Nhận diện hành vi tội cướp tài sản hay tội cưỡng đoạt tài sản

Tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản là hai tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, mặc dù Bộ luật hình sự (BLHS) và các văn bản hướng dẫn đã có nhiều quy định thi hành, tuy nhiên trong thực tiễn việc giải quyết hai tội danh này vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Quy định của pháp luật

Theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS Tội cướp tài sản “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản". 

Khoản 1 Điều 170 Tội cưỡng đoạt tài sản “Người nào de dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Về mặt cấu thành chung của hai tội danh cơ bản có nhiều nội dung giống nhau, tuy nhiên xét trong bản chất hành vi phạm tội có nhiều điểm khác nhau như sau:

Thứ nhất: Đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực cả hai tội danh việc xác đinh đó là thời điểm đe dọa dùng vũ lực rất quan trọng. Đối với tội cướp tài sản thời điểm đe dọa dùng vũ lực là ngay tức khắc tức là sử dụng ngay lập tức, nhanh và dứt khát, còn tội cưỡng đoạt tài sản thời điểm đe dọa dùng vũ lực kéo dài, chậm và đứt quãng.

Thứ hai: Đối với tội cướp tài sản quy định “Hành vi khác” là những hành vi không phải dùng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, như: dùng thuốc mê, ête, thuốc ngủ... làm cho nạn nhân lâm vào trạng thái hôn mê, không còn khả năng chống cự. Đối với tội cưỡng đoạt tài sản quy định khái niệm “Thủ đoạn khác” là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: Doạ sẽ tố cáo với chồng về việc vợ ngoại tình, doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản hoặc người có tránh nhiệm về tài sản.v.v...

Thứ ba: Tình trạng của nạn nhân

Tình trạng của nạn nhân là nhận thức và phản ứng của nạn nhân đối với việc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, đối với khi thực hiện hành vi khác trong tội cướp tài sản nạn nhân không thể chống cự được tức là nạn nhân mất đi khả năng bảo vệ tài sản của mình, còn đối với quy định thủ đoạn khác trong tội cưỡng đoạt tài sản điều luật không quy định cụ thể tình trạng của nạn nhân nhưng thủ đoạn đó nhằm mục đích tác động tinh thần của nạn nhân dẫn đến việc nạn nhân giao tài sản cho người phạm tội.

Thực tiễn áp dụng pháp luật

Hiện nay trong thực tiễn có nhiều vụ án bị cáo thực hiện hai hành vi đó là hành vi cướp tài sản và hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng có địa phương xử hai tội nhưng cũng có địa phương chỉ xử 01 tội.

Ví dụ: Khoảng 20h ngày 13/4/2023 Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Hồ Văn C và Hoàng Thị P cùng nhau đánh bạc ăn tiền. P bị mất tiền nghi A, B,C gian lận nên P đã gọi cho chống mình là Võ Văn H đến đòi lại tiền và sau đó H đến cùng với 01 cây rựa dài 1m, vừa đi vừa chửi “Tụi bay dám chơi gian lận trả tiền lại cho vợ tao”. Thấy A, B, C đang ngồi uống nước thì lập tức H đến và dùng cán dao đánh vào mặt A, B, C. Vì bị tấn công bất ngờ và lo sợ nên sau đó A đưa cho H số tiền 20 triệu đồng, H tiếp tục lục trong người B lấy đi số tiền 50 triệu đồng đưa cho P giữ.

Sau đó H nói với C đưa 100 triệu đồng thì cho cả nhóm về nhưng C chỉ đưa được 20 triệu đồng và xin về nhà lấy thêm tiền nhưng H không đồng ý.  C gọi điện thoại cho Cao Văn K nói với H bảo lãnh thì được H đồng ý nhưng với điều kiện C phải để xe  ô tô và điện thoại lại và C đồng ý. Đến 07h ngày 14/4/2023 thì C quay lại đưa cho H số tiền 80 triệu đồng sau đó H trả xe ô tô và điện thoại cho C. Võ Văn H và Hoàng Thị P sau đó bị bắt, liên quan đến hành vi phạm tội của Võ Văn H hiện nay tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của Võ Văn H và Hoàng Thị P phạm tội cướp tài sản Điều 168 và tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS vì hành vi của Võ Văn H diễn ra ở hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: H đã dùng cây rựa đánh A, B, C sau đó đã lấy đi của A số tiền 20 triệu, B là 50 triệu và C là 20 triệu đồng, trong giai đoạn này, có thể thấy hành vi của K là hoàn toàn đúng với mô tả trong tội cướp tài sản tại Điều 168 BLHS.

Giai đoạn thứ hai: H chỉ sử dụng lời nói, không có động thái và hành động thể hiện việc sẽ tức khắc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của C. H dùng thủ đoạn khác là không cho C ra về để uy hiếp tinh thần của bị hại. Khi H nói đưa 100 triệu mới cho cả nhóm về thì C chỉ đưa cho H 20 triệu đồng và nói không có tiền và về nhà lấy để đưa tiền cho H thì H đồng ý nhưng C phải để lại xe oto và điện thoại. C hoàn toàn có khả năng bỏ đi, thoát khỏi sự khống chế của H. Như vậy, C có thời gian suy nghĩ, thương lượng với H và không bị lâm vào tình trạng tê liệt ý chí, không thể chống cự, buộc phải làm theo yêu cầu cùa H như cấu thành cơ bản của tội “Cướp tài sản”. Sau khi nhận được 80 triệu đồng, H cho mọi người ra về. Hành vi của H phù hợp với cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với số tiền 80 triệu.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi Võ Văn H và Hoàng Thị P phạm tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự vì Võ Văn H đã thực hiện một chuối hành vi phạm tội mà hành vi dùng vũ lực là yếu tố căn bản quyết định quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đây thực chất là một chuối hành vi liên tục.

Những dấu hiệu đặc trưng

Nghiên cứu quy định của BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như thực tiễn giải quyết các vụ án về tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản, nhận thấy một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Tính liên quan giữa hai giai đoạn của hành vi phạm tội.

Hành vi phạm tội là những hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động, thỏa mãn những dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS cụ thể theo từng loại tội phạm, hành vi phạm tội là những hành vi trái với quy định của pháp luật, hành vi phạm tội bao gồm dấu hiệu chủ thể, mặt chủ quan, mặt khách quan để cấu thành tội phạm. Như vậy, một hành vi phạm tội có thể được thực hiện bao gồm nhiều hành động khác nhau. Ví dụ: Hành vi dùng vũ lực bao gồm các hành động như chuẩn bị công cụ, phương tiện, dùng công cụ, phương tiện tấn công người khác để chiếm đoạt tài sản…chuỗi hành động này có mối liên quan với nhau, thực hiện kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Đối với tội Cướp tài sản (Điều 168 BLHS): Dấu hiệu đặc trưng là hành vi “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản". Tức là người phạm tội đã thực hiện dùng sức mạnh vật chất tác động vào cơ thể của nạn nhân như (đấm, đá, tát …) đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc…làm cho ý trí của nạn nhân bị tê liệt không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác có thể diễn ra kế tiếp nhau về mặt thời gian xảy ra trong cùng một vụ án.

Đối với tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS): Dấu hiệu đặc trưng là hành vi “Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản”. mà nếu thiếu một hành động thì có thể sẽ không có hành vi diễn ra.

Trong quan điểm thứ hai về giải quyết vụ án có phân tích hành vi của H qua hai giai đoạn đó là giai đoạn dùng vũ lực và giai đoạn dùng thủ đoạn để xác định hành vi của H phạm hai tội, tuy nhiên nghiên cứu trong bối cảnh của vụ án có thể thấy rằng mặc dù có hai nhóm hành vi tuy nhiên hai nhóm hành vi này có liên quan với nhau tức là có mối liên hệ về mặt nhân quả mà theo đó hành vi dùng vũ lực (dùng cán rựa đánh A, B, C) trong giai đoạn một của H mang tính quyết định cho toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo và làm tê liệt hoàn toàn ý thức phản kháng của nạn nhận và đến giai đoạn hai thì bị cáo không sử dụng vũ lực và nạn nhân không phản kháng, như vậy rõ ràng có tính liên quan với nhau giữa hai giai đoạn mà hành vi dùng vũ lực tại giai đoạn một đóng vai trò quyết định. Như vậy, xét trong mối quan hệ liên quan giữa hai giai đoạn thì hành vi của H chỉ thỏa mãn yếu tố cấu thành trong tội cướp tài sản là phù hợp.

Thứ hai: Tính liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian

Ngoài việc đánh giá mối quan hệ giữa hai giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội thì yếu tố liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian giữa hai giai đoạn đây thực chất là một chuỗi hành vi không tách rời nên thoản mãn yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

Thứ ba: Tài sản chiếm đoạt

Trong vụ án nêu trên ngoài số tiền mà H chiếm đoạt của A, B thì mục đích mà H chiếm đoạt tiền của C tổng cộng là 100 triệu nhưng C chỉ đưa trước được 20 triệu còn 80 triệu sẽ đưa sau, hiện nay vẫn có quan điểm cho rằng tài sản chiếm đoạt của H đối với C cần phân biệt như sau: Đối với số tiền 20 triệu đồng là căn cứ để định khung đối với tội cướp tài sản và số tiền 80 triệu đồng là căn cứ để định khung đối với cưỡng đoạt tài sản.

Theo chúng tôi việc xác định số tiền làm căn cứ định tội danh như trên là không phù hợp vì mục đích chiếm đoạt tài sản ban đầu của H là 100 triệu đồng. Theo hướng dẫn tại mục 2 phần II Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 hương dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 “Trong trường hợp có đầy đủ cằn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm”, như vậy, ý thức chiếm đoạt tài sản của H là 100 triệu và hành vi thỏa mãn yếu tố cấu thành đối với tội cướp tài sản.

Từ những sự phân tích nêu trên có thể thấy hành vi Võ Văn H và Hoàng Thị P phạm tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự là hoàn toàn phù hợp.

Như vậy, để đánh giá một hành vi phạm tội thỏa mãn yếu tố cấu thành của một tội hay nhiều tội thì cần đánh giá trong tổng thể từng vụ án cụ thể, tính liên quan giữa các giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội tính tiến tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian hay không và ý thức chiếm đoạt tài sản của bị cáo để làm căn cứ xác định tội danh cho phù hợp.

*Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4

TAND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án cướp giật tài sản - Ảnh: Nguyễn Tâm

TRẦN VĂN HÙNG*