Người bị tuyên bố mất tích không phải là đương sự trong việc dân sự
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích được BLTTDS 2015 quy định khá cụ thể, rõ ràng tại Chương XXVI. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các Tòa án chưa có sự thống nhất.
1. Thực tiễn giải quyết yêu cầu tuyên bố một người bị mất tích
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích được BLTTDS 2015 quy định khá cụ thể, rõ ràng tại Chương XXVI. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các Tòa án chưa có sự thống nhất trong một số vấn đề sau:
– Trong việc xác định tư cách đương sự trong việc dân sự yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Hiện nay, đối với việc xác định người yêu cầu thì hầu hết ở các Tòa án đã có sự thống nhất. Tuy nhiên, đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất tích thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, có Tòa án xác định họ là đương sự với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự, có Tòa án lại không xác định như vậy.
– Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết việc dân sự tuyên bố một người mất tích, ngoài việc thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích theo Mẫu số 29-VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) thì có Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết “Thông báo thụ lý giải quyết việc dân sự” và “Quyết định giải quyết việc dân sự” theo quy định về niêm yết văn bản tố tụng đối với người đang bị yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích; có Tòa án chỉ gửi văn bản tố tụng cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác và Viện kiểm sát theo quy định.
– Về quyền kháng cáo của người bị tuyên bố mất tích thì có Tòa án tuyên quyền kháng cáo cho cả người bị tuyên bố mất tích và niêm yết Quyết định giải quyết việc dân sự; có Tòa án chỉ tuyên quyền kháng cáo cho người yêu cầu giải quyết việc dân sự, không niêm yết văn bản tố tụng và Quyết định giải quyết việc dân sự.
2. Quy định của pháp luật về xác định tư cách đương sự, về thủ tục tố tụng và quyền kháng cáo trong việc dân sự tuyên bố một người bị mất tích
2.1. Xác định tư cách đương sự
Khoản 5 và khoản 6 Điều 68 BLTTDS 2015 quy định về đương sự trong việc dân sự gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự, cụ thể như sau:
“5. Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.”
Theo các quy định trên, trong việc dân sự có hai loại đương sự: (1) Người yêu cầu giải quyết việc dân sự; và (2) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong việc dân sự tuyên bố một người bị mất tích thì người có yêu cầu tuyên bố một người mất tích là người yêu cầu giải quyết việc dân sự đã rõ ràng. Vậy, người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có phải là đương sự – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự như một số Tòa án xác định hay không?
Việc xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là đương sự trong việc dân sự – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, theo chúng tôi là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi vì, theo quy định của BLTTDS 2015 thì sau khi có Quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích mà người đó trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích[1]; BLDS 2015 cũng quy định khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó[2]; đồng thời, BLTTDS cũng quy định về thủ tục huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người bị tuyên bố mất tích[3].
Và như vậy, có thể khẳng định người bị yêu cầu tuyên bố mất tích không phải là đương sự – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự; việc xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là đương sự – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là không đúng.
2.2. Về thủ tục tố tụng
2.2.1. Thông báo thụ lý đơn yêu cầu
Khoản 1 Điều 365 BLTTDS 2015 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.”.
Như vậy, thông báo thụ lý đơn yêu cầu chỉ phải gửi cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Như đã phân tích ở trên, do người bị yêu cầu tuyên bố mất tích phông phải là đương sự – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự nên Thông báo này không phải niêm yết đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
2.2.2. Gửi, công bố quyết định giải quyết việc dân sự tuyên bố một người mất tích
Các khoản 2, 3 và 4 Điều 370 của BLTTDS 2015 quy định về việc gửi, công bố quyết định giải quyết việc dân sự được thực hiện như sau:
“2. Quyết định giải quyết việc dân sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Việc gửi quyết định giải quyết việc dân sự cho cơ quan thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
3. Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật của Tòa án có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân phải được Tòa án gửi cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định của Luật hộ tịch.
4. Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật của Tòa án được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ quyết định có chứa thông tin quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.” Khoản 3 Điều 68 BLDS 2015 cũng quy định: “3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Do người bị tuyên bố là mất tích không phải là đương sự – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự tuyên bố một người bị mất tích. Vì vậy, khi ra Quyết định giải quyết việc dân sự tuyên bố một người mất tích, Tòa án chỉ phải gửi cho người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của người bị tuyên bố mất tích, công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 370 BLTTDS 2015 mà không phải tiến hành thủ tục niêm yết quyết định đối với người bị tuyên bố mất tích.
2.2.3. Về quyền kháng cáo
Điều 371 của BLTTDS 2015 quy định: “Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự để yêu cầu Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ quyết định giải quyết việc dân sự quy định tại khoản 7 Điều 27, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 của Bộ luật này.”
Do người bị tuyên bố mất tích không phải là đương sự – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự nên trong Quyết định giải quyết việc dân sự tuyên bố một người bị mất tích Tòa án chỉ tuyên quyền kháng cáo của người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không tuyên quyền kháng cáo đối với người bị tuyên bố mất tích.
Trong thực tiễn giải quyết việc dân sự tuyên bố một người bị mất tích có sự áp dụng pháp luật thống nhất như nêu ở trên. Để bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất, chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn chi tiết về những vấn đề này.
[1] Xem khoản 3 Điều 338 BLTTDS 2015.
[2] Xem khoản 1 Điều 70 BLDS 2015.
[3] Xem Điều 390 BLTTDS 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
2 Bình luận
thuy huong
07:47 11/01.2025Trả lời
1 phản hồi
nguyen tien
07:47 11/01.2025Trả lời