Tất cả những người tham gia đánh bạc đều bị truy cứu TNHS nếu đủ định lượng
Sau khi nghiên cứu bài viết “Các bị cáo có phạm tội Đánh bạc không?” của Ths. Đỗ Ngọc Bình và Ths. Chu Mạnh Hà đăng ngày 21/12/2021, tôi đồng tình quan điểm thứ nhất, các đối tượng phạm tội đánh bạc.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng việc truy tố, xét xử các bị cáo A, B, P, G, C, D, H, K, T, Y về tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Ngoài những lập luận của tác giả đưa ra, tôi xin phân tích và đưa ra quan điểm của mình để làm rõ vấn đề trên.
Thứ nhất, cần xác định lại dấu hiệu phương tiện phạm tội trong vụ án đánh bạc trên, tức là dấu hiệu phương tiện thanh toán, đó là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội đánh bạc, là: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” khoản 1 Điều 321 BLHS. Quy định của điều luật thể hiện rất rõ phương tiện phạm tội đánh bạc là tiền và hiện vật. Và điều luật quy định rõ giá trị tài sản dùng để đánh bạc là căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước đối với hành vi đánh bạc. Đó là yếu tố quan trọng để phân biệt hành vi đánh bạc là tội phạm và bị xử lý hình sự đối với hành vi đánh bạc không phải là tội phạm và bị xử lý dưới các hình thức khác.
Hiện tại, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 321 BLHS 2015, mà Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 BLHS 1999 đã hết hiệu lực do BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực nhưng ta vẫn có thể áp dụng tình thần của nghị quyết để áp dụng xác định số tiền đánh bạc và tổng số tiền trên chiếu bạc hay các khoản tiền khác hay hiện vật của những người tham gia. Theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP, thì “tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
“a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.”
Như vậy, căn cứ để xác định tội danh đánh bạc là tiền được trực tiếp thu ngay tại chiếu bạc. Trong trường hợp số tiền, tài sản mang theo của từng người nếu cơ quan chức năng chứng minh được số tài sản đó sẽ được sử dụng vào việc đánh bạc thì vẫn bị coi là tài sản dùng để đánh bạc.
Do đó, trong vụ án trên việc xác định số tiền định lượng mà các bị cáo sử dụng để đánh bạc là 13.380.000đ (bao gồm cả 9.000.000đ mà T sử dụng tiền của T có ban đầu khi đánh bạc và tiền thắng tại chiếu bạc để cho A và B vay) là không hợp lý. Mà số tiền định lượng mà các bị cáo dùng để đánh bạc sẽ là tổng số tiền tại chiếu bạc là 4.380.000đ và giá trị chiếc xe mô tô Dream màu nâu, biển kiểm soát 10Y5-6415.
Thứ hai, cần phân biệt khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của nhiều người cùng tham gia đánh bạc và xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc. Như theo Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP quy định “trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;” và “Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét”. Do đó, nhiều người cùng nhau đánh bạc trực tiếp thì không kể đến sau, đến trước, có lúc chơi, có lúc không; khi bị phát hiện, căn cứ tổng số tiền đánh bạc của tất cả những người tham gia trên chiếu bạc đều được xem là một lần đánh bạc từ khi bắt đầu đến khi bị phát hiện, không kể đánh bao nhiêu ván, tất cả những người tham gia đánh bạc đều bị truy cứu TNHS nếu đủ định lượng. Và số tiền tham gia đánh bạc của những người tham gia đánh bạc sẽ được xác định phù hợp với việc phân hóa TNHS của từng cá nhân tham gia.
Cho nên, quan điểm thứ hai theo hướng các đối tượng đến sau chỉ chịu trách nhiệm về số tiền đánh bạc của mình mà không chịu TNHS về tổng số tiền của tất cả những người cùng tham gia trên chiếu bạc không thỏa đáng. Và theo quy định của Điều 321 BLHS, tội đánh bạc được xây dựng dưới dạng cấu thành tội phạm hình thức điều đó có ý nghĩa dấu hiệu hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong việc xác định tội danh hoàn thành. Như vậy, khi người nào hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kì hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá nhất định thì là tội phạm hoàn thành.
Vì vậy, việc truy tố, xét xử các bị cáo A, B, P, G, C, D, H, K, T, Y về tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.
Bài liên quan
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Xác định số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc của người chơi lô, đề, cá độ bóng đá
-
Đánh sập đường dây đánh bạc liên tỉnh do người Trung Quốc chủ mưu, có quy mô gần 100 tỷ đồng
-
Phải tịch thu số tiền sử dụng vào việc đánh bạc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận