Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
Áp dụng Điều 157 BLHS năm 2015, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong thực tiễn còn có những vướng mắc, còn có những nhận thức khác nhau, cần có hướng dẫn kịp thời.
1.Quy định của điều luật
Theo Điều 157 BLHS năm 2015, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định:
“1.Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người đang thi hành công vụ; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Đối với 02 người trở lên; e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
2.Thế nào là hành vi trái pháp luật?
Hành vi bắt người trái pháp luật: Được hiểu là hành vi của người không có thẩm quyền, khống chế người khác không theo đúng các quy định của pháp luật để tạm giữ hoặc tạm giam họ;
Hành vi giữ người trái pháp luật: Là hành vi của người không có thẩm quyền và thực hiện không theo đúng các quy định của pháp luật để không cho người khác di chuyển vượt ra ngoài sự kiểm soát của mình, trong một khoảng thời gian nhất định;
Hành vi giam người trái pháp luật: Là hành vi của người không có thẩm quyền thực hiện việc cách ly người khác trái pháp luật ở một địa điểm và trong một khoảng thời gian nhất định.
Các hành vi trên đều là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở các hình thức thể hiện. Chủ thể của tội phạm có thể thực hiện một, hai hoặc đồng thời cả ba hành vi nêu trên.
Tính trái pháp luật của 03 hành vi trên được hiểu là sự không thỏa mãn các quy định về bắt, giữ hoặc giam người theo quy định của BLTTDS và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, pháp luật chỉ cho phép thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp sau nếu thỏa mãn yêu cầu của từng trường hợp:
- Bắt người phạm tội quả tang: Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất… (Điều 111 BLTTHS năm 2015).
- Bắt người đang bị truy nã: Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt hoặc giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất… (khoản 1 Điều 112 BLTHS năm 2015).
- Bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Là trường hợp bắt người theo lệnh, quyết định của người, cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 113 BLTTHS năm 2015.
- Tạm giữ người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc người bị bắt theo quyết định truy nã (Điều 113 BLTTHS năm 2015).
- Tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm hành chính do người có thẩm quyền áp dụng trong các trường hợp cụ thể, mà theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 17/3/2016 của Chính phủ là các trường hợp: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng và gây thương tích cho người khác; cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm; khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi bạo lực gia đình.
- Tạm giam đối với bị can, bị cáo phạm tội theo quy định tại Điều 119 BLTTHS năm 2015.
Như vậy, các trường hợp bắt, giữ hoặc giam người không đúng quy định của BLTTHS và Luật Xử lý vi phạm hành chính đều bị coi là trái pháp luật.
Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 377 BLHS là trường hợp đặc biệt (chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn) so với trường hợp quy định tại điều luật này. Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được coi là hành vi khách quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật khi hành vi này không thỏa mãn dấu hiệu của hành vi được quy định tại Điều 377 BLHS. Ngoài ra, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhằm mục đích chiếm đoạt nạn nhân (dưới 16 tuổi) cũng không phải là hành vi khách quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà là hành vi khách quan của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 153 BLHS.
Thủ đoạn thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, dùng sức mạnh về vật chất như trói, nhốt vào thùng xe, nhà kho… hoặc bạo lực về tinh thần như đe dọa bắn, đánh nếu không để cho bắt… Tuy nhiên, các thủ đoạn này không có ý nghĩa đối với việc định tội danh.
3. Những điểm mới và bất cập
So với quy định tại Điều 123 của BLHS năm 1999 thì quy định của BLHS năm 2015 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã có một số điểm mới, như quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với các trường hợp định khung hình phạt.
Khoản 2 bổ sung thêm các tình tiết định khung đó là: ...e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách; h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
Tại khoản 3, cụ thể hóa tình tiết mang tính chất định tính “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng” bằng cách quy định bổ sung ba tình tiết định khung sau: ... a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát; b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
Xung quanh quy định tại Điều 157 BLHS năm 2015, chúng tôi thấy có một số bất cập.
Thứ nhất, thực tiễn còn tồn tại tranh luận về việc định tội danh đối với trường hợp một người hay nhiều người thực hiện một, hai hoặc cả ba hành vi phạm tội. Các hành vi này đều là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở hình thức thể hiện cụ thể: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Thứ hai, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong thời gian bao lâu thì bị coi là phạm tội hay bị coi là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, từ đó dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong các vụ án được Tòa án đưa ra xét xử. Ví dụ, Nguyễn Văn A, Đỗ Văn E có hành vi bắt, giữ hoặc giam Đỗ Văn B trong thời gian 05 phút (hoặc 15 phút, 30 phút, 45 phút…) thì trường hợp nào sẽ là phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật? Vấn đề này cần có hướng dẫn cụ thể để tránh việc nhận thức và áp dụng không thống nhất trong một số vụ án cụ thể.
Thứ ba, BLHS 2015, quy định việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tuy nhiên chưa có hướng dẫn thế nào là “trái pháp luật”. Bởi lẽ, trên thực tế hành vi này thường bị nhầm lẫn với các hành vi vi phạm thông thường và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhất là những hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo khoản 1 của điều luật.
TAND TP Hà Nội xét xử vụ án bắt giữ người trái pháp luật - Ảnh: Tuyến Phan/PLO
Bài liên quan
-
Định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của Lê Hoàng D
-
Mức xử phạt hành vi sử dụng môi trường Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
Trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Hà Nội: Cần xử lý nghiêm nhóm đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận