Tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động hoà giải, đối thoại
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Sau khi Luật có hiệu lực thi hành bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định. Nhằm đảm bảo hiệu quả thi hành Luật, tại Chỉ thị số 02/2022/CT-CA Chánh án TANDTC yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động hoà giải, đối thoại đồng thời phát động phong trào thi đua về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; gắn kết quả thi đua với việc bình xét các danh hiệu thi đua; đổi mới, hoàn thiện chỉ tiêu thi đua khen thưởng theo hướng coi trọng công tác hòa giải, đối thoại. Cụ thể:
Tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
TAND cấp tỉnh, huyện phải xác định việc tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HG-DT TTA) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án mình.
Chánh án phân công Thẩm phán có năng lực, kinh nghiệm phụ trách hòa giải, đối thoại; tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền và thực hiện các hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, thường xuyên nắm bắt việc triển khai thi hành Luật; phải kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ Hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại; đồng thời, đề xuất với Chánh án về những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hiệu quả của hoạt động hoà giải, đối thoại tại Tòa án.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm bảo đảm người dân nắm bắt được mục đích, lợi ích và trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại
Trực tiếp phổ biến, tuyên truyền cho người khởi kiện, người yêu cầu
Trường hợp đơn yêu cầu được nộp trực tiếp tại trụ sở Tòa án thì bộ phận tiếp nhận đơn kiểm tra ngay, nếu xét thấy thuộc trường hợp Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì phối hợp với Hòa giải viên phổ biến, tuyên truyền ngay về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu.
Trường hợp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của Tòa án thì Hòa giải viên trực tiếp liên hệ với người khởi kiện, người yêu cầu để phổ biến, tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và hướng dẫn họ trả lời Tòa án theo quy định.
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng
Các Tòa án cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài để tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bằng nhiều hình thức như: viết bài tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thường xuyên đưa thông tin về những lợi ích mà kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã mang đến cho các bên tranh chấp, khiếu kiện, như đưa tin trên bảng tin, phát tờ rơi...
Tập trung kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Hòa giải viên
Tuyển chọn đầy đủ Hòa giải viên theo hướng dẫn của TANDTC; Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải, đối thoại; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các Hòa giải viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Hòa giải viên phải phấn đấu, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng hòa giải, đối thoại; khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; phối hợp chặt chẽ với Tòa án để thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phát huy tính linh hoạt trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Phương thức hòa giải, đối thoại linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi loại vụ việc là một đặc điểm nổi bật của hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần được phát huy; Đặc biệt trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Hòa giải viên có thể trao đổi thông tin với các bên tranh chấp, khiếu kiện bằng điện thoại hoặc các phương tiện liên lạc điện tử khác, tăng cường cách thức làm việc riêng với từng bên. Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất thì mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại trụ sở Tòa án.
Bảo đảm cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động hòa giải, đối thoại
Căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế, Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện cần bố trí đầy đủ phòng làm việc cho Hòa giải viên, phòng hòa giải, đối thoại cho hợp lý; trang bị những phương tiện cần thiết để bảo đảm cho các Hòa giải viên có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Về chỉ tiêu hòa giải, đối thoại của Tòa án trong một năm
Đối với hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Phấn đấu tỷ lệ các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án nhận được trong một năm đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.
Phấn đấu tỷ lệ các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính được Hòa giải viên hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại trong một năm đạt tỷ lệ từ 70% trở lên.
Tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành: khi Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại và thông qua hoạt động hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên mà người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất được với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần tranh chấp, khiếu kiện thì được coi là hòa giải thành, đối thoại thành.
Trường hợp Hòa giải viên đã được chỉ định nhưng chưa tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại mà người khởi kiện, người yêu câu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì không được coi là hoà giải thành, đối thoại thành.
Phấn đấu số lượng quyết định của Tòa án về việc công nhận, không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính so với số lượng yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án trong một năm đạt tỷ lệ 100%.
Phấn đấu 100% quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án không bị hủy, không có quyết định khó thi hành hoặc không thi hành được.
01 vụ việc được chuyển sang hòa giải, đối thoại thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại; Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại; Thẩm phán ra quyết định công nhận/không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại được tính chỉ tiêu thi đua bằng 0,5 vụ việc mà mỗi Thẩm phán đã xét xử, giải quyết.
Nếu một Thẩm phán đồng thời là Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại; Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại; Thẩm phán ra quyết định công nhận/không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thì Thẩm phán đó được tính chỉ tiêu thi đua bằng 1,5 vụ việc đã xét xử, giải quyết.
Đối với hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính
Phấn đấu tỷ lệ số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính được hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính so với số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính mà Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý, đưa ra hòa giải, đối thoại, giải quyết trong một năm đạt tỷ lệ từ 30% trở lên.
Tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 55/TANDTC-PC ngày 20/3/2018 của Tòa án nhân dân tối cao về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.
Phấn đấu 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định công nhận kết quả đối thoại thành không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, không có quyết định khó thi hành hoặc không thi hành án được.
01 vụ án hòa giải thành, đối thoại thành được tính chỉ tiêu thi đua bằng 02 vụ án đã xét xử, giải quyết.
Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm về công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Ảnh minh hoạ: Một phiên hoà giải, đối thoại tại Toà án
Tài liệu đính kèm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận