Tòa án hai cấp tỉnh Khánh Hòa hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử năm 2021
Trong năm 2021, với 8.151 vụ án các loại, TAND hai cấp tỉnh Khánh Hòa cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong năm 2021, TAND hai cấp tỉnh Khánh Hòa đã giải quyết 8.151 vụ án các loại.
Trong công tác giải quyết, xét xử án hình sự, so với cùng kỳ năm 2020, tình hình tội phạm trong tỉnh Khánh Hòa bị đưa ra truy tố, xét xử giảm đều ở các nhóm tội. Khi xét xử án hình sự, TAND các cấp luôn tuân thủ nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa; quyền bào chữa của bị cáo - nhất là đối với bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tinh thần hoặc thể chất, người bị truy tố về tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình – luôn được đảm bảo. Kết án đúng người đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân; hình phạt áp dụng đối với các bị cáo là nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ, của hành vi phạm tội. Đặc biệt, TAND tỉnh Khánh Hòa không cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng.
Đối với các loại án dân sự và hành chính, các Thẩm phán được phân công xét xử đã xác định đúng các quan hệ pháp luật tranh chấp, khiếu kiện hành chính, thời hiệu khởi kiện, tư các tố tụng của đương sự…, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy do vi phạm thủ tục tố tụng.
Công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và việc tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính luôn được chú trọng. Nhờ đó đã giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước giảm đáng kể các vụ khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Quyền bình đẳng của các đương sự trong việc cung cấp chứng cứ, tranh luận tại tòa được thực hiện nghiêm túc. Các phán quyết của Tòa án trong các bản án chỉ dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, nên nhận được sự đồng tình của dư luận.
Đa số các quyết định của Tòa án đều được tuyên rõ ràng, dễ hiểu; hầu hết các bản án, quyết định được phát hành đúng thời gian quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo, đương sự thực hiện quyền kháng cáo cũng như tạo điều kiện để cơ quan thi hành án nhanh chóng đưa bản án ra thi hành khi án có hiệu lực pháp luật.
Một số vụ án có tính chất phức tạp, đặc biệt là các vụ tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất, thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở; những vụ án có số lượng đương sự đông lại ở nhiều nơi trong nước cũng như ở nước ngoài; những vụ án tồn đọng của năm trước… đã được Thẩm phán ưu tiên tập trung giải quyết ngay từ đầu năm, nên đã cơ bản khắc phục được tình trạng án kéo dài do lỗi chủ quan của Thẩm phán.
Công tác thi hành án hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Không có trường hợp nào đế sót, lọt người bị kết án khi bản án có hiệu lực pháp luật dẫn đến hết thời hiệu thi hành. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết dứt điểm kịp thời, hạn chế được tình trạng khiếu nại vượt cấp, tạo điểm nóng. Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án cũng được giải quyết đúng pháp luật.
Trong năm 2021, số vụ án bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 33 vụ, trong đó án hình sự 10 vụ, dân sự 21 vụ, án hành chính 2 vụ (tăng 8,5 vụ so với cùng kỳ năm trước). Số vụ án bị sửa do lỗi của Thẩm phán là 7,5 vụ - tăng 3,5 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Số vụ án dân sự quá hạn luật định ở Tòa án cấp huyện chưa giải quyết kịp là 20 vụ.
Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế tồn tại này, theo TAND tỉnh Khánh Hòa, hầu hết những vụ án hình sự, dân sự, hành chính bị hủy, sửa có tình chất phức tạp về nội dung, trong khi quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ , rõ ràng, còn thiếu văn bản hướng dẫn áp dụng.
Đối với án quá hạn luật định, do tính chất phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng cư trú cả trong và ngoài nước, ở nhiều địa phương khác nhau. Trong một số vụ án, đương sự ở phía bị đơn có hành vi cản trở hoạt động tố tụng như kéo dài việc cung cấp chứng cư, không cung cấp địa chỉ mới của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không hợp tác trong đo vẽ, định giá; không chấp hành giấy triệu tập của Tòa án; nhiều trường hợp cố tình cản trở khi Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ…
Một nguyên nhân khách quan nữa là do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp phải giãn cách xã hội, dẫn đến việc thu thập chứng cứ, xác minh để giải quyết vụ án bị đình trệ. Sự phối hợp chưa tốt của một số cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp văn bản, tài liệu, tham gia định giá, thẩm định tại chỗ, thực hiện giám định…
TAND tỉnh Khánh Hòa cũng nhìn nhận rõ nguyên nhân chủ quan là một số Thẩm phán chưa thực sự dành thời gian để nghiên cứu các văn bản, trau dồi kỹ năng xét xử; việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật của Thẩm phán khi xem xét giải quyết các vụ án trong một số trường hợp chưa đầy đủ, toàn diện, dẫn đến tình trạng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại do lỗi chủ quan, TAND tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tăng cường công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với các vụ án bị hủy, sửa thông quan công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm xét xử. Kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, đồng thời kiến nghị cơ quan thẩm quyền hướng dẫn, giải đáp kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn xét xử.
Bên cạnh đó, TAND tỉnh Khánh Hòa cũng tăng cường công tác tập huấn; bồi dưỡng cho cán bộ; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; và tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các vụ án quá luật định… Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các Thẩm phán để án quá hạn luật định, án hủy do lỗi chủ quan.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận