Thông qua Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; Thẩm phán được phân công phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi... là những nguyên tắc được ghi nhận trong Pháp lệnh vừa được thông qua.
Sáng 24/3, tại phiên họp thứ 9, UBTVQH đã xem xét thông qua dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với 100% thành viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành. Đây là Pháp lệnh do TANDTC được phân công chủ trì soạn thảo.
Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành
Pháp lệnh gồm có 5 chương, 48 điều, quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Pháp lệnh quy định rõ 9 nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó có nguyên tắc: Chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy; Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị…
Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
VKSND kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này; thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có yêu cầu của Tòa án. Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quyết định của Tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó,…
Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được ban hành nhằm bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi; Đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy…
Cơ bản thống nhất cao
Trước khi tiến hành biểu quyết, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, so với dự thảo Pháp lệnh ban đầu, dự thảo Pháp lệnh đã được tiếp thu, chỉnh lý 46/48 điều; Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan đã cơ bản thống nhất cao.
Về bổ sung báo cáo đánh giá tác động, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, TANDTC đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Pháp lệnh về tác động xã hội, kinh tế, thủ tục hành chính và tác động về giới; đồng thời đánh giá thực trạng các cơ sở cai nghiện hiện nay. Theo báo cáo, có một số cơ sở cai nghiện đã xây dựng lâu năm, thiết kế không đồng bộ, xuống cấp, chưa hình thành các khu cai nghiện riêng biệt, độc lập, có tính đặc thù cho người chưa thành niên cai nghiện ma túy. Để khắc phục khó khăn này, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy; nghiên cứu trình Chính phủ Chương trình tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy đến năm 2025.
Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát, chỉnh lý Điều 1 dự thảo Pháp lệnh, làm rõ phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính đầy đủ, bao quát. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chỉnh lý tại các điều 2, 10, 13, 16, 18, 21, 27, 39, 40... để thể hiện sâu sắc hơn tính đặc thù về đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh này.
Cụ thể là: Bổ sung nguyên tắc việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị (Điều 2); bổ sung quy định Thẩm phán được phân công phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi (Điều 10); mời chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của Nhà trường, đại diện Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để trình bày về những vấn đề có liên quan (Điều 18);…
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm quyền nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của Viện kiểm sát, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, căn cứ Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và tham khảo kết quả 08 năm thực hiện Pháp lệnh số 09, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với TANDTC, VKSNDTC chỉnh lý khoản 1 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh như sau: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này”. Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện thẩm quyền kiểm sát cả trình tự, thủ tục, thẩm quyền và nội dung theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh này.
Về quy định các điều kiện hoãn, miễn, tạm đình chỉ chấp hành trong dự thảo Pháp lệnh, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định tại Điều 27 và Điều 31 của dự thảo. Chính phủ, TANDTC và các cơ quan có liên quan đều thống nhất quy định này.
Về đình chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (khoản 1 Điều 16), một số ý kiến đề nghị không quy định: Tòa án đình chỉ việc xem xét, giải quyết trong trường hợp người bị đề nghị, cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của họ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện khi Tòa án đang xem xét, giải quyết. Ý kiến khác tán thành với dự thảo Pháp lệnh của TANDTC, có quy định điều kiện này, tuy nhiên cần bổ sung quy định họ có cam kết cai nghiện tự nguyện. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với TANDTC và các cơ quan có liên quan chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh theo hướng không quy định căn cứ đình chỉ nêu trên;…
Đối với một số quy định cụ thể khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Khoản 3 Điều 15 dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý: đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn bổ sung tài liệu cho Tòa án là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không bổ sung được tài liệu thì phải trả lời hoặc giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau đó, Thẩm phán ra quyết định mở phiên họp theo quy định; Chỉnh lý các quy định có liên quan đến bệnh hiểm nghèo, ốm nặng, bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về phòng, chống ma túy; Quy định Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp...
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp rà soát, chỉnh lý nhiều điều, khoản trong dự thảo Pháp lệnh để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế có liên quan, nhất là Hiến pháp, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Khám, chữa bệnh…; bảo đảm tính khả thi và hoàn thiện về kỹ thuật văn bản.
Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cùng đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, VKSNDTC... thể hiện quan điểm đồng tình cao với dự thảo Pháp lệnh sau khi được chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - chủ trì phiên họp nêu rõ: UBTVQH nhất trí thông qua dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Pháp lệnh tiếp thu đề nghị thay cụm từ “phải thi tốt nghiệp” bằng cụm từ “đủ điều kiện đăng ký dự thi tốt nghiệp hoặc đang dự thi tốt nghiệp” tại điểm c, khoản 1, Điều 27 để đảm bảo tính bao quát; Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật phối hợp với TANDTC rà soát thêm về mặt kỹ thuật trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận