Nguyễn Văn H phạm tội “Tham ô tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn H phạm tội gì?”; bài của tác giả Dương Thị Hồng Ngát, tôi cho rằng quan điểm Nguyễn Văn H phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở.

Trên cơ sở nội dung vụ án mà tác giả nêu và các quan điểm về định tội danh với Nguyễn Văn H trong đó có quan điểm của tác giả. Tôi có quan điểm không đồng tình với quan điểm của tác giả và đó cũng là quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn H phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 BLHS. Quan điểm này theo tôi là không có cơ sở.

Qua nội dung vụ án và qua nghiên cứu các quan điểm xung quanh việc xác định tội danh với Nguyễn Văn H tôi cho rằng quan điểm thứ nhất là phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi ngoài các phân tích, lập luận mà tác giả đã nêu. Tôi xin được phản biện lại đối với quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả là không có cơ sở. Với các lý do sau:

Thứ nhất, về lý luận ta thấy sự khác nhau căn bản giữa 2 tội: “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là xét về mặt khách quan và mặt chủ thể của 2 tội.

Đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì về mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở 2 điểm mấu chốt: Một là, hành vi gian dối được thể hiện, thực hiện sau khi chủ thể của tội phạm đã nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng… một cách ngay tình, hợp pháp; sau khi nhận được tài sản vì mục đích chiếm đoạt không trả, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, theo thỏa thuận thì chủ thể của tội phạm mới nảy sinh dùng thủ đoạn gian dối để không trả, không thực hiện thỏa thuận, không thực hiện hợp đồng. Tức là thủ đoạn gian dối xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản. Hai là, việc dùng thủ đoạn gian dối là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Còn, ở mặt khách quan của tội “Tham ô tài sản” được thể hiện ở hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Đó là hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức mà mình đang trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý bằng cách lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản đó. Đối với chủ thể của tội phạm cả hai tội trên thì ngoài dấu hiệu chung như về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực hành vi thì chủ thể của tội “Tham ô tài sản”  là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản.

Người có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản là người theo chức trách nhiệm vụ và quyền hạn được giao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý gián tiếp hoặc trách nhiệm trực tiếp. Trách nhiệm này có được là do được bổ nhiệm hoặc phân công của tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giữ một chức vụ nhất định; được giao thực hiện một công việc có tính chất độc lập có trách nhiệm trực tiếp đối với một khối lượng tài sản nhất định trong một khoảng thời gian nhất định… [1]. Và, theo quy định của Luật Phòng chống Tham nhũng thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.[2]. Trong khi đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai (chủ thể thường).

Từ những phân tích trên, quay trở lại vụ án cho ta thấy: Từ tháng 7/2016 đến tháng 3/2019, Nguyễn Văn H được chỉ huy Trung đoàn X, Bộ CHQS thành phố P giao nhiệm vụ đảm bảo quân lương cho Trung đoàn. Qúa trình thực hiện nhiệm vụ được giao, H trực tiếp liên hệ với một số cá nhân trên địa bàn thành phố P để mua lương thực, thực phẩm cho đơn vị và thỏa thuận mỗi tháng thanh toán một lần, tháng sau sẽ thanh toán tiền tháng trước. Đối với đơn vị, trên cơ sở bảng kê các khoản mua lương thực, thực phẩm của H, hàng tháng cơ quan tài chính Trung đoàn X lập phiếu chi và thanh toán đầy đủ tiền mua thực phẩm trong từng tháng cho H. Tuy nhiên, sau khi được đơn vị thanh toán được tiền, H đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền của các cá nhân đã bán hàng cho H để chi tiêu cá nhân nên đến hạn thanh toán, H đã không thanh toán được hoặc chỉ thanh toán một phần cho họ. Với thủ đoạn như vậy, H đã chiếm đoạt của 11 cá nhân với tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng.

Qua diễn biến quá trình thực hiện hành vi của Nguyễn Văn H mặc dù có dấu hiệu của việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 11 cá nhân, đúng như phân tích của tác giả đó là: Nguyễn Văn H đã cố tình viện ra lý do là Trung đoàn chưa thanh toán tiền thực phẩm cho H nên chưa có tiền để trả cho 11 người cung cấp thực phẩm. Và, họ đã tin tưởng và tiếp tục cung cấp thực phẩm cho H. Ở đây có dấu hiệu của việc dùng thủ đoạn “gian dối” nhằm chiếm đoạt tài sản đối với các nhà cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây để xác định Nguyễn Văn H có thỏa mãn dấu của tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” không?

Về tư cách chủ thể, Nguyễn Văn H là người được giao nhiệm vụ của Trung đoàn là đảm bảo quân lương cho đơn vị. Việc thực hiện nhiệm vụ của H là nhân danh của đơn vị và hàng tháng trên cơ sở bảng kê các khoản mua lương thực, thực phẩm đơn vị thanh toán đầy đủ. Như vậy, xét về mặt chủ thể của tội phạm thì Nguyễn Văn H là người có chức vụ quyền hạn, thực hiện nhiệm vụ trong giới hạn nhiệm vụ quyền hạn được giao và việc chiếm đoạt tài sản,  ở đây có gây ra thiệt hại cho 11 nhà cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, xét về hành vi khách quan việc chiếm đoạt tài sản ở đây lại không phải là đối với 11 nhà cung cấp thực phẩm mà chính lại là chiếm đoạt số tiền đã thanh toán hàng tháng của đơn vị trên cơ sở các bảng kê mua lương thực, thực phẩm mà đơn vị đã thanh toán cho Nguyễn Văn H. Và việc chiếm đoạt này thông qua việc cung cấp lương thực, thực phẩm của các nhà cung cấp. Ở đây, Nguyễn Văn H sử dụng các nhà cung cấp lương thực, thực phẩm như là phương tiện để Nguyễn Văn H đạt được mục đích chiếm đoạt chính số tiền thanh toán của đơn vị cho các nhà cung cấp. Chính vì vậy, xét về mặt khách quan và mặt chủ thể của tội phạm thì Nguyễn Văn H thỏa mãn của dấu hiệu tội: “Tham ô tài sản” là có cơ sở đúng pháp luật.

Thứ hai, xét về mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả xảy ra ở đây là mối quan hệ nhân quả, việc chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Văn H gây ra là cho đơn vị. Vì việc thực hiện nhiệm của H là trên cơ sở nhiệm vụ được giao và việc chiếm đoạt tài sản lại là chính tài sản mà đơn vị giao cho H để H thanh toán cho các nhà cung cấp thực phẩm.

Theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.” Như vậy, trường hợp Nguyễn Văn H gây thiệt hại không thanh toán tiền cho 11 nhà cung cấp lương thực, thực phẩm mặc dù đơn vị đã thanh toán cho H rồi thì đơn vị của H là Trung đoàn X  phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Chính vì vậy, trong vụ án này bị hại phải xác định là Trung đoàn X, Bộ CHQS thành phố P. Còn, đối với 11 người cung cấp lương thực, thực phẩm cho H chỉ xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc là Người làm chứng.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Nguyễn Văn H phạm tội gì?”. Xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

Tòa án Quân sự Quân khu 2 xét xử vụ án “phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia” Ảnh: Bá Hùng

 

[1]  Bình luận khoa học BLHS 1999 (Phần các tội phạm), của  Tập thể tác giả: TS Nguyễn Thế Vắc – TS Trần Văn Luyện – LS,THS Phạm Thanh Bình – THS Nguyễn Đức Mai – THS Nguyễn Sỹ Đại – THS Nguyễn Mai Bộ. NXB CAND_2002 (tr656).

[2]  Khoản 2, khoản 3 Luật Phòng chống tham nhũng.

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)