Nên chờ để xác định tình tiết “tái phạm” đối với Nguyễn Đình T.

Sau khi đọc bài viết “Nguyễn Đình T có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” hay không” của tác giả Lê Đức Anh và các bài viết tranh luận của các tác giả, tôi cho rằng, Nguyễn Đình T phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm”.

Xoay quanh vụ việc, các tác giả theo quan điểm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” đối với Nguyễn Đình T đều phân tích để xác định bản án đã tuyên đối với T về tội “Trộm cắp tài sản” chưa có hiệu lực pháp luật, từ đó chưa thể xác định T có tội nên không áp dụng tình tiết “Tái phạm” đối với T. Quan điểm, cần áp dụng tình tiết “Tái phạm” đối với T thì cho rằng, không cần thiết xác định là bản án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa, chỉ cần xác định T đã bị kết án thì việc phạm tội tiếp theo của T đã thể hiện tính nguy hiểm, xem thường pháp luật nên phải áp dụng tình tiết này. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng phải áp dụng tình tiết “Tái phạm” đối với Nguyễn Đình T.

Thứ nhất, người bị kết án là người bị Tòa án kết tội và áp dụng hình phạt bằng một bản án[1]. Khoản 1 Điều 53 BLHS quy định: Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Trong quy định xác định là người bị kết án, đều này có nghĩa là người này bị Tòa án xét xử và tuyên bằng một bản án xác định họ phạm tội theo quy định của BLHS. Khái niệm kết án có nội hàm rộng hơn so với khái niệm về người phạm tội; kết án là khi tòa án tuyên bản án kết tội theo quy định của BLHS, trong khi người được xác định là phạm tội thì khi Tòa án tuyên bằng bản án (kết án) và bản án đó phải có hiệu lực pháp luật thì mới xem là người phạm tội. Tại khoản 1 Điều 53 BLHS không quy định là người phạm tội, mà quy định là người bị kết án. Do vậy, trong trường hợp này chỉ cần bị Tòa án tuyên bằng bản án, không cần xác định là bản án có hiệu lực pháp luật hay chưa, nếu người đó tiếp tục phạm tội theo quy định thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm”.

Mặt khác, điều luật quy định “đã bị kết án”, còn thể hiện ở ý nghĩa khác, đó là một người đã bị Tòa án đưa ra xét xử và có bản án kết tội, thì khi đó người bị kết án phải thật “giữ mình”, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, người bị kết án phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; vì nếu người bị kết án mà lại có hành vi vi phạm pháp luật là thể hiện tính xem thường pháp luật, “chống đối” và khi đó pháp luật điều chỉnh theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn. Vì vậy, quy định “Tái phạm” trong trường hợp này phải được hiểu và áp dụng theo hướng như vậy mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ hai, trong Điều 53 BLHS quy định, chỉ áp dụng tình tiết “Tái phạm” khi tội phạm đã thực hiện trước đó chưa được xóa án tích, điều này đồng nghĩa với việc người này phải phạm tội. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu theo hướng chỉ áp dụng tình tiết “Tái phạm” khi bản án có hiệu lực pháp luật mà người đó lại phạm tội mới thì mới đủ điều kiện áp dụng tình tiết “Tái phạm”. Quy định này nên hiểu theo hướng, khi bị kết án (không cần xác định bản án có hiệu lực pháp luật hay chưa) mà tiếp tục phạm tội thì sẽ xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm”; nhưng chỉ áp dụng khi bản án có hiệu lực pháp luật và xác định người đó phạm tội. Nếu khi bản án có hiệu lực pháp luật xác định người bị kết án không phạm tội, hoặc trường hợp hành vi phạm tội xác định không có án tích, hoặc được xóa án tích, thì khi người đó phạm tội sau sẽ không xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm”.

Như vậy, trong trường hợp Nguyễn Đình T nếu như bản án “Trộm cắp tài sản” có hiệu lực và xác định T phạm tội, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” khi T phạm tội “Đánh bạc”. Ngược lại, nếu khi đó xác định T không phạm tội “Trộm cắp tài sản” hoặc thuộc trường hợp không có án tích thì không áp dụng tình tiết “Tái phạm” đối với T.

Do đó theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nên chờ để xác định chính xác bản án “Trộm cắp tài sản” có hiệu lực hay không, rồi mới xét xử vụ “Đánh bạc”.

Mong bạn đọc cùng bàn luận làm rõ nội dung vụ việc./.

 

TAND Tp Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc xét xử vụ “Trộm cắp tài sản” – Ảnh: Bích Thảo

 

[1] Từ điển luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1999, tr.337.

NGUYỄN VĂN LAM (Tòa án quân sự Quân khu 9)