Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm
Trong khoa học pháp lý, dựa vào các dấu hiệu cấu thành, có thể dễ dàng phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tế, đối với một số hành vi cụ thể, ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm rất mong manh, khó xác định. Nếu không giải quyết đúng đắn vấn đề này thì rất dễ dẫn đến trường hợp hình sự hóa hành chính hay hành chính hóa hình sự. Bài viết tập trung nghiên cứu, làm rõ các tiêu chí phân biệt và xác định ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm.
1. Về khái niệm
Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) định nghĩa vi phạm hành chính: “là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) định nghĩa tội phạm: “là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
2. Về các dấu hiệu cấu thành
Thứ nhất, mặt khách quan:
Xét về mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi: Vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm thấp hơn tội phạm hình sự (đây là dấu hiệu cơ bản nhất). Các căn cứ đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm hành chính và tội phạm bao gồm:
– Về mức độ thiệt hại: Đối với một số loại tội phạm, Bộ luật hình sự quy định mức độ gây thiệt hại cho xã hội của hành vi. Mức độ gây thiệt hại biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như: Giá trị tài sản bị xâm hại, giá trị hàng hóa vi phạm, mức độ thương tật… Căn cứ vào các dấu hiệu này, có thể phân biệt được ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm. Ví dụ: Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); nếu tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng (ít nghiêm trọng hơn) thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Qua ví dụ trên có thể thấy, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (có giá trị dưới 2.000.000 đồng) xâm hại trật tự quản lý trật tự quản lý hành chính nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội do tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này là không đáng kể nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên) do mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi là nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi là đáng kể nên các nhà làm luật đặt ra yêu cầu phải “hình sự hoá” đối với hành vi vi phạm này.
– Về số lần vi phạm: Nhiều trường hợp bị coi là tội phạm khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi đã thực hiện (hoặc các hành vi khác có tính chất tương tự). Hiện nay, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có 75 tội có cấu thành “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Trong những trường hợp này, nếu chỉ đánh giá về mặt hành vi thì khó xác định một cách chính xác đó là tội phạm hay vi phạm hành chính mà phải căn cứ vào dấu hiệu số lần thực hiện hành vi vi phạm.
Trở lại với ví dụ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên, theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại các điều 168 (tội cướp tài sản), 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội cưỡng đoạt tài sản)… của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phụ thuộc vào trị giá tài sản bị chiếm đoạt.
– Về công cụ, phương tiện, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm: Đây cũng được coi là căn cứ để đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Tiếp tục với ví dụ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên: Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nếu thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn xảo quyệt” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không phụ thuộc vào trị giá tài sản bị chiếm đoạt.
Thứ hai, mặt chủ quan:
Do tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của từng trường hợp lỗi là khác nhau, hơn nữa, tội phạm là loại vi phạm pháp luật bị áp dụng chế tài nặng nhất nên tại Điều 10 và Điều 11 Bộ luật hình sự quy định 04 hình thức lỗi của chủ thể để giúp giải quyết chính xác các vụ án hình sự:
– Cố ý trực tiếp là trường hợp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
– Cố ý gián tiếp là trường hợp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
– Vô ý vì quá tự tin là trường hợp: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
– Vô ý do cẩu thả là trường hợp: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Vi phạm hành chính chỉ quy định hai hình thức lỗi là cố ý và vô ý, không có sự phân biệt cố ý trực tiếp hay gián tiếp, vô ý vì quá tự tin hay do cẩu thả.
Thứ ba, chủ thể:
Chủ thể thực hiện vi phạm hành chính bao gồm cá nhân và tổ chức; chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân và pháp nhân thương mại.
Thứ tư, khách thể:
Có ý kiến cho rằng, khách thể của vi phạm hành chính và tội phạm được mô tả như hai vòng tròn giao nhau, dù phạm vi giao nhau là khá lớn nhưng vẫn tồn tại những quan hệ xã hội chỉ có thể là vi phạm hành chính, dù có vi phạm nhiều lần cũng không chuyển hóa thành tội phạm (ví dụ, hành vi tiểu tiện nơi công cộng, điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm…), có những hành vi vi phạm pháp luật chỉ có thể là tội phạm chứ không bao giờ là vi phạm hành chính, dù có gây hậu quả hay chưa (ví dụ, hành vi giết người, hiếp dâm…)[1].
3. Về căn cứ pháp lý
Theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành, vi phạm hành chính được quy định trong luật, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính[2]; tội phạm hình sự chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự do Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành. Trong trường hợp một hành vi vừa được quy định trong Bộ luật hình sự, vừa được quy định trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính thì cần đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi để khẳng định hành vi đó là tội phạm hay vi phạm hành chính.
Cần lưu ý rằng, việc căn cứ vào loại văn bản và cơ quan ban hành văn bản để xác định vi phạm hành chính hay tội phạm không hoàn toàn giống nhau ở các thời kỳ lịch sử. Chẳng hạn như, thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám, tội phạm hình sự được quy định trong các Sắc lệnh do Chủ tịch Chính phủ ban hành, ví dụ: Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ hoặc biển thủ công quỹ hay của công dân được quy định trong Sắc lệnh số 223 ngày 27/11/1946.
4. Về chế tài (biện pháp) xử lý
Vi phạm hành chính bị xử lý bằng các chế tài hành chính; tội phạm hình sự bị xử lý bằng các chế tài hình sự. Do vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với tội phạm nên các hình thức xử phạt hành chính cũng ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt áp dụng đối với tội phạm.
Bên cạnh đó, do tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nghiêm trọng hơn nên theo quy định của pháp luật, án tích của một người bị ghi vào lý lịch tư pháp của người đó. Đối với vi phạm hành chính, do tính nguy hiểm cho xã hội thấp hơn nên việc xử phạt vi phạm hành chính không bị ghi vào lý lịch tư pháp của người đó[3].
5. Về chủ thể có thẩm quyền xử lý
Do đặc thù của vi phạm hành chính diễn ra phổ biến, trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội nên chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và xử lý tội phạm cũng rất khác nhau, thể hiện ở chỗ việc xử lý người phạm tội được giao cho một cơ quan duy nhất là Tòa án, còn việc xử lý đối tượng vi phạm hành chính, theo quy định của pháp luật hiện hành, được giao cho rất nhiều cơ quan và người có thẩm quyền ở các ngành, các cấp, trong đó chủ yếu là các chức danh thuộc cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Cũng có trường hợp, việc xử phạt vi phạm hành chính được giao cho chức danh thuộc cơ quan khác, ngoài cơ quan quản lý hành chính nhà nước, ví dụ: Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 121 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ). Việc xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc Tòa án chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hẹp. Ví dụ: Khoản 5 Điều 72 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015) có quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc Tòa án đối với một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
6. Về trình tự, thủ tục xử lý
Đối với tội phạm, việc xem xét, áp dụng hình phạt do Tòa án thực hiện theo thủ tục tố tụng tư pháp. Đối với vi phạm hành chính, việc xem xét, quyết định chế tài xử phạt do 01 chủ thể là người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt áp dụng. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính phần nhiều mang tính quyền lực đơn phương từ phía cơ quan hành chính nhà nước, dù pháp luật có quy định quyền khiếu nại, khởi kiện của chủ thể bị xử phạt. Điều này xuất phát từ chỗ các chế tài xử phạt vi phạm hành chính có mức độ nhẹ hơn nhiều so với các chế tài hình sự. Chế tài hành chính chủ yếu tác động đến tài sản, vật chất, tinh thần của người vi phạm (cảnh cáo, phạt tiền…), trong khi đó, chế tài hình sự phần nhiều bao gồm những hình phạt liên quan đến tước quyền tự do của người phạm tội.
Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy, vi phạm hành chính và tội phạm đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hai loại vi phạm pháp luật phổ biến, có cùng bản chất là tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhưng khác nhau về mức độ của tính nguy hiểm. Xuất phát từ sự khác nhau cơ bản này (mức độ nguy hiểm của hành vi) mà pháp luật quy định những loại trách nhiệm pháp lý khác nhau để đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính và tội phạm: Trách nhiệm hành chính đặt ra đối với chủ thể vi phạm hành chính; trách nhiệm hình sự đặt ra đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Việc áp dụng những loại trách nhiệm pháp lý khác nhau sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau, theo đó, hình thức xử phạt áp dụng đối với vi phạm hành chính ít tính nghiêm khắc hơn so với hình phạt áp dụng đối với tội phạm. Do vậy, việc phân biệt vi phạm hành chính với tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động áp dụng pháp luật, nó chính là cơ sở để áp dụng các loại trách nhiệm pháp lý khác nhau nhằm bảo đảm đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm hành chính và tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan./.
Theo moj.gov.vn
[1] Nguyễn Thị Thiện Trí, Góp ý dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính, Trang điện tử Thế giới luật, tại địa chỉ https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/gop-y-du-thao-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-6318/, truy cập ngày 15/4/2019.
[2] Hiện nay, các hành vi vi phạm hành chính chủ yếu được quy định trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại Điều 4 Luật XLVPHC).
[3] Sách “Tìm hiểu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”, Đặng Thanh Sơn (chủ biên), Nhà xuất bản Tư pháp, 2016, trang 16.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận