Lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên đối với vụ án tranh chấp nuôi con khi ly hôn
Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên trong vụ án ly hôn cần bảo đảm quyền lợi mọi mặt của trẻ em. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực hiện quy định này có những vướng mắc rất cần được thảo thuận, trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm, cũng như hướng dẫn của TANDTC.
Quy định của pháp luật
Khoản 3 Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên”.
Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu: “Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Thực tiễn về việc lấy ý kiến con
Theo các quy định hiện hành này, việc Tòa án quyết định giao con cho vợ hoặc chồng nuôi không chỉ dựa vào nguyện vọng của con từ 07 tuổi trở lên, mà còn phải căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con như điều kiện ăn ở, học hành, đi lại.
Song, từ thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình thì đôi khi nguyện vọng của con là căn cứ mang tính quyết định để Tòa án xem xét giao con cho người vợ hoặc người chồng nuôi. Đó là trong những trường hợp điều kiện của vợ và chồng là tương đồng nhau hoặc ý kiến của vợ, chồng là con có nguyện vọng sống với ai thì người đó được quyền nuôi…
Cũng chính từ thực tiễn như vậy, vấn đề đặt ra là phương pháp lấy ý kiến của con từ 07 tuổi trở lên sẽ thực hiện như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, tại Công văn số 01/2017/GĐ-TAND ngày 07/4/2017 của TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, tại mục 26 phần IV cũng chỉ nêu phương pháp lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên là “phải thân thiện với trẻ em”.
Do không có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về phương pháp lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên, nên trong thực tiễn xét xử, việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên được thực hiện như thế nào tùy thuộc vào kinh nghiệm của Thẩm phán, tính chất của vụ án… dẫn đến việc vận dụng pháp luật chưa thống nhất. Tác giả xin đề cập một số vấn đề cụ thể như sau:
Thời điểm lấy ý kiến
Vấn đề này trong thực tiễn có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc lấy ý kiến của con chưa thành niên được thực hiện sau khi Tòa án hòa giải mà đương sự không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con.
Quan điểm này lý giải như sau: Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Vì vậy, chỉ khi đương sự không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án mới lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên để xem xét quyết định ai là người trực tiếp nuôi con.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án phải thực hiện việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên trước khi Tòa án tiến hành hòa giải, bởi việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên trong vụ án hôn nhân có tranh chấp về nuôi con là thủ tục tố tụng bắt buộc.
Tòa án hòa giải tranh chấp nuôi con nhưng không lấy ý kiến của con là vi phạm thủ tục tố tụng. Việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên trước khi hòa giải vừa bảo đảm thủ tục tố tụng vừa làm căn cứ để tòa án hòa giải hoặc làm căn cứ để đương sự có thể suy nghĩ, xem xét để đi đến thỏa thuận ai là người trực tiếp nuôi con.
Nếu đợi đến khi hòa giải không thành do đương sự không thỏa thuận được việc nuôi con mới lấy ý kiến của con, rồi sau đó lại hòa giải tiếp chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Địa điểm lấy ý kiến
Địa điểm lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên trong thực tiễn cũng rất khác nhau, có thể là: tại nhà nơi con từ đủ 07 tuổi trở lên đang sinh sống; tại trụ sở ban nhân dân ấp, khóm; tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; tại Tòa án… Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải vụ án hôn nhân nào người con từ đủ 07 tuổi trở lên cũng có thể đến tòa án.
Việc không đến Tòa án của các em có thể do bị cấm đoán, hoặc cũng có thể do các em không đồng ý việc cha mẹ phải ly hôn; cũng có thể đo điều kiện đi lại, điều kiện địa lý nơi các em sinh sống mà các em không thể đến được. Trong những trường hợp như vậy, bắt buộc thẩm phán phải thực hiện việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên ngoài trụ sở Tòa án.
Cách lấy ý kiến
Trong thực tiễn thì cách Thẩm phán lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên cũng khác nhau. Có Thẩm phán hỏi: Cha mẹ ly hôn con/em có nguyện vọng sống với ai hoặc bây giờ con thích sống với ai và ghi vào biên bản hòa giải. Có Thẩm phán cho con từ đủ 07 tuổi trở lên tự ghi nguyện vọng vào giấy hoặc lập biên bản lấy ý kiến.
Việc hỏi thẳng về nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên đôi khi gây tác động tâm lý không tốt cho các em. Các em phân vân không biết phải trả lời như thế nào, thậm chí có em đã khóc và không trả lời.
Về người phải có mặt chứng kiến việc lấy ý kiến
Ý kiến của con là sống với ai đôi khi không xuất phát từ nguyện vọng thật sự của con. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của con, việc lấy ý kiến của con từ 07 tuổi trở lên bắt buộc phải có sự chứng kiến của người thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Vậy, người này là ai (người thân của con như cha, mẹ, ông, bà… hay người đại diện cho các cơ quan, đoàn thể…) thì trong thực tiễn cũng rất khác nhau. Có trường hợp là cha hoặc mẹ của con vì con đang sống với cha hoặc mẹ; có trường hợp là ông/bà ngoại hoặc ông/ bà nội do con đang sống với họ; có trường hợp là giáo viên chủ nhiệm, đại diện đoàn thanh niên…
Tuy nhiên, người chứng kiến là ai thì cũng có khó khăn riêng. Ví dụ, con đang sống với mẹ mà nguyện vọng được sống với cha nhưng có mặt mẹ thì con không dám nói thật nguyện vọng của mình. Điều này làm ảnh hưởng đến nguyện vọng của con và quyết định của Tòa án; hoặc không thể là giáo viên chủ nhiệm hay đại diện đoàn thanh niên nếu con không còn đi học hoặc tham gia đoàn thanh niên.
Tóm lại, nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên không phải là căn cứ duy nhất để Tòa án xem xét quyết định giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng. Việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên làm thế nào phản ánh đúng nguyện vọng của các em, qua đó bảo đảm quyền lợi mọi mặt của các em; phương pháp lấy ý kiến như thế nào sao cho thân thiện và phù hợp độ tuổi của các em là vấn đề cần phải suy nghĩ.
Với những vướng mắc như trên, tác giả rất mong quý đồng nghiệp cùng thảo thuận, trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm để việc thực hiện, áp dụng pháp luật cho thống nhất.
Bài liên quan
-
Bàn về hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con chung do có kết luận giám định ADN
-
Bàn về mức nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn quy định tại khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình
-
Ly hôn với mục đích chia đôi nợ cho chồng, một người ở Hậu Giang bị nhiều chủ nợ tố cáo lừa đảo
-
Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận