Tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo thời điểm nào là phù hợp?
Tính phần lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trên số tiền phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án từ thời điểm ngày người được thi hành án nộp đơn yêu cầu tính lãi hay từ ngày nộp đơn yêu cầu thi hành án đối với nghĩa vụ trả tiền, là vấn đề còn có quan điểm khác nhau, qua một vụ án cụ thể.
1.Tình huống pháp lý
Ngày 23/4/2018, vợ chồng anh Trần Văn Hiền và chị Cao Thị Hòa có cho vợ chồng anh Cao Thanh Hoàng và chị Nguyễn Thị Mai vay số tiền là 1.150.000.000 đồng với lãi suất là 1%/tháng, thời hạn vay là 6 tháng. Đến hạn trả nợ thì chồng anh Hoàng, chị Mai không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết nên vợ chồng anh Hiền, chị Hòa đã khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu anh Hoàng, chị Mai trả số tiền đã vay và không yêu cầu anh Hoàng, chị Mai phải trả tiền lãi vay.
Đến giữa tháng 7/2019, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T đã xét xử vụ án nêu trên bằng bản án dân sự sơ thẩm số 127/2019/DS-ST ngày 23/7/2019 . Theo đó, bản án xử “Buộc anh Cao Thanh Hoàng và chị Nguyễn Thị Mai phải trả có trách nhiệm liên đới trả cho anh Trần Văn Hiền và chị Cao Thị Hòa số tiền là 1.150.000.000đồng
Kể từ ngày anh Trần Văn Hiền, chị Cao Thị Hòa có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng anh Cao Thanh Hoàng và chị Nguyễn Thị Mai còn phải trả lãi cho anh Trần Văn Hiền và chị Cao Thị Hòa theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian và số tiền còn lại phải thi hành án.”
Sau khi bản án nêu trên có hiệu lực pháp luật thì anh Trần Văn Hiền và chị Cao Thái Hòa đã nộp đơn cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh T vào ngày 03/9/2019. Tuy nhiên, anh Hiền và chị Hòa chỉ ghi nội dung yêu cầu thi hành án về số tiền mà vợ chồng anh Hoàng, chị Mai phải trả, không yêu cầu phần lãi chậm thực hiện việc thi hành nghĩa vụ trả nợ.
Đến ngày 17/4/2020, phát hiện mình yêu cầu thiếu phần lãi nên anh Hoàng, chị Mai không tự nguyện thi hành án, gây thiệt hại cho mình nên anh Hiền và chị Hòa tiếp tục nộp đơn yêu cầu thi hành phần lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trên số tiền mà anh Hoàng, chị Mai phải thực hiện theo bản án đã quyết định.
Cả hai lần nộp đơn yêu cầu thi hành án của anh Hiền, chị Hòa đều đã được Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh T ra quyết định thi hành án theo đúng pháp luật.
Đến ngày 11/12/2020, Chấp hành viên phụ trách hồ sơ thi hành án của anh Hiền và chị Hòa đã thực hiện xong thủ tục bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án và thực hiện thủ tục chi tiền cho người được thi hành án. Theo đó, Chấp hành viên chỉ chi phần lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trên số tiền phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án từ thời điểm ngày 17/4/2020 (thời điểm anh Hiền, chị Hòa nộp yêu cầu tính lãi).
2. Các quan điểm về xác định thời điểm tính lãi chậm thi hành nghĩa vụ
Từ cách xác định thời điểm tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ của Chấp hành viên như đã nêu đã xuất hiện hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Thống nhất với quan điểm và cách xử lý của Chấp hành viên bởi vì ngày nộp đơn yêu cầu tính lãi của anh Hiền, chị Hòa là ngày 17/4/2020. Điều này đồng nghĩa với thời điểm trước đó anh Hiền, chị Hòa đã tự nguyện bỏ phần lãi từ ngày 03/9/2019 đến ngày 17/4/2020. Hơn nữa, căn cứ theo bản án thì anh Hoàng, chị Mai có hai nghĩa vụ là nghĩa vụ trả tiền và nghĩa vụ trả lãi chậm thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, về nghĩa vụ trả lãi chậm thi hành án thì thời điểm tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ là thời điểm “Kể từ ngày anh Trần Văn Hiền, chị Cao Thị Hòa có đơn yêu cầu thi hành án…” đối với phần nghĩa vụ trả lãi chậm thực hiện, chứ không phải quy định trong nghĩa vụ trả tiền. Do đó, ngày 17/4/2020 được xác định là thời điểm tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ là hoàn toàn phù hợp.
Quan điểm thứ hai: Quan điểm này cũng là quan điểm của tác giả. Quan điểm này không đồng ý với quan điểm thứ nhất; thời điểm để xác định việc tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ phải được xác định là thời điểm kể từ ngày người được thi hành án nộp đơn yêu cầu thi hành án đối với nghĩa vụ trả tiền (nghĩa vụ chính). Bởi vì, căn cứ vào khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Trường hợp các bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.”. Nghĩa là nghĩa vụ trả lãi chậm thực hiện nghĩa vụ chỉ được phát sinh khi nghĩa vụ trả tiền của đương sự không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nghĩa vụ trả số tiền 1.150.000.000đồng của anh Hoàng, chị Mai đối với anh Hiền, chị Hòa đã phát sinh từ ngày 03/9/2019 (ngày nộp đơn yêu cầu thi hành án nghĩa vụ trả tiền).
Do đó, thời điểm để tính lãi chậm thi hành nghĩa vụ trả tiền được xác định là ngày anh Hiền, chị Hòa nộp đơn yêu cầu thi hành án đối với nghĩa vụ trả tiền (ngày 03/9/2019).
Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quý đồng nghiệp, đọc giả trao đổi, góp ý!
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận