Nên áp dụng tình tiết “tái phạm” đối với Nguyễn Đình T
Sau khi đọc bài viết “Nguyễn Đình T có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” hay không” của tác giả Lê Đức Anh, và các ý kiến bàn luận, tôi cho rằng nên áp dụng tình tiết tái phạm.
Trong Bộ luật Hình sự, “đã bị kết án” là yếu tố để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, có xử lý trách nhiệm hình sự hay không, định khung nào… tuy nhiên yếu tố này vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Hiện nay, không có một văn bản pháp luật nào giải thích “đã bị kết án” là gì. Phần lớn quan điểm đều hiểu rằng, “đã bị kết án” thì bản án đó phải có hiệu lực pháp luật, bởi Điều 31 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và do vậy, cụm từ “đã bị kết án” phải được hiểu là án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, cụm từ “Đã bị kết án”, được quy định tại rất nhiều điều luật của phần các tội phạm trong Bộ luật Hình sự và vẫn có thể được hiểu bản án đó phải có hiệu lực pháp luật và người bị kết án đó chưa được xóa án tích đối với bản án phải chấp hành đó.
Như vậy, theo như diễn giải ở trên và áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” đối với Nguyễn Đình T là có cơ sở.
Tuy nhiên, cả phần chung của Bộ luật Hình sự, chỉ có Điều 53 nói trên là quy định về “đã bị kết án”, và “đã bị kết án” trong trường hợp này được hiểu dùng điều chỉnh đối với hành vi đã bị Tòa án xét xử nhưng vẫn ngoan cố, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, không có ý thức ăn năn, hối cải và như vậy quy định này nhằm đánh vào ý thức của người phạm tội để giáo dục người phạm tội chấp hành tốt quy định của pháp luật, biết hối lỗi khi đã từng phạm tội, từng bị xét xử nên không nhất thiết bản án phải có hiệu lực pháp luật.
Điều này cũng nhằm để bản thân bị cáo nhận thức được đã từng bị đưa ra xét xử, từng bị kết án nhưng vẫn tiếp tục phạm tội thì phải bị xử lý nghiêm khắc hơn những người khác để họ không tái phạm. Vì vậy, trong thời gian án chưa có hiệu lực pháp luật (kháng cáo, kháng nghị) mà tiếp tục phạm tội là hành vi phạm tội mới, phạm tội trong thời gian ngắn (sớm tái phạm), vừa bị xét xử nhưng vẫn không có ý thức tôn trọng luật pháp, tôn trọng cơ quan truy tố, xét xử… thì phải tính là đã bị kết án và phải bị xử lý nghiêm minh hơn những người khác thì mới phù hợp và thể hiện sự công bằng của pháp luật.
Vì thế, “đã bị kết án” cũng có thể được hiểu là án phải có hiệu lực pháp luật; tuy nhiên, theo tôi, “đã bị kết án” cũng có thể được hiểu là “đã bị xét xử” nhưng vẫn tiếp tục phạm tội thì phải bị coi là “tái phạm” và buộc họ phải chịu án tích nhằm xử lý nghiêm minh những hành vi xem thường pháp luật, liên tục phạm tội. Do vậy, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng nên áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” đối với trường hợp như thế này./.
Bị cáo khai báo tại phiên tòa. Ảnh: Anh Tú/ BLĐ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận