Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã phát hiện ra những hành vi vi phạm trong mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, các chế tài hành chính là không đủ răn đe nhưng lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi này chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết trong quá trình xây dựng, sửa đổi BLHS cần thiết phải hình sự hóa hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô hoặc các bộ phận cơ thể người.
1. Cơ sở hình thành, yêu cầu bức thiết về việc bổ sung tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007; Ngày 29/4/2008 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 56/2008/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Việc ban hành tương đối kịp thời văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, góp phần chữa bệnh mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo, từ đó nâng cao hiểu biết về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân[1]. Tuy nhiên, thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã phát hiện ra những vi phạm trong hoạt động này, các chế tài hành chính là không đủ răn đe, việc truy cứu trách nhiệm hình sự là không thể khi mà các hành vi này chưa được quy định trong BLHS. Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết trong quá trình xây dựng, sửa đổi BLHS cần thiết phải hình sự hóa hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô hoặc các bộ phận cơ thể người.
Tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các địa phương cũng đã chỉ ra bên cạnh các hoạt động mua bán người thì cũng có những hoạt động mua bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt khi khoa học công nghệ, y học ngày càng phát triển khi có thể cấy ghép mô, tạng. Bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại với mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học thì cũng có những mặt trái ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội như hoạt động về mua bán, chiếm đoạt mô, tạng vì mục đích thương mại đã và đang âm thầm diễn ra và cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự[2].
2. Quy định của BLHS năm 2015 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
Về cấu thành tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người được xếp vào chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, đối tượng tác động là mô, bộ phận cơ thể của người khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006: “Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người” có thể bao gồm giác mạc, da, xương, mạch máu, van tim…[3]. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định như tay, chân, đầu, tim, gan, thận… Nếu mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể của chính mình thì không cấu thành tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS.
Tuy vậy, nếu như bộ phận cơ thể người có thể là đối tượng mua bán tương đối phổ biến, xảy ra nhiều trong thực tiễn thì trường hợp mua bán, chiếm đoạt mô dường như không thực tế, việc mua bán, trao đổi, giao dịch mô dường như không có ảnh hưởng đến sức khỏe bởi lẽ mô là tập hợp của tế bào, tế bào là một thực tế có thể tái sinh, không bị mất đi vĩnh viễn. Trên thực tế các thẩm mỹ viện sử dụng các công nghệ làm đẹp để hút mô mỡ, cắt mô biểu bì (da bụng) để làm săn chắc vòng bụng của phụ nữ; cấy mỡ tự thân để làm đầy cằm, độn mông, giảm hóp má… Tất cả những hành vi đó đều là sử dụng (có thể là mua bán, chiếm đoạt) mô của cơ thể người khác nhưng lại không xem đó là bất hợp pháp. Bởi lẽ, việc sử dụng đó không gây nguy hiểm cho sức khỏe, mà ngược lại còn tốt hơn rất nhiều so với các công nghệ làm đẹp khác[4]. Ngược lại, hành vi mua bán, chiếm đoạt thai nhi trước đây đã từng được thảo luận cần thiết phải tội phạm hóa thì lại không được được vào trong BLHS.
Tội phạm quy định dưới dạng giản đơn phần quy định nêu lại tên hành vi mà không mô tả chi tiết hành vi khách quan, có thể hiểu hành vi mua bán tương tự với với hành vi ở tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, cụ thể có thể trường hợp chuyển giao hoặc tiếp nhận bộ phận cơ thể người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất nhất định. Đối với hành vi chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người được hiểu là trường hợp người phạm tội sử dụng các hành vi như dùng bạo lực, cưỡng ép, bắt cóc...tác động lên thân thể nạn nhân để lấy bộ phận trên cơ thể nạn nhân, mục đích của hành vi chiếm đoạt có thể không vì lợi nhuận, mà có thể vì bất cứ mục đích nào. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đầy đủ hành vi mà người phạm tội thực hiện nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một khoản khung nhất định tại Điều 154.
BLHS đã quy định hai hành vi là mua bán, chiếm đoạt nhưng chưa quy định hành vi môi giới mua bán, đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặc dù theo lý luận khoa học luật hình sự có thể truy cứu trách nhiệm hình sự xử lý về tội phạm quy định tại Điều 154 với vai trò là người đồng phạm khác.
Một số vấn đề đáng lưu ý để phân biệt, xác định trách nhiệm hình sự tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người với một số tội phạm có liên quan như tội giết người hoặc tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Thứ nhất, nếu người phạm tội có hành vi giết người nhằm chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người với bất cứ mục đích gì thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 tội giết người mà không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS; Thứ hai, trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân (ví dụ: tim, buồng gan...), làm nạn nhân chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự[5]; Thứ ba, trường hợp mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi mà để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người hoặc tội mua bán người dưới 16 tuổi với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thứ tư, trường hợp mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc dẫn đến chết người thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 134 hoặc Điều 138 mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 2 hoặc điểm d khoản 3 Điều 154.
3. Một số kiến nghị
Để tiếp tục hoàn thiện hơn chúng tôi cho rằng cần giải quyết thêm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, không cần thiết quy định đối tượng tác động của tội phạm quy định tại Điều 154 là mô, đồng thời bổ sung thêm đối tượng tác động là thai nhi nhằm bảo vệ sinh mệnh đang hình thành, bảo vệ các chuẩn mực đạo đức trong xã hội.
Thứ hai, bổ sung hành vi môi giới mua bán trong tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS nhằm đảm bảo nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, đây chính là dạng hành vi phổ biến trong thực tiễn, các đối tượng chính là cầu nối giữa người mua và người bán, nhiều vụ án chỉ phát hiện, bắt giữ được các đối tượng môi giới và người bán. Quy định hành vi này trong Bộ luật Hình sự là một khẳng định xác định vai trò, vị trí trung tâm của hành vi nguy hiểm cho xã hội cần thiết phải xử lý.
Thứ ba, chúng tôi đồng tình với một ý kiến cho rằng chế tài áp dụng đối với chủ thể thực hiện tội phạm còn chưa thực sự phù hợp[6], mức phạt bổ sung tối thiểu 10 triệu đồng là quá thấp nếu so sánh với các tội phạm khác trong nhóm các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.
Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng Điều 154 có thể chỉnh sửa như sau:
“Điều 154. Tội môi giới, mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người hoặc thai nhi
1. Người nào môi giới, mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người khác hoặc thai nhi thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
…4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư pháp, Báo cáo Tổng kết, đánh giá 14 năm thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Bộ Tư pháp, 2020.
2. Bộ Công an, Thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 trong lực lượng công an nhân dân. Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Tài liệu Hội nghị Tỏng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ Tư pháp, tr104-112, 2014.
3. UBND tỉnh Lâm Đồng, Thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một số bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, 3/2014.
4. Bộ Tư pháp, Báo cáo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, 3/2014; Bộ Công an, Thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 trong lực lượng công an nhân dân…ttđd.
5. Vụ Pháp luật Quốc tế-Bộ Tư pháp, Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu của các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, 3/2014.
6. Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2020, tr7.
7. Ban soạn thảo BLHS, Các dự thảo Bộ luật Hình sự, 01/2015, 4/2015, 7/2015.
8. Đồng Nông Phúc, Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người và một số bất cập, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/toi-mua-ban-chiem-doat-mo-hoac-bo-phan-co-the-nguoi-va-mot-so-bat-cap truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
[1] Bộ Tư pháp, Báo cáo Tổng kết, đánh giá 14 năm thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Bộ Tư pháp, 2020.
[2] UBND tỉnh Lâm Đồng, Thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một số bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, 3/2014.
[3] Báo cáo Tổng kết, đánh giá 14 năm thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, tlđd.
[4] Đồng Nông Phúc, Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người và một số bất cập, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/toi-mua-ban-chiem-doat-mo-hoac-bo-phan-co-the-nguoi-va-mot-so-bat-cap truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
[5] Hướng dẫn tại mục 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS.
[6] Đồng Nông Phúc, Tlđd.
Ảnh: Triển lãm trực tuyến "Đường đến bình yên".
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận