Thời điểm nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản – Khó khăn trong việc định tội danh

Hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm tội “Cướp tài sản” và tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định cụ thể tại khoản 1 của các điều luật. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định về việc định tội danh liên quan đến hai hành vi nêu trên.

1. Quy định của luật

Hành vi khách quan trong tội “Cướp tài sản” được quy định trong BLHS năm 2015, không có gì thay đổi so với BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, cụ thể:

Khoản 1 Điều 168 BLHS quy định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm ”.

Như vậy, ý định chiếm đoạt tài sản phải nảy sinh trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Nếu ý định chiếm đoạt tài sản phát sinh sau khi đã thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác thì không phạm vào tội Cướp tài sản, mà tùy vào từng trường hợp cụ thể, có thể phạm vào các tội tương ứng với hành vi đó... Người phạm tội sau khi đã thực hiện xong một tội phạm nào đó (ví dụ Giết người, Cố ý gây thương tích, Hiếp dâm…) làm cho người bị hại không còn khả năng chống cự hoặc bị hạn chế khả năng bảo vệ tài sản của mình thì mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản và lợi dụng cơ hội thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thì không phải tội “Cướp tài sản”, mà cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

2. Thực tiễn xét xử

Về mặt lý luận khoa học luật hình sự như đã phân tích ở trên, tuy nhiên thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh tội “Cướp tài sản” hay tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Tình huống cụ thể: Xuất phát từ việc bị Đồn biên phòng P tạm giữ phương tiện là xe mô tô do có hành vi vận chuyển trái phép lâm sản vào sáng ngày 02/7/2022, ngày 03/7/2023, các đối tượng A và B đến rủ C đi lên Đồn biên phòng P để xin lại xe. C nói “lên đánh luôn chứ xin xỏ gì”, sau đó cả ba chuẩn bị 3 con dao mang theo và đến nhà D để rủ D đi cùng. Tại đây C mượn thêm 1 con dao thái thịt của cửa hàng bán thịt gần nhà D (việc mượn dao để làm gì, chủ cửa hàng không biết). Cả bốn đối tượng mang theo 4 con dao, đi chung trên 1 chiếc xe máy của A.

Khi cách Đồn biên phòng P khoảng 3,5km, cả bốn đối tượng thấy hai quân nhân là E và F thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh G đang dừng xe nghe điện thoại. B hỏi “hai thằng này có đánh không”, C đáp “đánh luôn”, cả bốn đối tượng trên bao vây hai quân nhân và đánh. Lúc này, quân nhân K thuộc Đồn biên phòng P điều khiển xe mô tô cá nhân, lưu thông về hướng xã I, nghĩ rằng có tai nạn giao thông nên dừng lại xem xét. C thấy K đến thì hô to Mày hả? mày hả? Hôm qua mày bắt xe tao”… thấy đông người, K bỏ chạy vào rừng và bị bốn đối tượng vây đánh. Hậu quả gây thương tích của F và K, mỗi người 02%.

Sau khi bốn đối tượng trên không đuổi kịp K thì quay lại vị trí dừng xe. Khi thấy xe mô tô của E và K, C đã lấy xe mô tô của E và bảo B lấy xe của K, còn D chở A bằng xe của A, cả bốn đối tượng điều khiển 3 xe máy đi về hướng xã I. Khi đi ngang vị trí K đang đứng trong rừng, C nói to: “Hôm qua mày lấy xe tao, hôm nay tao lấy lại xe mày”. Đồn biên phòng P phối hợp với Công an huyện Đ tiến hành vây bắt và bàn giao bốn đối tượng trên cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Đối với tình huống trên, có nhiều quan điểm khác nhau về việc định tội danh:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi chiếm đoạt hai xe mô tô của A, B, C, D cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 172 BLHS; bỡi lẽ, mục đích ban đầu của các đối tượng trên là đến Đồn biên phòng P để đánh các quân nhân và lấy lại xe mô tô của mình đã bị tạm giữ chứ không hề có ý định chiếm đoạt tài sản của E, K hoặc của bất kỳ ai.

Sau khi đánh E, F, K và chuẩn bị đi đến Đồn biên phong P, bốn đối tượng trên phát hiện thấy 2 xe mô tô của E, K nên mới nảy sinh ý định chiếm đoạt; hành vi chiếm đoạt tài sản là công khai, ba quân nhân (E, F, K) vì sợ tiếp tục bị đánh nên không thể làm gì được. Như vậy kể từ thời điểm bốn đối tượng trên nảy sinh ý định chiếm đoạt 02 xe mô tô của E và K thì hoàn toàn không có dùng vũ lực, đe dọa dùng vữ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho E, F, K lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Khi lấy xe mô tô, bốn đối tượng trên thực hiện hành vi một cách công khai, không có dùng bất kỳ thủ đoạn nào, không cần che giấu hành vi phạm tội. Đây là các dấu hiệu đặc trưng của mặt chủ quan, mặt khách quan của cấu thành tội phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Hành vi chiếm đoạt 02 xe mô tô của A, B, C, D cấu thành tội “Cướp tài sản”, quy định tại Điều 168 BLHS, bỡi lẽ: Mặc dù mục đích ban đầu của bốn đối tượng trên đến Đồn biên phòng P để đánh và lấy lại xe mô tô của mình đã bị tạm giữ, chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản của E và K. Tuy nhiên, trên đường đi, sau khi dùng vũ lực tấn công E, F, K thì bốn đối tượng trên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của E và K. Hậu quả E, F, K không còn khả năng bảo vệ được tài sản là do hành vi đuổi đánh và gây thương tích của cả bốn đối tượng trên. Đây là dấu hiệu phù hợp với mặt khách quan của tội “Cướp tài sản”.

Ở tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” thì việc bị hại không có khả năng bảo vệ được tài sản là do điều kiện khách quan mang lại. Đối chiếu với vụ án trên, việc bị hại E, K không còn khả năng bảo vệ được tài sản là do bốn đối tượng trên có hành vi dùng vũ lực trước đó chứ không phải điều kiện khách quan mang lại. Đây là dấu hiệu không phù hợp trong cấu thành tội phạm của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử nhiều Tòa án xử lý hành vi nêu trên về tội “Cướp tài sản”.

3. Đề xuất, kiến nghị

Đối với những vụ án tương tự như trên xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm trái chiều, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh về hành vi cướp tài sản hay công nhiên chiếm đoạt tài sản, bởi quy định của BLHS chưa thể bao quát hết các vấn đề trong thực tiễn; tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp chiếm đoạt tài sản nhưng ý định chiếm đoạt nảy sinh sau khi có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự, để thống nhất áp dụng pháp luật trên thực tiễn.

Hai là, cần kiến nghị, đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 168 BLHS theo hướng không quy định thời điểm nảy sinh ý định chiếm đoạt trước hay sau khi dùng vũ lực… cụ thể: Thay từ “nhằm” thành cụm tự “sau đó”; điều khoản sửa lại là:

Điều 168. Tội cướp tài sản

1.Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được sau đó chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm ”.

 

TAND TP Cẩm Phả, Hạ Long xét xử  vụ án “Cướp tài sản”- Ảnh: Đào Thảo

VÕ MINH TUẤN (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)