Về Điều 150 – Tội mua bán người và Điều 151 – Tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự

Vừa qua, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS, Nghị quyết có hiệu lực từ 15/3/2019. Sau khi nghiên cứu Nghị quyết 02/2019 nói trên, tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau

Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 150 và Điều 151 của BLHS, đã hướng dẫn cụ thể hơn về xác định tội phạm, về tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, về truy cứu trách nhiệm hình sự … Có thể nói đó là văn bản có giá trị pháp lý cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ để áp dụng khi giải quyết các vụ án về mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Nghị quyết này, cá nhân tôi thấy vẫn cần góp ý một số vấn đề sau:

Một là: Chưa có sự thống nhất trong một số điều của Nghị quyết.

Ví dụ: Khoản 2 Điều 4 viết “nhưng vẫn thể hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác”.

Điểm a khoản 1 Điều 5 viết “…chuyển giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác”.

Điểm a khoản 1 Điều 7 viết “…nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”.

Điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 2 đều viết theo quy định của Điều 150 và Điều 151 là: “ để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”

Như vậy, hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 thiếu “tài sản” và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 5 vừa thiếu “ tài sản” lại vừa dùng thuật ngữ “lấy” thay cho “nhận” là không chính xác, thiếu thống nhất trong một Nghị quyết.

Hai là: Khoản 2 Điều 6 mới chỉ hướng dẫn Điều 150 Tội mua bán người, mà không đề cập đến các tình tiết tương tự cũng được quy định tại khoản 3 Điều 151 BLHS.

Ví dụ như điểm c khoản 3 “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”; Điểm d “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”; Điểm đ “làm nạn nhân chết hoặc tự sát”.

Người phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi nếu không thuộc trường hợp “đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân, làm nạn nhân chết, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 của BLHS mà có các tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 151 BLHS thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của điều luật”.

Cần hướng dẫn rõ hơn là: Hành vi gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên là tình tiết định khung hình phạt không nằm trong tình tiết “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” mặc dù khi lấy đi một bộ phận hoặc nhiều bộ phận cơ thể của nạn nhân thì sẽ gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân. Vì vậy, điểm c khoản 2 Điều 150 và điểm h khoản 2 Điều 151 đã quy định loại trừ trường hợp “ đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”.

Nghị quyết hướng dẫn “2. Người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân nhưng không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 của BLHS. Trong trường hợp này nếu gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân chết do bị nhiễm trùng hoặc tự sát thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 3 Điều 150 của BLHS”.

Như vậy, rất dể hiểu lầm giữa “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” với “gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân”. Chúng tôi cho rằng không nên dùng “trong trường hợp này” vì nó không chính xác .

Ba là: Về hướng dẫn tại Điều 8 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội.

Người phạm tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội khác. Ví dụ như hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, cướp tài sản, trộm cắp tài sản.

Nghị quyết đưa ra ví dụ: Nguyễn Văn A mua Nguyễn Thị C để bán. Trong quá trình đem C đi bán, A đánh C gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 30%. Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người và tội cố ý gây thương tích.

Chúng tôi cho rằng ví dụ nêu trên không chính xác.Tình tiết gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân là tình tiết định khung hình phạt. Điều 150 và Điều 151 quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% là tình tiết định khung tăng nặng của khoản 2 và tình tiết gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên là tình tiết định khung hình phạt của khoản 3.

Điều này cũng có nghĩa là nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân dưới 31% ( từ 30% trở xuống) thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 của điều luật.
Như vậy, đã là tình tiết định khung hình phạt thì không còn là tình tiết định tội riêng biệt, độc lập nữa.

Giả sử Nguyễn Văn A đánh chị C gây thương tích từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích từ 61% trở lên thì Nguyễn Văn A có bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán người và tội cố ý gây thương tích không?
Nếu như hướng dẫn trên của Hội đồng Thẩm phán là đúng thì khi truy tố hai tội, việc áp dụng tình tiết gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi quy định trbong khoản 2 và khoản 3 của Điều 150 và Điều 151 BLHS sẽ được áp dụng thế nào?

Chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ lại vấn đề này vì sẽ rất vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Bốn là: Hướng dẫn chưa đầy đủ quy định của điều luật.

Điểm a và điểm b khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết hướng dẫn:

“a. Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích, vật chất khác;

b. Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc tội người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”.

Cưỡng bức, đe dọa, lừa gạt là cụ thể hóa dấu hiệu “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt” quy định là dấu hiệu định tội tại khoản 1 Điều 150. Người phạm tội còn có thể dùng thủ đoạn khác khác để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài. Các thủ đoạn khác đã hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết. Do đó, nếu tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 4 bỗ sung “hoặc thủ đoạn khác” thì vừa bảo đảm đúng dấu hiệu của tội phạm và hướng dẫn đầy đủ, chính xác quy định của điều luật.

Cũng cần lưu ý là tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi không phân biệt việc mua bán người để chuyển giao cho người nước ngoài hay trong nước. Tình tiết “đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chỉ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy người thực hiện các hành vi là dấu hiệu định tội mua bán người dù không chuyển giao người đó cho người nước ngoài hoặc đưa họ ra khỏi biên giới nước Việt Nam thì vẫn phạm tội.

NGUYỄN QUANG LỘC ( Nguyên Thẩm phán TANDTC)