Nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác của đương sự

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định tương đối đầy đủ về nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác của đương sự, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn vẫn gặp vướng mắc. Bài viết này, chúng tôi bàn về một số vấn đề xoay quanh quy định này của BLTTDS 2015.

Quy định của BLTTDS 2015

Nhằm thể chế hóa quan điểm cải cách tư pháp của Đảng về nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, đồng thời, cụ thể hóa “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” đã được Hiến pháp 2013 quy định tại khoản 5 Điều 103, BLTTDS 2015 quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, cụ thể như sau:

“Điều 24. Bảo đảm tranh tụng trong xét xử

1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định”.
Có thể thấy, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của BLTTDS 2015, bởi lẽ nó chi phối toàn bộ quá trình tố tụng.

Khoản 2 Điều 24 BLTTDS 2015 nêu trên có quy định “đương sự có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp” và nhằm bảo đảm các đương sự đều được tiếp cận chứng cứ để thực hiện quyền tranh tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, quy định này đã được cụ thể hóa trong BLTTDS 2015 như sau:

– Khoản 9 Điều 70 BLTTDS 2015 quy định đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, cụ thể:“9. Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này”.

– Khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 quy định: “5. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác”.

Tuy nhiên, BLTTDS 2015 không quy định chế tài xử lý đối với đương sự không thực hiện nghĩa vụ gửi, thông báo tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.

Hướng dẫn và đề đề xuất

Về vấn đề này, đoạn thứ 3 mục 8 Phần VI Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2019 của TANDTC về một số vấn đề nghiệp vụ đã hướng dẫn: “Quy định tại khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là những quy định mới, nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Do vậy, trong quá trình tố tụng, Tòa án phải giải thích, hướng dẫn cho đương sự để họ thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Trường hợp đương sự không thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì Tòa án yêu cầu đương sự phải thực hiện. Trường hợp vì lý do chính đáng, không thể sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 Điều 196, điểm b khoản 2 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.

Chúng tôi xin đề xuất một số hướng khắc phục tình trạng này để bảo đảm nhận thức thống nhất pháp pháp luật.

Thứ nhất: Để bảo đảm quyền tranh tụng cho các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án, theo chúng tôi, khi thông báo về việc thụ lý vụ án, Tòa án cần giải thích, hướng dẫn cho đương sự thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, trong biểu mẫu tố tụng, Mẫu 30 – DS (Thông báo về việc thụ lý vụ án) ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) lại không có nội dung này. Vì vậy, để bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm bổ sung nội dung này vào Mẫu số 30 – DS (Thông báo về việc thụ lý vụ án).

Thứ hai: Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì Tòa án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 196 BLTTDS 2015: “3. Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì kèm theo thông báo về việc thụ lý vụ án, Tòa án gửi cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản sao tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp”. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong trường hợp vì lý do chính đáng mà không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác và có yêu cầu (đoạn 2 khoản 9 Điều 70 BLTTDS 2015).

Thứ ba: Trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ gửi, thông báo tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác mà cũng không yêu cầu Tòa án hỗ trợ thì BLTTDS đã có quy định tại điểm b khoản 2 Điều 210 để bảo đảm cho các đương sự được tiếp cận đầy đủ tài liệu, chứng cứ đã được các đương sự khác giao nộp. Đó là, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung BLTTDS 2015 cần bổ sung chế tài đối với trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ hoặc thông báo về tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.

BÍCH PHƯỢNG – KIM THÚY