị kẹt trong hố đen pháp lý nơi họ đang chăm sóc con cái của họ mà không có tư cách pháp nhân chính thức với vai trò là cha/mẹ [5]”.
Vào ngày 06/4/2010, khi bước vào giai đoạn triển khai cuối cùng của Đạo luật về phôi thai và thụ tinh ở người 2008, tuy không cho phép một người đăng ký làm cha/mẹ của đứa trẻ được sinh ra bằng hình thức mang thai hộ, nhưng pháp luật Anh đã cho phép các cặp đôi mà tòa án nhận thấy họ có một mối quan hệ ổn định được phép đăng ký giấy chứng nhận con nuôi đứng tên cả hai người thay cho giấy khai sinh ban đầu, điều mà trước đây chỉ có các cặp đôi dị tính đã kết hôn mới có thể thực hiện được [6]. Đối với vấn đề người mang thai hộ là cá nhân cũng đã được pháp luật Vương Quốc Anh hợp pháp thông qua bản sửa đổi năm 2018 của Đạo luật về phôi thai và thụ tinh ở người 2008 có hiệu lực vào 03/01/2019. Cụ thể, bản sửa đổi này đã trao quyền làm cha/mẹ một cách hợp pháp cho những cá nhân nhờ mang thai hộ và chấm dứt quyền này đối với người mẹ mang thai hộ. Trước đó, vào năm 2017 Tòa án cấp cao Anh và Xứ Wales cũng đã cho rằng vấn đề đang tồn đọng là vi phạm nghiêm trọng Đạo luật về quyền con người khi đã có sự phân biệt đối xử với các cha/mẹ đơn thân [7].
Thứ hai, chỉ cần ít nhất một người nhờ mang thai hộ đóng góp nguyên liệu cho quá trình thụ tinh và những đứa trẻ được sinh ra từ hình thức mang thai hộ có thể mang gen di truyền của người mẹ mang thai hộ. Theo Đạo luật mang thai hộ 1985, không nhất thiết phải cấy vào người mẹ mang thai hộ một phôi đã được thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng và tinh trùng của cặp cha mẹ nhờ mang thai hộ mà đó có thể là một trứng trong quá trình thụ tinh nhân tạo hoặc tinh trùng và nhiều trứng [8], từ đó sẽ có các trường hợp:
(i) Người mẹ mang thai hộ đóng góp gen di truyền. Trong trường hợp này, phôi sẽ được tạo thành từ tinh trùng của người cha nhờ mang thai hộ và trứng của người mẹ mang thai hộ, thông qua hình thức thụ tinh tại nhà hoặc thụ tinh nhân tạo [9];
(ii) Người mẹ mang thai hộ không đóng góp gen di truyền. Theo đó, bằng phương pháp này sẽ thực hiện thụ tinh nhân tạo kết hợp giữa trứng của người mẹ nhờ mang thai hộ và tinh trùng của người cha nhờ mang thai hộ hoặc người hiến tặng, giữa trứng của người hiến tặng và tinh trùng của người cha nhờ mang thai hộ.
Thứ ba, người mang thai hộ có thể là một người xa lạ không có quan hệ huyết thống với bên nhờ mang thai hộ. Ở Vương quốc Anh, một người phụ nữ có thể trở thành người mẹ mang thai hộ mà không cần có bất kỳ quan hệ huyết thống nào đối với cặp đôi hoặc cá nhân nhờ mang thai hộ miễn là đáp ứng đủ các điều kiện khác (như tuổi tác, tự nguyện, không vì mục đích thương mại,...). Điển hình, trong bộ phim tài liệu “The Surrogates” của đài BBC đã kể về Maddie Mawditt, một người phụ nữ xa lạ đã tự nguyện và cảm thấy hạnh phúc khi mang thai hộ cho cặp đôi đồng tính Alex và Richard Margerison, ngay sau khi họ gặp nhau trong một sự kiện xã hội của Surrogacy UK, tổ chức mang thai hộ phi lợi nhuận hàng đầu của Vương Quốc Anh [10].
3. Một số kiến nghị cho Việt Nam
Như đã đề cập, pháp luật Việt Nam mặc dù đã chấp nhận hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ năm 2014, nhưng nhìn chung những quy định về chủ thể đủ điều kiện để tham gia vào quan hệ dân sự này thì còn tương đối khắt khe. Điều này vô tình đã làm một số chủ thể mặc dù rất mong muốn và đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác nhưng vẫn không thể có con thông qua hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Do vậy, có thể tham khảo một số kinh nghiệm từ Vương quốc Anh như sau:
(i) Cho phép cá nhân, cặp đôi chưa kết hôn nhưng có mối quan hệ gắn bó được phép tham gia vào quan hệ mang thai hộ. Kiến nghị này nhằm tạo ra công bằng, không phân biệt đối xử giữa cá nhân, cặp đôi chưa kết hôn đối với các cặp đôi dị tính đã kết hôn theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, vấn đề này cũng sẽ giúp giải quyết việc xây dựng gia đình của các cặp đôi đồng tính mà chưa cần hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, Vương quốc Anh đã từng chấp nhận tư cách làm cha/mẹ hợp pháp của một cặp đôi chưa kết hôn đối với đứa trẻ được sinh ra theo hình thức mang thai hộ (năm 2010) trước khi họ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới (2017);
(ii) Cần dỡ bỏ quy định phôi thai được cấy vào tử cung người mang thai hộ phải hoàn toàn từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Hay nói cách khác, đứa con sinh ra chỉ cần ít nhất gen di truyền từ một người nhờ mang thai hộ. Điều này sẽ đặt ra thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát quá trình hiến tặng trứng, tinh trùng, tuy nhiên nó không chỉ giúp ích cho các cặp đôi dị tính không thể đồng thời cung cấp cả trứng và tinh trùng mà còn giúp cho các cặp đôi đồng tính và những người độc thân được phép có con thông qua hình thức mang thai hộ;
(iii) Người mẹ mang thai hộ không nhất thiết phải có quan hệ thân thích cùng hàng với cha/mẹ nhờ mang thai hộ. Việc giới hạn người mẹ mang thai hộ phải có quan hệ thân thích cùng hàng chỉ nên là biện pháp thử nghiệm trong giai đoạn đầu hợp pháp hóa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ở Việt Nam tránh bị biến tướng thành mục đích thương mại, tuy nhiên quy định này nên được sửa đổi để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Xã hội hiện đại, số lượng con cái trong mỗi gia đình càng bị thu hẹp nên việc đáp ứng điều kiện chị/em cùng hàng là vô cùng khó khăn, ngoài ra, như đã phân tích, có rất nhiều cặp đôi không thể xác định được gia đình của mình dẫn đến việc họ không được pháp luật tạo điều kiện trong việc xây dựng gia đình của riêng họ, điều thiêng liêng mà những người không may ấy đang thật sự tìm kiếm.
Quy định mang thai hộ ở Việt Nam này nhìn chung vẫn chặt chẽ hơn so với một số quốc gia - Ảnh: MH
[1] Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2014.
[2] Các cặp đôi mồ côi từ bé phải sống ở cô nhi viện khi kết hôn cùng nhau sẽ không thể xác định được gia đình và các chị/em cùng hàng.
[3] Được quy định tại khoản 1 Điều 2 Đạo luật mang thai hộ Vương Quốc Anh 1985.
[4] Theo quy định của pháp luật Vương Quốc Anh hiện hành, đứa trẻ được sinh ra bằng hình thức mang thai hộ sẽ được xem như là con ruột của người mẹ mang thai hộ (và người phối ngẫu của cô ấy nếu cô ấy đã kết hôn). Sau đó, trong vòng 6 tháng, cặp đôi hoặc cá nhân nhờ mang thai hộ sẽ nộp đơn yêu cầu đến Cơ quan đăng ký chung (GRO) để yêu cầu cấp giấy khai sinh mới cho đứa trẻ. Tham khảo tại , truy cập 03/12/2021.
[5] Natalie Gamble (người đứng đầu Hãng luật NGA Law) nói với Gazette. Tham khảo tại , truy cập ngày 04/12/2021.
[6] Ở thời điểm này, Vương Quốc Anh chưa chấp nhận hôn nhân đồng giới, nên đây được xem như là bước ngoặt lớn để các cặp đôi đồng tính mặc dù chưa được cho phép kết hôn nhưng vẫn có thể nhờ mang thai hộ và có tư cách cha/mẹ hợp pháp.
[7] Trong phán quyết ngày 20/5/2016 về vụ việc Re Z (A Child) (No 2) [2016] EWHC 1191 (Fam) của tòa án cấp cao Anh và Xứ Wales.
[8] Được quy định tại khoản 6 Điều 1 Đạo luật Mang thai hộ Vương Quốc Anh 1985.
[9] Đậy được gọi là kiểu “mang thai hộ truyền thống” và vẫn được pháp luật Vương Quốc Anh thừa nhận. Tham khảo tại , truy cập 05/12/2021.
[10] Claudia Tanner (2016), Surrogacy: ‘Why I carried a baby for complete strangers’, The i UK, , truy cập 07/12/2021.
Bài liên quan
-
Lịch sử pháp lý về mang thai hộ: Tình thế phức tạp của một quy định nhân văn
-
Án lệ về hòa giải tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Vương quốc Anh và hàm ý cho Việt Nam
-
Hội thảo về đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự của Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương Quốc Anh
-
Một số vướng mắc, bất cập về việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận