Tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam
Quy định “tài sản chưa hình thành” là tài sản hình thành trong tương lai của BLDS 2015 tạo ra những bất cập trong cách hiểu và vận dụng pháp luật đối với tài sản hình thành trong tương lai, đặc biệt là trong giao dịch dân sự (mua bán, thế chấp) tài sản hình thành trong tương lai.
1. Quy định của pháp luật về tài sản hình thành trong tương lai trước Bộ luật Dân sự 2015
Trước đây, quy định về tài sản của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005: Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (Điều 163). BLDS 2005 không quy định trực tiếp tài sản hình thành trong tương lai mà chỉ có quy định một loại tài sản hình thành trong tương lai đó là vật – “vật hình thành trong tương lai”. Tại Điều 320 BLDS 2005 về vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại khoản 2 có quy định: “Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết”. Đây là quy định về vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và BLDS 2005 đã lấy thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản so với thời điểm xác lập nghĩa vụ hoặc giao dịch làm căn cứ để xác định tài sản hình thành trong tương lai.
Chi tiết hóa quy định nêu trên của BLDS 2005, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, có hiệu lực kể từ ngày 27/01/2007, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2010 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2012 quy định:
“2. Tài sản hình thành trong tương lai gồm:
a) Tài sản được hình thành từ vốn vay;
b) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;
c) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.”
Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng”.
Khoản 19 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định: “Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng”.
Các khái niệm trên, tựu trung lại là: Một tài sản được xem là hình thành trong tương lai thì tài sản đó phải đang trong quá trình hình thành (đầu tư, xây dựng) và chưa hoàn thiện về công dụng, tính chất đặc trưng của sản phẩm hoặc tài sản được hình thành từ vốn vay (là tài sản chưa hình thành khi giao kết giao dịch bảo đảm).
2. Quy định của BLDS 2015 về tài sản hình thành trong tương lai
BLDS số 91/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (BLDS 2015) có nhiều sửa đổi, bổ sung trong đó có quy định về tài sản hình thành trong tương lai.
So với BLDS 2005, BLDS 2015 có sự kế thừa và sửa đổi, bổ sung:
– Ngay trong quy định về tài sản tại Điều 105 BLDS 2015, cụ thể như sau:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Với quy định trên, quy định về tài sản đã được BLDS 2015 tiếp cận theo hướng bảo đảm bao quát về các tài sản giao lưu trong dân sự bao gồm cả tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
– Bổ sung thêm điều luật mới về tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. BLDS 2015 đã sử dụng thuật ngữ “tài sản hình thành trong tương lai” và thay vì đưa ra khái niệm tài sản hình thành trong tương lai, BLDS 2015 quy định theo hướng liệt kê. Cụ thể, tại điều 108 BLDS 2015 quy định:
“Điều 108. Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai
1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
a) Tài sản chưa hình thành;
b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.”
Tuy nhiên, sự liệt kê này cho thấy BLDS đã tiếp cận theo hướng mở rộng tài sản hình thành trong tương lai so với BLDS 2005 và các luật khác (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở). Theo đó, tài sản hình thành trong tương lai gồm: (1) Tài sản chưa hình thành; (2) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.
Ngoài cách mô tả trên, BLDS 2015 không còn quy định nào khác chi tiết hóa đặc điểm pháp lý của tài sản hình thành trong tương lai.
Đồng thời, BLDS 2015 đã pháp điểm hóa quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm đã được thực tiễn kiểm nghiệm bằng quy định tại Điều 295, cụ thể như sau:
“Điều 295. Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.”
Thực tiễn áp dụng, quy định này có thể sẽ tạo nên nhiều cách hiểu về tài sản hình thành trong tương lai. Ví dụ: Một tài sản mới chỉ được hình thành trên ý tưởng hay hợp đồng giao dịch hay bản vẽ kiến trúc, kỹ thuật có được coi tài sản hình thành trong tương lai không? Hay nói cách khác, ở giai đoạn nào của quá trình hình thành tài sản, tài sản đó được xác định là tài sản chưa hình thành nhưng sẽ hình thành trong tương lai?
3. Kiến nghị
Và như vậy, sẽ xảy ra trường hợp giao dịch bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai đã được xác lập nhưng tại thời điểm nghĩa vụ của bên bảo đảm phát sinh, tài sản chưa hình thành hoặc quyền sở hữu tài sản của bên bảo đảm vẫn chưa xác lập. Do đó, bên nhận bảo đảm chưa thể có được quyền gì đối với tài sản ấy. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm, mặc dù giao dịch bằng tài sản hình thành trong tương lai được xác lập hợp pháp. Có thể thấy, quy định này thiếu sự an toàn, đầy đủ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo đảm.
Để bảo đảm việc áp dụng BLDS 2015 một cách thống nhất và hiệu quả, chúng tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy định về tài sản hình thành trong tương lai tại các điều 105, 108 và 295 BLDS 2015 đặc biệt là quy định tài sản hình thành trong tương lai là tài sản chưa hình thành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 208 BLDS 2015 trong giao dịch dân sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận