Thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Ngày 11/9, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự "Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo".

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành và 14 doanh nghiệp tiêu biểu của Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp hai bên đã có các trao đổi cởi mở, thẳng thắn và thực chất về cơ hội hợp tác đầu tư; trong đó, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Công nghệ và đổi mới sáng tạo; đầu tư sản xuất; dịch vụ tài chính và fintech; thương mại, dịch vụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đều cho rằng sự hiện diện tại hội nghị của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là minh chứng rõ rệt, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ bước vào giai đoạn phát triển mới.

 

Thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư trở thành trụ cột mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên sức mạnh mới, giá trị mới 

Đặc biệt quan tâm các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam xác định sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. 

Thủ tướng nhắc lại, một trong những trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng thống Biden là "thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo". Như Tổng thống Biden đã phát biểu, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là không có giới hạn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: "Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện".

"Trên tinh thần đó, tôi và Ngài Tổng thống đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Tôi đồng tình với Ngài Tổng thống "Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để mở cửa tương lai của chúng ta"", Thủ tướng chia sẻ.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước dành thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực ưu tiên cho đầu tư khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, đổi mới phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng; đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Vì vậy, Việt Nam đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng cho phát triển đất nước. Với phương châm "lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá", chính sách nhất quán của Việt Nam là kêu gọi đầu tư, mở cửa thị trường với tất cả các đối tác, doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thủ tướng cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp; Việt Nam đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển ngành chuyển đổi số, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính; các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.

"Chúng tôi chân thành mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị của Chính phủ Hoa Kỳ, nhất là Tổng thống Joe Biden – người đã dành tình cảm rất đặc biệt cho Việt Nam trên các cương vị khác nhau (Thượng nghị sĩ, Phó Tổng thống, Tổng thống); có vai trò rất quan trọng cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đến Đối tác chiến lược toàn diện; cũng như sự cam kết về vốn, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, nhanh, bền vững và bao trùm", Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh: Nguồn lực bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên sức mạnh mới, giá trị mới. Chúng ta hãy cùng hợp tác, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi".

Hoa Kỳ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để nắm bắt được hết các cơ hội tiềm năng

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam. Ông nhận định Việt Nam đã có thay đổi rất lớn trong gần 20 năm qua, kể từ chuyến thăm Hoa Kỳ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005.

Tổng thống Joe Biden cho rằng hiện nay đang có cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo mà trên tất cả các lĩnh vực, nhằm mang lại sự phồn thịnh chung.

Ông hoan nghênh việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam vừa thỏa thuận với Tập đoàn Boeing để mua khoảng 50 máy bay phản lực Boeing 737 Max, dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 30.000 việc làm tại Hoa Kỳ.

 

Quang cảnh Hội nghị

Tổng thống Joe Biden khẳng định trên tinh thần thật và chân thành Hoa Kỳ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để nắm bắt được hết các cơ hội tiềm năng của mình; đề nghị Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tiếp tục hợp tác chặt chẽ, nhất là trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, điện toán đám mây, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là củng cố chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, việc hợp tác, chia sẻ không chỉ trong lúc phát triển thuận lợi, mà ngay cả khi khó khăn, rủi ro có thể xảy ra. Ông cho rằng trong 10 năm tới, những đổi mới công nghệ sẽ nhiều hơn trong 50 năm qua và sự phát triển này cũng mang lại những yếu tố rủi ro.

Đồng thời Tổng thống đề nghị hai bên tiếp tục nỗ lực hợp tác về năng lượng tái tạo, không chỉ các nước phát triển mà tất cả các nước đều phải phát triển lĩnh vực này. 

Xây dựng trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chíp, bán dẫn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và đánh giá cao hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian qua.

Bộ trưởng nhắc lại, cách đây hơn 30 năm, khi các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam đã nói rằng Hoa Kỳ đã đầu tư thì sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta cùng nhau hiện thực hóa được mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra.

Bộ trưởng cho biết, định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Theo đó ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển,... 

Đây cũng là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có tiềm năng và thế mạnh. Hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau để hai bên cùng phát triển.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường đầu tư mới và mở rộng tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.

Trong đó, các tập đoàn bán dẫn như Intel, Amkor, Marvell, Global Foundries và Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ phát triển hệ sinh thái chip, bán dẫn, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để xây dựng trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chíp, bán dẫn tại Việt Nam.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bộ trưởng đề nghị Boeing phát triển hệ sinh thái sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay (Hang-Ga) quy mô khu vực tại Việt Nam.

Google và các công ty công nghệ đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác AI và tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam.

Các tập đoàn, định chế tài chính, quỹ đầu tư hỗ trợ cung cấp các khoản tín dụng, tài chính xanh ưu đãi trong các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen; đồng thời, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng cũng đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ thúc đẩy các hoạt động hợp tác thương mại hai chiều.

Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư có hiệu quả, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, cần chủ động học tập kinh nghiệm, tiếp thu và ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và tích lũy vốn để nâng tầm doanh nghiệp, đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến các hoạt động hợp tác có giá trị cao hơn và có tác động lan tỏa.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự Hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc

PVA