Sơ kết 07 năm thực hiện Quy chế phối hợp về công tác nội chính
Ngày 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TANDTC, Ban cán sự Đảng VKSNDTC.
Các vị Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; Đại tướng Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng VKSNDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TANDTC, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tình hình kết quả đạt được
Từ khi Quy chế phối hợp được ban hành, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TANDTC, Ban cán sự Đảng VKSNDTC ngày càng chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, thượng tôn pháp luật và đúng quy định của Đảng, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Các cơ quan phối hợp đã tích cực, chủ động phối hợp sơ kết, tổng kết nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, nghiên cứu, xây dựng hằng trăm đề án, dự án luật, chuyên đề lớn về công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp (CCTP). Trên cơ sở đó, đã tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương), Quốc hội, Chính phủ xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành hằng trăm nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, hướng dẫn của Đảng và văn bản luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN,TC và CCTP, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tạo cơ sở chính trị - pháp lý ngày càng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu công tác nội chính, PCTN,TC và CCTP trong tình hình mới.
Qua việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đã chủ động, sáng tạo tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đạo nhiều chủ trương, quan điểm lớn, cơ chế, nguyên tắc chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp, các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trong đấu tranh PCTN như: "Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách"; "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai"; “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; "Xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại gây ra..."; Cơ chế phối hợp trong chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế có khó khăn, vướng mắc theo 05 cấp độ; Cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;…
Tham mưu có hiệu quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm các vi phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Thực hiện đúng quan điểm của Đảng, của Tổng Bí thư “có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc; VKSND các cấp đã thụ lý 160 vụ án/1121 bị can, 124 vụ việc; đã truy tố 118 vụ/1056 bị can; TAND các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án/ 1008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án/ 666 bị cáo.
Phợp thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và CCTP, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nội chính, PCTNTC và CCTP. Từ năm 2015 đến nay, các cơ quan đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 06 Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác PCTN của Ban Chỉ đạo, các đồng chí Thủ trưởng ngành là thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp làm Trưởng các Đoàn kiểm tra, giám sát đồng thời cử lãnh đạo cơ quan và cán bộ có kinh nghiệm tham gia 35 Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo tại 86 đảng ủy, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và 702 đơn vị trực thuộc; đã kiến nghị 433 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị Ban Chỉ đạo giao cấp ủy, tổ chức đảng theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý 466 vụ án, vụ việc.
Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm tình hình và tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài,... Phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời một số vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Phối hợp tham mưu, phục vụ tốt hoạt động của hai Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC và Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, phục vụ 14 Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC, 14 Phiên họp Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương và 12 Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Sau các phiên họp, cuộc họp đã tham mưu ban hành hơn 250 văn bản cụ thể hóa các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương để đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng triển khai thực hiện; từ đó giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc, tạo bước đột phá trong đấu tranh PCTNTC.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại hội nghị.
Bài học kinh nghiệm được rút ra:
Thứ nhất, công tác phối hợp phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, của lãnh đạo các cơ quan phối hợp; sự chủ động, trách nhiệm của các đơn vị được giao thực hiện các nội dung phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, Quy chế phối hợp phải được quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo và cán bộ, công chức của các cơ quan phối hợp về ý nghĩa và sự cần thiết của công tác phối hợp, trách nhiệm phối hợp, hiệu quả phối hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan và hoàn thành nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước giao phó.
Thứ ba, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phải chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, nền nếp mới phát huy hiệu quả; các cơ quan, đơn vị chức năng phải chủ động trao đổi thông tin, đồng tâm hiệp lực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phối hợp. Để thực hiện công tác phối hợp tốt cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu trong cơ quan có phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tụy vì nhiệm vụ chung, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, có kiến thức tổng hợp đa ngành.
Thứ tư, Quy chế phối hợp phải được cụ thể hóa thành những quy định để thực hiện; các nội dung phối hợp phải cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; tuân thủ chế độ báo cáo, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu; có sơ kết, tổng kết; tham mưu, đề xuất khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với thực tế.
Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo về chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và CCTP theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính ngày 15/9/2021. Nhất là khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thể chế về PCTN,TC, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp...
Chủ động phối hợp dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình; nhận diện rõ các vấn đề phức tạp, nổi lên ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp có thẩm quyền các chủ trương, chính sách, giải pháp có tính chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC phát biểu tại hội nghị
Tiếp tục phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về nội chính, PCTN,TC và CCTP; việc triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, kết luận của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương tại các phiên họp, cuộc họp; các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; phối hợp tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; PCTN,TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ...
Phối hợp tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình công tác trọng tâm của hai Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo, có chất lượng nội dung, tài liệu các phiên họp, cuộc họp của các Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC và kết luận của đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương; phối hợp phục vụ tốt hoạt động của thành viên Ban Chỉ đạo là thủ trưởng các cơ quan phối hợp.
Chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo
Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về nội chính, PCTNTC và CCTP; chủ động thông tin về kết quả công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt. Tăng cường phối hợp trong hợp tác quốc tế, đẩy nhanh việc ký kết hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng,...
Bài liên quan
-
Hội nghị triển khai công tác Tòa án quân sự năm 2025
-
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Nai
-
Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Vĩnh Long năm 2025
-
TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết, triển khai công tác năm 2025
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận