Pháp luật về tội phạm tham nhũng và những vấn đề cần quan tâm
Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, tập thể cá nhân. Xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
Quy định của pháp luật
Người tham nhũng bao gồm: cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan đơn vị quân đội nhân dân, cơ quan đơn vị công an nhân dân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp, cán bộ xã, phường, thị trấn.
Chống tham nhũng là yêu cầu khách quan của Đảng, nhà nước, xã hội và là công việc mà Đảng, nhà nước và nhân dân phải làm đồng thời với việc bảo vệ, xây dựng đất nước. Một vụ án tham nhũng đã đi vào lịch sử Tòa án quân sự Việt Nam là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta (1945-1954) vào thời điểm cả nước chịu khó, chịu khổ, tập trung sức người sức của để chống giặc ngoại xâm, thì ngày 05/9/1950 Tòa án binh tối cao Việt Nam đã mở phiên tòa xét xử công khai Trần Dụ Châu – nguyên giám đốc Nha Quân nhu Bộ quốc phòng và đồng phạm về hành vi biển thủ (tham ô) tiền, tài sản khác có giá trị cao và nhận hối lộ nhiều tiền và tài sản có giá trị để ăn tiêu bừa bãi làm hao hụt rất lớn đến công quỹ quốc phòng, gây bất bình trong Quân đội và nhân dân. Tòa án binh tối cao Việt Nam đã ra bản án với hình phạt nghiêm khắc là tử hình đối với Trần Dụ Châu và tử hình đối với Lê Sỹ Cửu kẻ đồng phạm với Trần Dụ Châu ( Theo Lịch sử Tòa án quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2015).
Bản án xét xử Trần Dụ Châu đã đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của nhân dân Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ 20.
Tuy nhiên, sau hơn 50 năm kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 2/9/1945 (nay là Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đến ngày 21/12/1999 Quốc hội mới quy định trong BLHS được Quốc hội thông qua ngày 21 /12/1999, tại Chương XXI mục A, các tội phạm tham nhũng bao gồm các tội sau đây:
“ Điều 278. Tội tham ô tài sản
Điều 279. Tội nhận hối lộ
Điều 280. Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản
……
Điều 284. Tội giả mạo trong công tác”
Các tội phạm về tham nhũng quy định trong BLHS năm 1999 được tiếp tục quy định trong BLHS Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 cụ thể như sau:
“ Điều 353. Tội tham ô tài sản hình phạt cao nhất là tử hình …
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác hình phạt cao nhất là tù đến 20 năm”.
Theo quy định về 7 tội tham nhũng mà chúng tôi trình bày ở trên thì có hai tội có hình phạt cao nhất là tử hình là Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ. Có hai tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân là Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng tới đối với người khác để trục lợi. Có ba tội có hình phạt cao nhất là tù có thời hạn từ 15 năm đến 20 năm là các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (tù đến 15 năm) Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ (tù đến 20 năm) và Tội giả mạo trong công tác (tù đến 20 năm).
Bảy tội phạm về tham nhũng là tội phạm rất nghiêm trọng và là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể là: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là tội phạm rất nghiêm trọng, còn sáu tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vì có hình phạt tù trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Điều 9 BLHS năm 2015 quy định.
Theo Điều 27 BLHS năm 2015 quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
“ 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng”.
“ 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
“ Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”.
Căn cứ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên có nhiều vụ án tham nhũng thực hiện cách đây 10 hoặc 15 năm đến năm 2019 mới bị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để thực hiện điều tra, xử lý.
Việc quy định trong BLHS các tội phạm về tham nhũng cho thấy Đảng và nhà nước Việt Nam coi trọng việc đấu tranh với người tham nhũng như người phạm tội khác trong BLHS hiện hành.
Trong thời gian thi hành BLHS năm 2015, có nhiều người phạm tội về tham nhũng bị phát hiện, bị xét xử taị Tòa án, nhưng phạm tội về tham nhũng không giảm và diễn biến phức tạp hơn, thậm chí tội phạm chính là những người có thẩm quyền giám sát, thanh tra, kiểm tra hành vi tham nhũng, ví dụ : Báo Hà Nội mới số 18039 ngày 13-5-2019 có bài: “ Khởi tố hai giám đốc có hành vi hối lộ”. Bài báo cho biết, chiều ngày 18/4/2019 trong lúc đang nhận tiền của đối tượng bị thanh tra, một thành viên trong đoàn thanh tra đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang. Theo đó ngày 23/4/2019 Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tạm giam 5 thành viên Đoàn thanh tra tỉnh Thanh Hóa để điều tra các cán bộ này nhũng nhiễu, nhận tiền của doanh nghiệp. Các giám đốc doanh nghiệp Hải Lan và giám đốc doanh nghiệp Cường Quý đã bị khởi tố bị can, bị bắt tạm giam vì hành vi đưa hối lộ…
Thu hồi tài sản tham nhũng
Một vấn đề trong đấu tranh chống tham nhũng được nhiều người quan tâm đó là việc thu hồi tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt.
Vấn đề này, phương tiện thông tin đại chúng chỉ đưa tin số người tham nhũng bị trừng trị trong từng vụ án và số tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt. Còn việc tài sản bị chiếm đoạt có thu lại được hay không và thu lại được bao nhiêu thì người dân không được biết. Tìm hiểu vấn đề này chúng tôi được biết, cho đến nay chưa có quy định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định việc báo cáo hàng năm về kết quả thu hồi tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt.
Để góp phần vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa vào kế hoạch công tác hàng năm những đề như sau:
-Tiếp tục tuyên truyền pháp luật về tội tham nhũng.
-Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế báo cáo về tình hình chống tham nhũng.
-Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ở địa phương và trung ương có báo cáo kết quả giải quyết các vụ án về tham nhũng có số liệu về số vụ đã giải quyết, số tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt, số tài sản bị chiếm đoạt đã thu hồi, số tài sản còn phải thu hồi.
-Các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương ở trung ương có báo cáo kết quả thi hành án dân sự đối với người phạm tội tham nhũng. Có số liệu về số tài sản tham nhũng đã thi hành được số tài sản tham nhũng còn phải thi hành.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận