Quyền yêu cầu của Chấp hành viên trong tố tụng dân sự - Kinh nghiệm từ thực tiễn
Từ thực tiễn giải quyết các việc dân sự liên quan đến quyền yêu cầu của Chấp hành viên cho thấy vẫn còn cách hiểu chưa thống nhất, cơ quan Thi hành án và Tòa án còn lúng túng trong quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn yêu cầu và cách thức giải quyết vụ việc, dẫn đến một số sai sót. Bài viết tổng hợp một số dạng vi phạm thường gặp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất, kiến nghị đối với vấn đề này.
1. Căn cứ pháp luật
Quyền yêu cầu của Chấp hành viên được hiểu là quyền hạn mà Chấp hành viên được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định. Quyền yêu cầu của Chấp hành viên trong tố tụng dân sự được thực hiện trong quá trình cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án mà cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) chưa có căn cứ xác định được phần tài sản của họ trong khối tài sản chung.
Điều 74 Luật THADS năm 2014 quy định về điều kiện để Chấp hành viên gửi đơn yêu cầu đến Tòa án như sau:
“1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án”.
Tại khoản 9 Điều 27 và Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 xác định yêu cầu này của Chấp hành viên là việc dân sự và được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự, cụ thể:
Điều 27 quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“… 9. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án…”.
Điều 362 quy định đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự:
“1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền quy định tại Mục 2 Chương III của Bộ luật này.
Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này…”.
Như vậy, điều kiện cần và đủ để Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án, đó là:
Một là, trước đó, Chấp hành viên đã thông báo cho người phải thi hành án, những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất và thông báo cho người được THADS về quyền thỏa thuận, phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hai là, thời hạn được thực hiện các quyền nêu trên trong 30 ngày đối với đồng sở hữu chung (bao gồm cả người phải thi hành án) và 15 ngày đối với người được thi hành án, kể từ ngày nhận được thông báo.
Ba là, nếu hết những thời hạn nêu trên không có ai yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án.
Về trình tự, thủ tục: Chấp hành viên phải viết đơn yêu cầu và được Tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục việc dân sự quy định tại Chương XXIII Phần thứ sáu BLTTDS năm 2015 (từ Điều 361 đến Điều 375).
Để vụ việc có Chấp hành viên yêu cầu được giải quyết đúng trình tự, thủ tục pháp luật, Thẩm phán cần phân loại xác định đúng tính chất loại vụ, việc. Việc phân biệt thủ tục việc dân sự hay vụ án dân sự không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết. Bởi vì, trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, các đương sự sẽ có cơ hội tham gia các phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ, từ đó có phương án hòa giải hoặc được Tòa án tạo điều kiện hòa giải. Còn ở thủ tục việc dân sự, Tòa án chỉ mở phiên họp giải quyết việc dân sự mà không cần mở phiên hòa giải công khai chứng cứ. Do đó, nếu giải quyết yêu cầu của Chấp hành viên theo trình tự việc dân sự thì thời hạn giải quyết chỉ là 02 tháng, ngắn hơn thời hạn giải quyết vụ án dân sự rất nhiều, giúp cho cơ quan THADS sớm kết thúc việc cưỡng chế tài sản để thi hành án.
2. Một số dạng vi phạm thường gặp
Mặc dù những quy định trên rất cụ thể, song trong thực tiễn áp dụng, vẫn còn có cách hiểu không thống nhất dẫn đến cơ quan Thi hành án và Tòa án còn lúng túng trong quá trình gửi đơn yêu cầu, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn yêu cầu và cách thức giải quyết vụ, việc; đồng thời để xảy ra một số sai sót, vi phạm thường gặp của cơ quan Thi hành án và Tòa án khi yêu cầu và giải quyết loại vụ, việc này đó là:
Thứ nhất, Chấp hành viên gửi đơn yêu cầu trong khi chưa thông báo hết cho những người được thi hành án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà vẫn tiến hành thụ lý việc dân sự là vi phạm Điều 364 BLTTDS năm 2015. Ví dụ 1: Ông N là người phải thi hành án có nghĩa vụ thanh toán cho các ông, bà: H, S, U và V tổng số tiền 600 triệu đồng; ông N có 01 căn nhà trên diện tích đất 1.073,8m2 có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên ông. Năm 2003, ông và vợ đã tặng cho vợ chồng anh C, chị K 262m2 đất, cho anh T 364m2 đất. Ủy ban nhân dân huyện xác nhận vào trang đăng ký biến động của GCNQSDĐ về việc đã tặng cho và xác định vợ chồng ông còn lại 447,8m2 đất, nhưng chưa tách thửa, cấp GCNQSDĐ đất cho riêng mỗi thửa đất. Hiện anh T đã chết không để lại di chúc và không có vợ, con.
Chấp hành viên đã thông báo cho ông N, bà H để thỏa thuận phân chia tài sản chung; thông báo cho những người được thi hành án (H, S, U và V) có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định tài sản riêng của ông N để thi hành án. Hết thời hạn luật định, những người này không khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, nên Chấp hành viên gửi đơn yêu cầu Tòa án xác định tài sản của ông N trong khối tài sản chung 447,8m2 đất để thi hành án. Tuy nhiên, Chấp hành viên lại không thông báo cho đồng sở hữu, sử dụng khác là anh C, chị K biết về quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung mà vẫn gửi đơn yêu cầu, Tòa án V đã thụ lý việc dân sự “yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án”.
Như vậy, bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người đồng sở hữu, sử dụng chung tài sản, nên theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014, họ phải được Chấp hành viên thông báo về quyền thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc Chấp hành viên không thông báo cho họ nhưng đã thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết là thiếu sót.
Mặc dù vậy, Tòa án huyện V đã tiếp nhận đơn và ra thông báo thụ lý việc dân sự “yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án” là chưa đảm bảo các điều kiện để được thụ lý, giải quyết theo pháp luật.
Thứ hai, trong giai đoạn tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu, Chấp hành viên và Thẩm phán Tòa án không thực hiện đúng về thủ tục, trình tự theo Điều 362 BLTTDS năm 2015. Ví dụ 2: Vợ chồng ông H, bà M là người phải thi hành án đối với khoản thanh toán cho Ngân hàng X là 1.372.593.611 đồng. Vợ chồng ông bà đang sử dụng nhà, quyền sử dụng 400m2 đất ở theo GCNQSDĐ cấp cho hộ cụ V (hộ gồm có: Cụ V, ông H, bà M, chị K). Năm 2000, hộ bà V chuyển nhượng cho bà N 130,5m2 đất. Ủy ban nhân dân thành phố H đã cập nhật biến động trên GCNQSDĐ xác định phần đất còn lại của hộ bà V là nhà, quyền sử dụng 269,5m2 đất, nhưng các bên chưa làm thủ tục tách thửa, cấp GCNQSDĐ.
Chấp hành viên đã thông báo cho các thành viên hộ gia đình cụ V, vợ chồng ông H, bà M, Ngân hàng X, bà N, chị K để phân chia tài sản hoặc khởi kiện ra Tòa án. Hết thời hạn luật định, do các cá nhân, tổ chức trên không gửi đơn đến Tòa án nên Chấp hành viên đã gửi đơn đến Tòa án. Đơn với tiêu đề là “Đơn khởi kiện” và xác định Chấp hành viên là nguyên đơn, những người đồng sở hữu là bị đơn, nội dung đơn vẫn căn cứ Điều 74, điểm c khoản 3 Điều 170 Luật THADS năm 2014 yêu cầu: Xác định phần tài sản chung của ông H và bà M trong phần tài sản đồng sử dụng là nhà, quyền sử dụng 269,5m2 đất.
Từ sai sót trên của Chấp hành viên, Tòa án thành phố H đã thụ lý vụ án dân sự “tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án...” và xác định nguyên đơn là Chấp hành viên, bị đơn là bà M, ông H và bà V; những người còn lại là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, cũng nội dung sự việc tương tự “yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án, theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự”, nhưng Chấp hành viên đề tiêu đề đơn và xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự không chính xác, thuộc trường hợp phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp Điều 362 BLTTDS năm 2015. Mặc dù vậy, Tòa án thành phố H vẫn tiến hành thụ lý đơn và xác định đây thuộc vụ án “tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” và xác định nguyên đơn là Chấp hành viên, bị đơn là những đồng sở hữu, tài sản chung là chưa chính xác.
Tác giả cho rằng, Tòa án cần căn cứ Điều 363 BLTTDS năm 2015 để hướng dẫn Chấp hành viên sửa đổi thành “Đơn yêu cầu”, xác định tư cách của Chấp hành viên là người yêu cầu, những người khác là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và xác định đây là “việc dân sự” mới phù hợp với quy định tại Điều 362, 363 BLTTDS năm 2015.
Thứ ba, nhận thức về khái niệm, phân loại vụ, việc chưa thống nhất dẫn đến việc mỗi Tòa án lựa chọn cách giải quyết khác nhau đối với sự việc tương tự.
Ở ví dụ 1, Tòa án huyện V đã mở phiên họp xét đơn yêu cầu và quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự vì: (1) Đơn yêu cầu không thể hiện sự thống nhất thỏa thuận giữa Chấp hành viên và những người đồng sở hữu, sử dụng là trái với Điều 361 BLTTDS năm 2015; (2) Tại phiên họp đã phát sinh tranh chấp do những đồng sở hữu không đồng ý phân chia tài sản.
Đánh giá về căn cứ đình chỉ thấy: Tại thời điểm Chấp hành viên gửi đơn yêu cầu; các đồng sở hữu, sử dụng không gửi đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản theo Điều 75 Luật THADS năm 2014 trong hạn luật định (30 ngày), họ chỉ không xác định được cụ thể tài sản của mình trong khối tài sản chung. Do đó, theo Điều 74 Luật THADS năm 2014 và Điều 362, khoản 9 Điều 27 BLTTDS năm 2015 thì đây thuộc trường hợp đương sự không có tranh chấp và phân loại là “việc dân sự”, cần được thụ lý, giải quyết theo Chương XIII BLTTDS năm 2015. Quá trình giải quyết, nếu các đồng sở hữu, sử dụng không đồng ý phân chia tài sản chung thì cũng không làm thay đổi việc phân loại vụ việc trước đó, Tòa án vẫn phải quyết định phân định theo quy định của pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình. Vì vậy, Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự vì cho rằng phát sinh quan điểm tranh chấp của đồng sở hữu, sử dụng tài sản là không đúng pháp luật.
Ở ví dụ 2, Tòa án thành phố H đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do phân loại vụ, việc không đúng. Tòa án cho rằng: Chấp hành viên có đơn khởi kiện là không đúng quy định tại khoản 9 Điều 27 BLTTDS năm 2015, theo đó thì Chấp hành viên phải nộp đơn có tiêu đề “Đơn yêu cầu” thì Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết.
Tác giả cho rằng, nhận định này không có căn cứ, mặc dù đơn của Chấp hành viên thể hiện không đúng hình thức theo khoản 9 Điều 27, khoản 1 Điều 362 BLTTDS năm 2015, nhưng nội dung đơn đã thể hiện quan điểm đề nghị: Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án theo Điều 74 Luật THADS và đã được Tòa án thụ lý. Trường hợp này, Thẩm phán đã thụ lý khi chưa yêu cầu Chấp hành viên sửa đổi, bổ sung đơn, quá trình xử lý đơn xác định không đúng loại vụ, việc là tranh chấp dân sự, xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, do vậy lỗi hoàn toàn thuộc về Thẩm phán, nên Tòa án không được quyền trả lại đơn và đình chỉ giải quyết. Việc Tòa án đình chỉ giải quyết là vi phạm điểm e khoản 1 Điều 192 và khoản 3 Điều 363 BLTTDS năm 2015.
Thực tế, pháp luật chưa quy định cụ thể trong trường hợp thụ lý “việc” thành “vụ” thì sẽ xử lý như thế nào. Hiện nay, các văn bản thụ lý vụ án dân sự và việc dân sự được Tòa án theo dõi bằng hai hệ thống sổ sách, biểu mẫu khác nhau và không có liên quan đến nhau. Do đó, trường hợp này bắt buộc Tòa án phải quyết định đình chỉ vụ án dân sự và hướng dẫn Chấp hành viên viết lại đơn yêu cầu để thụ lý lại việc dân sự theo trình tự sơ thẩm.
3. Một số kinh nghiệm rút ra
Thông qua thực tiễn kiểm sát việc dân sự liên quan đến quyền yêu cầu của Chấp hành viên và từ phân tích trên, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:
- Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản chung của người phải thi hành án theo Điều 74 Luật THADS năm 2014, Kiểm sát viên cần xác định đây thuộc loại việc dân sự theo khoản 9 Điều 27 BLTTDS năm 2015.
- Nếu tiêu đề đơn và xác định tư cách tham gia tố tụng theo đơn của Chấp hành viên không phù hợp thì Thẩm phán phải yêu cầu Chấp hành viên sửa đổi, bổ sung đơn và xử lý đơn yêu cầu theo khoản 2, 3, 4 Điều 363 BLTTDS năm 2015. Nếu không sửa đổi, Thẩm phán có quyền trả lại đơn yêu cầu theo điểm d khoản 1 Điều 364 BLTTDS năm 2015.
- Nếu Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu khi chưa có các điều kiện cần và đủ (thông báo cho các bên thi hành án dân sự và người có quyền lợi liên quan...) thì cần quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự với căn cứ đình chỉ là chưa đủ điều kiện thụ lý. Đình chỉ vì cho rằng đương sự có tranh chấp, không đồng ý phân chia tài sản chung là không đúng.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Mặc dù BLTTDS năm 2004 đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng những quy định liên quan đến quyền yêu cầu của Chấp hành viên thì BLTTDS năm 2015 mới đề cập và chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của Chấp hành viên tại khoản 1 Điều 362, cụ thể: “Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Về trình tự, thủ tục giải quyết được quy định tại khoản 1 Điều 361 BLTTDS năm 2015, theo đó: Những quy định của Phần thứ sáu, Chương XXIII được áp dụng để giải quyết loại việc này. Trường hợp phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự.
Tuy nhiên, những tình huống cụ thể nêu tại các ví dụ trên thì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc xử lý của Thẩm phán còn lúng túng. Để khắc phục được những thiếu sót, tồn tại này, đề nghị liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về cách thức giải quyết loại việc dân sự này. Trước mắt, tác giả đưa ra một số kiến nghị, đề xuất sau:
Một là, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành mẫu đơn yêu cầu của Chấp hành viên và hướng dẫn về thủ tục thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu nhằm chấm dứt tình trạng: Chấp hành viên bảo vệ bản án, quyết định do Tòa án ban hành nhưng Tòa án lại quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của Chấp hành viên vì lỗi chủ quan của Thẩm phán.
Hai là, nếu Thẩm phán thụ lý không đúng loại việc dân sự hoặc không đúng mối quan hệ pháp luật thì Tòa án được quyền xác định lại mối quan hệ pháp luật cho chính xác, sau đó thông báo cho Viện kiểm sát và các đương sự biết.
Ba là, cần nghiên cứu sửa đổi BLTTDS năm 2015 theo hướng: Xác định loại vụ việc Chấp hành viên yêu cầu xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là vụ án tranh chấp dân sự. Việc xác định này không những giúp cho Tòa án tránh được những nhầm lẫn khi phân loại vụ, việc mà còn giúp Tòa án có thời gian thích hợp để xác minh thu thập chứng cứ như: Thẩm định, định giá, lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân về nguồn gốc hình thành tài sản chung. Mặt khác, vấn đề này sẽ rất có lợi khi trong quá trình giải quyết yêu cầu của Chấp hành viên, nếu phát sinh một tranh chấp mới đối với khối tài sản chung, Tòa án vẫn được thụ lý bổ sung mà không phải đình chỉ giải quyết việc dân sự để thụ lý yêu cầu tranh chấp./.
Theo Kiemsat.vn
Chấp hành viên trong một vụ thi hành án dân sự - Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Một số vấn đề về thu thập, cung cấp chứng cứ của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đề xuất, kiến nghị
-
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 - Một số tồn tại, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
-
Một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận