Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ – vướng mắc và kiến nghị
Một số quy định của Luật Thi hành án hình sự có điểm thiếu đồng bộ, không thống nhất với quy định của các luật có liên quan dẫn đến việc thực hiện đôi lúc chưa thống nhất, hiệu quả thi hành chưa cao. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thi hành án phạt cải tạo không giam giữ
Cải tạo không giam giữ là một trong 7 hình phạt chính đối với người phạm tội được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015: là hình phạt không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội, mà được giao cho cơ quan nhà nước,tổ chức xã hội giám sát, giáo dục nhằm phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia vào việc cải tạo, giáo dục người phạm tội. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Quy định đối với việc áp dụng hình phạt Cải tạo không giam giữ được nêu tại Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015.
Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2010, là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn và khấu trừ thu nhập sung quỹ Nhà nước theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
1.Thực trạng thi hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự năm 2010
– Về việc ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ: Điều 72 Luật Thi hành án hình sự quy định cụ thể về việc ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Theo điều luật này, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi người chấp hành án làm việc và Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
– Về thủ tục tổ chức thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ: Điều 73 Luật Thi hành án hình sự quy định thủ tục trong việc tổ chức thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu có nhiệm vụ triệu tập người chấp hành án đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người chấp hành án có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị Quân đội được giao giám sát, giáo dục và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày triệu tập người chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu phải giao hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị Quân đội được giao giám sát, giáo dục.
– Về thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ: Luật Thi hành án hình sự quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị Quân đội là cơ quan được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án. Các cơ quan này có những nhiệm vụ sau đây: (i) Ủy ban nhân dân cấp xã khi được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phải có trách nhiệm: (1) Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành án; (2) Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án; (3) Yêu cầu người chấp hành án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; (4) Biểu dương người chấp hành án có nhiều tiến bộ hoặc lập công; (5) Giải quyết cho người chấp hành án được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật này và pháp luật về cư trú; (6) Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện khấu trừ một phần thu nhập của người chấp hành án theo quyết định của Toà án để sung quỹ Nhà nước; (7) Phối hợp với gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập trong việc giám sát, giáo dục người đó; (8) Lập hồ sơ đề nghị xem xét việc giảm thời hạn chấp hành án, miễn chấp hành án gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này; (9) Nhận xét bằng văn bản và lưu vào sổ theo dõi về quá trình chấp hành án của người chấp hành án khi người đó chuyển đi nơi khác; (10) Thực hiện thống kê, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án; (11) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật; (12) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định của Luật này. Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. (ii) Đơn vị Quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm từ 1 đến 10 nêu trên.
Luật Thi hành án hình sự cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ của người chấp hành án (Điều 75); quy định việc lao động, học tập của người chấp hành án (Điều 76).
– Về thủ tục giảm thời hạn chấp hành án và miễn chấp hành án: Luật Thi hành án hình sự hiện hành quy định cụ thể tại Điều 77 và Điều 78 như sau: khi có đủ điều kiện để giảm thời hạn chấp hành án theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án Quân sự khu vực nơi người chấp hành án đang cư trú, làm việc xem xét, quyết định. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Tòa án có trách nhiệm gửi quyết định đó cho người được giảm thời hạn chấp hành án, cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Về miễn giảm chấp hành án, thì Viện KSND cấp huyện, Viện kiểm sát Quân sự khu vực nơi người chấp hành án đang cư trú, làm việc, tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu, thì có trách nhiệm xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên họp xét miễn và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Đồng thời, Tòa án có trách nhiệm gửi quyết định đó cho người được miễn chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị Quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở.
Ngoài ra, trong trường hợp người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ chấp hành án quy định tại Điều 75 của Luật này và đã bị nhắc nhở từ hai lần trở lên nhưng vẫn còn tiếp tục vi phạm, thì Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục phải phối hợp với cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở tổ chức họp tại cộng đồng dân cư nơi người chấp hành án cư trú để kiểm điểm người đó; trường hợp người chấp hành án đang làm việc tại đơn vị Quân đội thì việc kiểm điểm được thực hiện tại đơn vị Quân đội nơi người đó làm việc.
– Về cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ: Khi chấp hành xong thời gian cải tạo không giam giữ, người chấp hành án được cấp Giấy chứng nhận về việc đã chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, trước khi hết thời hạn chấp hành án 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị Quân đội được giao giám sát, giáo dục bàn giao hồ sơ thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu để cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ ngay khi hết thời hạn chấp hành án. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị Quân đội được giao giám sát, giáo dục, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
2. Những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị
2.1 Khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thi hành án phạt cải tạo không giam giữ
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, từ ngày 01/01/2018 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ. Do đó, một số quy định của Luật Thi hành án hình sự có điểm thiếu đồng bộ, không thống nhất với quy định của các luật có liên quan dẫn đến việc thực hiện đôi lúc chưa thống nhất, hiệu quả thi hành chưa cao. Một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định của Luật Thi hành án hình sự liên quan đến thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, như sau:
Thứ nhất, thiếu thống nhất trong quy định về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý, giáo dục người bị phạt cải tạo không giam giữ. Luật Thi hành án hình sự quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị Quân đội” được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án cải tạo không giam giữ (Điều 72 Luật THAHS). Nhưng Bộ luật Hình sự mở rộng hơn về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, giáo dục người được hưởng án treo và người bị phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, việc quản lý, giáo dục người bị phạt cải tạo không giam giữ giao cho“cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú” (Điều 36 BLHS 2015).
Thứ hai, thiếu cơ chế pháp lý hữu hiệu để quản lý sát sao người bị phạt cải tạo không giam giữ. Thực tế cho thấy còn một số trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ vắng mặt, tự ý rời khỏi nơi cư trú và không báo cáo cơ quan quản lý, giám sát, giáo dục. Tòa án cũng khó đề nghị Cơ quan Công an ra quyết định truy nã hoặc áp giải người phải thi hành án vì chưa có quy định vấn đề này trong Luật Thi hành án hình sự. Trong khi đó, người bị phạt cải tạo không giam giữ về bản chất là đang thi hành bản án hình sự của Tòa án. Do đó, cần có cơ chế pháp lý hữu hiệu để thi hành án phạt cải tạo không giam giữ hiệu quả hơn; từ đó góp phần nâng cao chất lượng thi hành án hình sự.
Thứ ba, chế tài chưa mạnh đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ khi không thực hiện nghiêm bản án của Tòa án. Theo Luật Thi hành án hình sự, trong thời gian chấp hành án đối người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có vi phạm nghĩa vụ pháp luật quy định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị kiểm điểm sau khi đã nhắc nhở 2 lần.
2.2. Nguyên nhân
Một số vướng mắc trong việc thi hành án phạt cải tạo không giam giữ hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau đây:
– Quá trình sửa đổi, bổ sung một số quy định về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trong các văn bản pháp luật liên quan còn chưa đồng bộ.
– Nhận thức của một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự xem trọng, quan
tâm sâu sát công tác quản lý, giám sát, giáo dục người bị phạt cải tạo không giam giữ. Công tác phối hợp giữa cơ quan Công an với các ban, ngành chức năng và chính quyền cơ sở trong việc quản lý, giám sát, giáo dục người người bị phạt cải tạo không giam giữ, tại một số nơi còn thiếu chặt chẽ, thống nhất.
2.3. Một số kiến nghị
Một là, theo quy định của Bộ luật Hình sự, trong thời gian thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án hình sự hiện hành, thì việc giám sát, giáo dục người chấp hành án thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạp không giam giữ, nên dẫn đến khó khăn trong việc ra quyết định thi hành án. Do vậy, Luật Thi hành án hình sự cần bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Hai là, tại khoản 4 Điều 36 Bộ luật Hình sự quy định: “Trường hợp hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ… Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự”.
Như vậy, từ quy định mới của Bộ luật Hình sự nêu trên đặt ra việc cần bổ sung vào Luật Thi hành án hình sự hai vấn đề sau đây:
(i) Trong thời gian chấp hành hình phạt, người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm. Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Do vậy, Luật Thi hành án hình sự phải bổ sung các quy định về việc xác định trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc mất việc làm để làm cơ sở đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định buộc họ thực hiện một hoặc một số công việc lao động phục vụ cộng đồng. Đồng thời, cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cũng như quy định cụ thể về trình tự, thời hạn cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định buộc người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng. Mặt khác, trong thời gian chấp hành án, người bị phạt cải tạo không giam giữ đang thực hiện một hoặc một số công việc lao động phục vụ cộng đồng nhưng họ lại có được việc làm mới thì cần phải được xem xét, thay đổi quyết định. Theo đó, cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định miễn trừ nghĩa vụ lao động phục vụ cộng đồng cho người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ khi họ có được việc làm mới, nhằm tạo điều kiện để họ có thời gian làm công việc mà họ mới có được.
(ii) Bộ luật Hình sự đã quy định “Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự”.
Trên đây là một số vấn đề cần bổ sung quy định cụ thể hơn về các nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý, giáo dục người chấp hành án cũng như tạo điều kiện để người chấp hành án thực hiện nghĩa vụ cải tạo của mình.
Theo vkshanoi.gov.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận