T không phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Duy T phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội Tham ô tài sản?”, tôi đồng ý với quan điểm thứ 2 khi cho rằng Nguyễn Duy T phạm vào tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 BLHS.
Điều này xuất phát từ những lý do sau đây:
Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS) và tội Tham ô tài sản (Điều 353 BLHS) đều có đặc điểm là người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, trong tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội không phải là người có chức vụ, quyền hạn, tài sản bị chiếm đoạt cũng không phải là tài sản của cơ quan, tổ chức mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý, đồng thời việc người phạm tội chiếm đoạt tài sản không xuất phát từ việc người đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn như trong tội Tham ô tài sản. Đây là điểm để phân biệt giữa tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội Tham ô tài sản.
Từ đó, để xác định tội danh đối với Nguyễn Duy T thì cần phải xác định được 03 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, Nguyễn Duy T có phải là người có chức vụ, quyền hạn trong Công ty A hay không?
Khoản 2 Điều 352 BLHS quy định: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
Nguyễn Duy T là người được Công ty A thuê theo Hợp đồng dịch vụ và cấp cho 01 User tên Tnd_nan để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bán hàng như sau: Đưa hàng cho điểm bán và quản lý tiền hàng; kiểm kê hàng hóa tại điểm bán; hướng dẫn dịch vụ, nghiệp vụ bán hàng cho điểm bán. Như vậy, T là người được Công ty A thuê làm việc, giao nhiệm vụ theo hợp đồng và khi thực hiện nhiệm vụ thì có quyền hạn nhất định như quản lý hàng và tiền hàng; đôn đốc điểm bán giao tiền hàng đúng thời gian, số lượng; kiểm tra, đôn đốc việc bán hàng tại điểm bán, bảo đảm yêu cầu mà công ty đặt ra… nên căn cứ quy định trên thì T là người có chức vụ trong Công ty A. Việc tác giả bài viết cho rằng với User được cấp, T chỉ có nhiệm vụ liên kết với các điểm bán để tiến hành nộp tài sản của Công ty A cho điểm bán và sau đó nộp tiền mặt mà các điểm bán trả lại cho Công ty A (thực tế đây chỉ là việc rút ngắn một khâu trung gian và để bảo đảm cho quá trình nhân viên không phải cầm tiền mặt và những người ở xa nộp tiền về cho công ty A không mất quá nhiều thời gian và thủ tục hành chính), tức T không có bất cứ quyền hạn nào về tài sản của Công ty A mà chỉ có nhiệm vụ như một người chuyển hàng và thu tiền là đánh giá không đúng bản chất của công việc, nhiệm vụ mà T được Công ty A giao thực hiện. Nội dung công việc, nhiệm vụ mà Công ty A giao cho T đã được thể hiện rất rõ trong hợp đồng dịch vụ. T không chỉ giao hàng, thu tiền mà còn kiểm kê hàng tại điểm bán, hướng dẫn nghiệp vụ bán hàng, giao tiền hàng về cho công ty trước 10 giờ ngày hôm sau… Quyền hạn của T ở đây là được quản lý hàng và tiền hàng không để mất mát, kiểm kê hàng tại điểm bán, đôn đốc điểm bán giao tiền hàng đúng thời gian, số lượng để kịp chuyển về cho công ty trước 10 giờ ngày hôm sau... Như vậy, không thể nói T không có quyền hạn đối với tài sản của Công ty A được.
Thứ hai, tài sản bị Nguyễn Duy T chiếm đoạt có phải là tài sản của Công ty A hay không? Có thuộc trách nhiệm quản lý của T hay không?
Căn cứ tình tiết của vụ việc, có thể thấy Nguyễn Duy T đã chiếm đoạt tài sản của Công ty A mà mình có trách nhiệm quản lý gồm số tiền 144 triệu đồng và 01 số lượng lớn hàng hóa. Đây là tài sản do Công ty A giao cho T quản lý để phân hối cho điểm bán. Những tài sản của Công ty A bị T chiếm đoạt có tổng trị giá là 311.121.000 đồng.
Thứ ba, Nguyễn Duy T có lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Công ty A hay không?
Lợi dụng việc mình được Công ty A giao nhiệm vụ phân phối, quản lý tiền cùng hàng hóa của công ty cho điểm bán, Nguyễn Duy T đã chiếm đoạt tài sản của công ty bằng cách chuyển số tiền 144 triệu đồng mà công ty giao quản lý qua tài khoản của bố đẻ, đồng thời bán 01 số lượng lớn hàng hóa mà công ty giao quản lý cho người khác để lấy tiền, sau đó T lấy tất cả số tiền này để trả nợ, đánh bạc và tiêu xài cá nhân hết. T chỉ có thể chiếm đoạt được tài sản khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là người được Công ty A giao quản lý tiền và hàng. Do đó, Nguyễn Duy T đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của Công ty A.
Từ những phân tích trên, có thể thấy Nguyễn Duy T là người có chức vụ, quyền hạn trong Công ty A, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản của Công ty A mà mình có trách nhiệm quản lý. Tài sản bị chiếm đoạt có tổng trị giá là 311.121.000 đồng. Tuy tình huống đưa ra không nêu rõ Công ty A là doanh nghiệp trong nhà nước hay ngoài nhà nước nhưng căn cứ khoản 6 Điều 353 BLHS và phân tích nêu trên, có thể xác định hành vi của Nguyễn Duy T đã phạm vào tội Tham ô tài sản theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 353 BLHS chứ không phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 175 BLHS.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống nêu trên, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận