Quy định lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên – Hạn chế và giải pháp
Vấn đề giải quyết tranh chấp nuôi con chung là một phần không thể tách riêng trong vụ án ly hôn có con chung. Việc giao quyền nuôi con chung cho cha hoặc mẹ đúng đắn sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, tạo điều kiện cho con chung có được môi trường chăm sóc, giáo dục và phát triển một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật hiện hành còn một số hạn chế trong quy định về việc lấy ý kiến của con chung từ đủ 7 tuổi trở lên trong giải quyết các vụ án hôn nhân nhân gia đình tại Tòa án. Thông qua bài viết sẽ đề cập đến quy định của pháp luật hiện hành, từ đó đưa ra những bất cập trong quy định của pháp luật và kiến nghị hoàn thiện.
1. Quy định của pháp luật hiện hành
Theo khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) thì “3. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.”
Đây là lần đầu tiên BLTTDS quy định về việc lấy kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên trong vụ án ly hôn. Qua đó cho thấy được tầm quan trọng của người chưa thành niên nói chung và việc tôn trọng ý kiến của người chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên nói riêng; thể hiện sự quan tâm và các chính sách của pháp luật áp dụng đối với người chưa thành niên.
Vấn đề này cũng được Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 ghi nhận, theo đó tại Điều 81 của Luật này quy định:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Như vậy, việc lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên là thủ tục trong giải quyết vụ án ly hôn có con chung là người chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên.
2. Hạn chế
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 và Điều 81 Luật HNGĐ năm 2014 thì trong giải quyết vụ án ly hôn có con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải lấy ý kiến, thể hiện nguyện vọng muốn sống với cha hoặc mẹ. Một số quan điểm cho rằng việc lấy ý kiến con chung từ 7 tuổi trở lên là thủ tục bắt buộc và phải tôn trọng ý kiến của con chung. Nếu không thực hiện đúng thì đây là một trong những căn cứ để xem xét sửa, hủy bản án sơ thẩm của cấp phúc thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tuy nhiên, thực tế quá trình giải quyết các vụ án ly hôn có giải quyết về vấn đề con chung đôi khi gặp phải những vướng mắc khi xác định lấy ý kiến của con chung. Cụ thể:
Trường hợp thứ nhất: Sau khi sinh con, thì cha mẹ giao con cho ông, bà chăm sóc, nuôi dưỡng để đi làm, không trực tiếp, thường xuyên nuôi dưỡng con. Đến khi cha mẹ ly hôn và lý ý kiến của con thì con chung có nguyện vọng sống chung với ông, bà mà không muốn sống chung với cha hoặc mẹ.
Trường hợp thứ hai: Sau khi lấy ý kiến con chung thì có nguyện vọng sống chung với cha (hoặc mẹ), nhưng cha (hoặc mẹ) lại không muốn trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con chung.
Trường hợp thứ ba: Sau khi lấy ý kiến của con chung, cả cha và mẹ đều không muốn trực tiếp, chăm sóc nuôi dưỡng con chung.
Mặc dù, Tòa án đã thực hiện việc lấy ý kiến của con chung, nhưng việc quyết định giao con cho ai nuôi dưỡng thì cần phải xem xét một cách thận trọng.
Thứ hai, pháp luật quy định phải lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên khi giải quyết vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con chung. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án có thể thấy được một số vướng mắc nhất định trong việc lấy ý kiến của con. Hiện nay, ở các vùng quê cha, mẹ, con thường rời khỏi địa phương để đi làm ở địa phương khác, ít về địa phương nơi đăng ký thường trú. Khi yêu cầu ly hôn một trong các bên có yêu cầu khởi kiện và bên còn lại thì đang nuôi dưỡng con chung. Trong trường hợp bên đang nuôi con hợp tác với Tòa án thì có thể lấy ý kiến của con, ngược lại cố tình giấu địa chỉ, không hợp tác và Tòa án không thể gặp được để lấy ý kiến con chung. Hoặc trường hợp cha mẹ thỏa thuận được việc nuôi con nhưng không lấy được ý kiến của con hay cha mẹ tranh chấp nuôi con nhưng cũng không lấy được ý kiến con. Đây là thực trạng mà nhiều Tòa án gặp phải và có những hướng xử lý khác nhau, chưa thống nhất.
Thứ ba, theo khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 thì “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.”
Như vậy, khi giải quyết vụ án ly hôn mà có con chung là người chưa thành niên thì Tòa án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Quy định này cũng được hướng dẫn tại mục II, tiểu mục 24 của Giải đáp số 01/2017/TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC giải đáp về một số vấn đề nghiệp vụ khẳng định lại “Quy định này thể hiện tính chất đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con. Do vậy, đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc.”
Bên cạnh đó, tại mục II, tiểu mục 25 của Giải đáp này cũng đã hướng dẫn việc tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương”.
Các khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các khoản 5, khoản 6 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05-5-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Như vậy, khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, Thẩm phán, Thẩm tra viên có thể thu thập tài liệu, chứng cứ và tham khảo ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương theo quy định tại các Nghị định nêu trên. Ngoài ra, để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp, Tòa án có thể tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ, chồng chung sống, nơi con chưa thành niên cư trú.
Thực tiễn giải quyết còn gặp phải nhiều vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện việc xác minh nguyên nhân mâu thuẫn. Cụ thể: Theo giải đáp thì có thể tham khảo ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Một số trường hợp Tòa án cũng có tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ, chồng chung sống, nơi con chưa thành niên cư trú. Tuy nhiên, đa phần những cơ quan này không trả lời, hoặc trả lời cho rằng không nắm sâu sát cơ sở nên không biết được hoặc qua xác minh cơ sở thì cho rằng không có mâu thuẫn, vợ chồng vẫn hạnh phúc. Dẫn đến gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Bên cạnh đó, việc nguyên đơn và bị đơn, con chung có nhiều nơi cư trú và sinh sống ở nhiều nơi khác nhau thì việc xác định nguyên nhân mâu thuẫn ở địa phương cũng gặp phải nhiều khó khăn do địa phương không quản lý, theo dõi được.
3. Kiến nghị
Thứ nhất, việc pháp luật quy định trong vụ án ly hôn mà có con chung từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho con chưa thành niên có đủ điều kiện phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp mà con chưa thành niên có nguyện vọng sống với cha hoặc mẹ đều được Tòa án chấp nhận. Bởi lẽ, dù con chung là đủ 7 tuổi trở lên, nhưng xét về mặt thể chất, lẫn tinh thần còn chưa nhận thức đầy đủ nên sự thỏa thuận của cha mẹ vẫn là tiên quyết, trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định.
Ví dụ: Con chung đủ 7 tuổi trở lên có nguyện vọng sống chung với cha, tuy nhiên do cha thường xuyên đi làm công tác xa và không có điều kiện trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con, nên cha và mẹ đồng ý thỏa thuận giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Do đó, dù con chung có nguyện vọng sống chung với cha nhưng xét về điều kiện, hoàn cảnh thì cha không thể chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho con chung. Như vậy, Tòa án chỉ có thể giao con chung cho mẹ chăm sóc nuôi dưỡng mà không thể giao cho cha, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho con chung từ đủ 7 tuổi trở lên cũng như ghi nhận ý kiến thỏa thuận của cha, mẹ con chung.
Qua đó xác định, việc lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên là thật sự cần thiết và việc giao con chung cho một bên cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo nguyện vọng của con là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngoài việc xem xét nguyện vọng của con thì trong từng trương hợp, vụ án cụ thể mà Tòa án có thể giao con chung cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng mà không theo nguyện vọng của con. Trên cơ sở đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con chưa thành niên.
Thứ hai, do có sự mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân nên vợ chồng không còn sống chung và sau khi ly thân thì con chung sẽ theo cha hoặc mẹ. Do đó, khi một trong các bên yêu cầu ly hôn thì con chung không còn ở nơi cư trú nên việc lấy ý kiến của con chung từ đủ 7 tuổi trở lên là khó có thể thực hiện được nếu một trong các bên đang nuôi con chung không hợp tác. Như vậy, trong trường hợp này không thể xem xét được nguyện vọng của con chung. Thực tiễn, giải quyết các vụ án ly hôn, Tòa án cần xác minh ở địa phương nơi các đương sự sinh sống trước khi ly hôn từ khi ly thân đến nay con chung sống chung với ai, về điều kiện, thu nhập thực tế của các bên, tham khảo ý kiến của cha, mẹ, ông, bà, người thân thích về nguyện vọng của con chung. Từ đó, Tòa án có thể có quyết định giao con chung cho bên có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho con. Ngoài ra, trong từng trường hợp, tình huống cụ thể mà Tòa án xem xét giải quyết cho phù hợp, thấu tình đạt lý.
Thứ ba, việc xác định nguyên nhân mâu thuẫn là rất cần thiết, thông qua đó Tòa án có thể xác định được lý do mà các đương sự yêu cầu ly hôn để có cách xử lý hợp lý cũng như có giải pháp hòa giải, hàn gắn, động viên cho các đương sự có thể đoàn tụ nhằm tạo điều kiện tốt cho con chưa thành niên. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật quy định chưa rõ ràng và việc xác minh nguyên nhân mâu thuẫn ở địa phương thì không đạt được kết quả tốt. Bởi lẽ, trong nhiều vụ việc đương sự cư trú ở nhiều địa phương khác nhau nên chính quyền cơ sở khó quản lý cũng như lực lượng làm nhiệm vụ ở địa phương ít, công việc nhiều nên không thể nắm bắt hết được nguyên nhân mâu thuẫn của từng gia đình. Do đó, quá trình giải quyết các vụ án cụ thể Tòa án ngoài xác minh ở chính quyền địa phương còn có thể lấy ý kiến thêm của người thân thích trong gia đình như ông, bà, cha mẹ,…các hộ dân sinh sống cùng khu vực… Từ đó, có thể năm bắt được những thông tin về nguyên nhân mâu thuẫn, nguyên nhân ly hôn mà các cách xử lý phù hợp trong từng vụ việc cụ thể.
Trên đây là những ý kiến, kinh nghiệm của bản thân trong quá trình giải quyết các vụ án ly hôn có con chung là người chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên. Rất mong nhận được những chia sẽ, đóng góp từ quý đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân huyện Thanh Miện, Hải Dương xét xử vụ án ly hôn - Ảnh: Nguyễn Thị Diên
Bài liên quan
-
Bàn về hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con chung do có kết luận giám định ADN
-
Bàn về mức nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn quy định tại khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình
-
Ly hôn với mục đích chia đôi nợ cho chồng, một người ở Hậu Giang bị nhiều chủ nợ tố cáo lừa đảo
-
Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận