Tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có một người ký hợp đồng tặng cho
Sau khi nghiên cứu bài viết: “Cần áp dụng Án lệ 03 để công nhận một phần quyền sử dụng đất tranh chấp cho người con” của tác giả - Luật gia Chu Thanh Tùng đăng ngày 13/07/2023, tôi đồng tình một phần quan điểm của tác giả.
“Cần công nhận cho ông D phần diện tích đất vợ chồng ông đã xây nhà ở, công trình kiên cố. Do đó, trong vụ án này cần xác định cụ thể diện tích các công trình xây dựng của gia đình ông D trên phần đất tranh chấp là bao nhiêu thì cần công nhận diện tích đất này ông D được tặng cho; phần diện tích còn lại được xác định là tài sản chung của các thừa kế của cụ O và cụ N”. Tôi đồng tình với quan điểm trên đây, đồng thời xin bàn thêm một số ý kiến sau:
1. Nguồn gốc tài sản và giá trị pháp lý của hợp đồng tặng cho
Cụ O, cụ N sống chung từ năm 1958, không đăng ký kết hôn. Trong thời kỳ hôn nhân, cụ O và cụ N có tạo lập được khối tài sản chung, trong đó có 03 thửa đất (thửa đất 96 - 1.362m2, thửa đất 134 - 6.558m2, thửa đất 150 - 1.562m2). Năm 2008, cụ N đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 03 thửa đất này (chỉ một mình cụ N đứng tên trên giấy chứng nhận).
Theo Mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp thì “theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Như vậy Cụ O, cụ N sống chung từ năm 1958, không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận về quan hệ hôn nhân kể từ thời điểm cụ O, cụ N chung sống với nhau như vợ chồng (năm 1958).
Luật HN&GĐ năm 1959 quy định “vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” (Điều 15). Thực tế Luật HN&GĐ năm 1959 chỉ được áp dụng tại phía Bắc, mãi đến ngày 25/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76-CP về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước thì Luật HN&GĐ 1959 mới được áp dụng cho cả nước. Do đó, tài sản là 03 thửa đất mà cụ N đứng tên một mình trên giấy chứng nhận cấp năm 2008 được xác định là tài sản chung của cụ O và cụ N.
Về giá trị pháp lý của hợp đồng tặng cho: Ngày 08/8/2011, cụ N lập Hợp đồng tặng cho con trai là ông D 03 thửa đất mà cụ N được cấp năm 2008, được Phòng Công chứng chứng nhận ngày 22/8/2011 (hợp đồng tặng cho không có chữ ký của cụ O). Tới năm 2017 ông D đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất này.
Về hình thức, hợp đồng tặng cho được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực theo đúng quy định (khoản 1 Điều 467 BLDS 2005, điểm b khoản 1 Điều 129 Luật Đất đai 2003). Về nội dung, theo khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng năm 2006 thì “trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định việc công chứng phải có người làm chứng nhưng người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được thì phải có người làm chứng”. Cụ N, ông D đều là người không biết chữ, không tự mình đọc được văn bản công chứng, do đó cần phải có người làm chứng. Tuy nhiên, hợp đồng tặng cho giữa cụ N, ông D chỉ được điểm chỉ mà không có người làm chứng là chưa đảm bảo theo đúng quy định của Luật Công chứng. Hơn nữa, hợp đồng tặng cho không có chữ ký (điểm chỉ) của cụ O là không đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
2. Quan điểm giải quyết vụ án
Bà C (con cụ O và cụ N) cho rằng phần đất tranh chấp là tài sản chung của cụ O và cụ N nên việc cụ N định đoạt tặng cho phần đất này cho ông D là không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thời điểm tặng cho đất cụ N không còn minh mẫn (bà C không cung cấp được chứng cứ chứng minh thời điểm lập hợp đồng tặng cho cụ N mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi) và anh em trong gia đình không biết việc tặng cho. Thời điểm ký hợp đồng tặng cho, trên đất có ngôi nhà của cụ O cụ N và hàng rào của bà C nhưng không được thể hiện trong hợp đồng tặng cho.
Ông D cho rằng toàn bộ đất tranh chấp cụ N đứng tên trên giấy chứng nhận hợp pháp nên cụ có quyền tặng cho ông, ông đã xây nhà và canh tác trồng cây lâu năm trên đất từ lúc được tặng cho đến nay. Từ trước đến ngày cha mẹ mất, cha mẹ ông sống chung với ông và đều do ông chăm sóc. Mẹ ông đứng tên trên giấy chứng nhận và tặng cho đất cho ông năm 2011, cha ông biết nhưng không có ý kiến gì, anh chị em của ông cũng không ai có ý kiến gì.
Trong vụ việc nêu trên, đối tượng trong hợp đồng tặng cho là tài sản chung của vợ chồng nên theo nguyên tắc khi ký hợp đồng tặng cho phải được sự đồng ý của cả cụ O và cụ N.
Về nội dung, khi ký hợp đồng tặng cho mặc dù chưa đảm đúng theo quy định của Luật Công chứng (không có người làm chứng), chỉ có một mình cụ N điểm chỉ trong hợp đồng tặng cho (không có chữ ký của cụ O) là không đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng tặng cho thì ông D đã xây dựng nhà, canh tác trồng cây lâu năm trên khu đất thì cụ O, cụ N và các con của hai cụ cũng không phản đối (đây là tài sản riêng của cụ O, cụ N nên chỉ cần hai cụ không phản đối là đủ). Xét về mặt ý chí thì cụ O, cụ N đã mặc nhiên thừa nhận ông D có quyền sử dụng, quản lý, định đoạt đối với phần diện tích ông D đã xây dựng nhà cửa, canh tác trồng cây lâu năm trên khu đất (thể hiện qua việc các cụ không phản đối khi ông D xây dựng nhà ở kiên cố và canh tác trên phần diện tích đất tranh chấp). Hiện nay, pháp luật có xu hướng là tôn trọng ý chí hơn là hình thức thể hiện ra bên ngoài[1].
Hơn nữa, tham khảo Án lệ số 03/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 06/4 /2016 thì “trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.
Như vậy, trong trường hợp này cần công nhận cho ông D: (i) phần diện tích đất vợ chồng ông đã xây nhà ở, công trình kiên cố; (ii) phần diện tích đất mà ông D đã canh tác sử dụng trong một thời gian dài mà không ai tranh chấp, phản đối. Do đó, cần phải tiến hành đo đạc xác định phần đất nêu trên để công nhận cho ông D. Đối với phần diện tích còn lại sẽ được chia thừa kế theo quy định chung.
Trên đây là các quan điểm của tác giả đối với vụ việc nêu trên, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.
Đất nông thôn - Ảnh: MH
[1] Xem thêm Điều 129 BLDS 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận