Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong vụ án dân sự - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Trong bài viết dưới đây, tác giả phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thu thập chứng cứ của Tòa án trong các vụ án dân sự ở Việt Nam trong thời gian tới.
Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong các vụ án dân sự là một trong những nội dung quan trọng trong thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án ở Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác xét xử của Tòa án.
1. Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án
1.1. Chứng cứ, chứng minh
Chứng cứ là một vấn đề trung tâm và không thể thiếu trong tố tụng dân sự. Chứng cứ được quy định tại Điều 93 BLTTDS 2015 như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục đo Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”. Có thể thấy, chứng cứ đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết một vụ việc dân sự.
Mọi hoạt động trong quá trình chứng minh đều xoay quanh vấn đề chứng cứ. Một vụ án có được kết quả “thấu tình đạt lý” hay không là đều phụ thuộc phần lớn vào chứng cứ. Thông qua việc cung cấp chứng cứ mà các đương sự sẽ có được cơ sở vững chắc để chứng minh được những yêu cầu của mình.
Đối với Tòa án, việc nhận định chứng cứ để xác định tình tiết của vụ việc dân sự một cách chính xác là một hoạt động vô cùng quan trọng nhằm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân và bảo vệ pháp luật. Vì vậy, thu thập đầy đủ nhận định, đánh giá đúng chứng cứ có vai trò quan trọng nhất của yêu cầu chứng minh trong tố tụng dân sự, từ đó giúp việc nhận thức đúng đắn về bản chất của vụ việc trong thực tiễn.
1.2. Quy định của pháp luật về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án
1.2.1. Quy định của BLTTDS năm 2015
Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án được coi như là một trong những nguyên tắc cơ bản trong BLTTDS 2015, cụ thể tại khoản 2 Điều 6 quy định: “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”.
Theo đó, Tòa án sẽ chỉ hỗ trợ đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp họ không thể tự mình thực hiện được và trong những trường hợp pháp luật quy định. Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ các bên đương sự khi họ gặp khó khăn với hoạt động thu thập chứng cứ.
Tuy đã có quy định như vậy nhưng trách nhiệm “hỗ trợ” đương sự còn chưa được quy định cụ thể dẫn đến việc áp dụng của Tòa án trở nên phức tạp. Việc không quy định rõ về trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án làm cho Tòa án trong nhiều trường hợp khi thấy đương sự chưa thu thập đủ bằng chứng cần thiết hay việc thu thập chứng cứ của đương sự không hiệu quả có thể sẽ tự mình tiến hành “hoạt động này”. Điều này có thể dẫn đến Tòa án không vô tư khi thực hiện quyền xét xử của mình, dễ vi phạm vào nguyên tắc bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 16 BLTTDS 2015.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy nguyên tắc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sự “chủ động” trong việc thu thập chứng cứ tuy nhiên cần phải phân định rõ Tòa án sẽ tiến hành hoạt động “hỗ trợ” vào những thời điểm nào, qua đó Tòa án sẽ có thể bảo đảm được tốt hơn quyền và nghĩa vụ của các đương sự.
1.2.2. Quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TCTAND) 2014 thì: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Để có thể thực hiện được tốt nhiệm vụ nêu trên và xác định được sự thật khách quan của vụ án thì hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án là một hoạt động quan trọng không thể thiếu của TAND. Thông qua hoạt động này mà Tòa án sẽ có được góc nhìn “toàn cảnh” về vụ việc để có thể đưa ra phán quyết hợp lý, hợp tình.
Hoạt động thu thập chứng cứ của được coi như là một nhiệm vụ quan trọng mà Tòa án phải tiến hành, cụ thể được quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật TCTAND 2014: “Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính…”.
Điều luật trên chỉ quy định thẩm quyền chung của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ đối với các vụ việc được liệt kê trên mà chưa đề cập rõ về việc “xác minh, thu thập” tài liệu, chứng cứ, cụ thể như thế nào, ví dụ, Tòa án sẽ tiến hành hoạt động đó trong thời điểm nào cũng như xác định rõ cách thức mà Tòa án sẽ “xác minh, thu thập” chứng cứ ra sao hay việc thu thập chứng cứ là việc Tòa án “chủ động” thực hiện hay không?
2. Một số bất cập về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong vụ án dân sự
Thứ nhất, hệ thống các văn bản pháp luật quy định chưa đầy đủ
Do các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể trường hợp nào là trường hợp “Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ” nên một số Thẩm phán có thể chưa phân biệt được trường hợp nào thì Tòa án cần thu thập chứng cứ, dẫn đến việc Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ làm cho vụ án bị thiếu chứng cứ, không đúng với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án.
Khi giải quyết vụ án ở những Tòa án cấp cao hơn, Hội đồng xét xử có thể sẽ nhận định rằng có thu thập chứng cứ ở cấp thấp hơn nhưng Tòa án cấp đó không thực hiện đúng thủ tục theo quy định.
Thứ hai, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án còn chưa rõ ràng
Trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ thu thập chứng cứ để giao nộp cho Tòa án chủ yếu thuộc về các đương sự nhưng Tòa án trong một vụ án cũng có trách nhiệm trong việc thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án một cách đúng đắn. Chính vì lẽ đó, BLTTDS 2015 cũng quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ như yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tiến hành một hoặc một số biện pháp do BLTTDS quy định để thu thập tài liệu, chứng cứ.
Trên thực tiễn, BLTTDS tuy có quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ để giải quyết một vụ án nhất định nhưng vẫn còn chưa rõ ràng, dẫn đến một số Thẩm phán có thể còn chưa thực hiện đầy đủ việc thu thập chứng cứ, dẫn đến một số trường hợp vụ án có thể bị xem xét một cách phiến diện và chưa thể bảo đảm được công bằng trong xét xử nói riêng, công bằng trong xã hội nói chung.
Thứ ba, vướng mắc, khó khăn trong yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ
Mặc dù BLTTDS 2015 đã có nhiều đổi mới đáng kể so với BLTTDS 2005 về yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ, ví dụ, khoản 3 Điều 106 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu”. Điều luật này sẽ có giá trị thực tiễn nếu quy định cụ thể về chế tài xử lý, ví dụ, chế tài hành chính hoặc hình sự, nếu không thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Tòa án mà không có “lý do chính đáng”.
Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định về chế tài, cũng không có quy định giải thích cụ thể “lý do chính đáng” là gì dẫn đến có thể áp dụng tùy nghi và Thẩm phán thiếu cơ sở pháp lý để xử lý hành vi nêu trên. Ví dụ: Việc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ vì bận giải quyết công việc chuyên môn, thiếu cán bộ,... có phải là lý do chính đáng hay không? Những bất cập nói trên chính là những nguyên nhân dẫn đến Tòa án không có biện pháp xử lý hành vi chậm trễ hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở giải quyết vụ việc dân sự. Cũng chính lý do này đã khiến việc thu thập chứng cứ của Tòa án thực hiện còn nhiều khó khăn trong thực tiễn xét xử.
Thứ tư, quy định về chế tài xử lý đối với hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án chưa đầy đủ
Tại khoản 3 Điều 106 BLTTDS 2015 đã xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân khi không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy đã có quy định như vậy nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự có văn bản hướng dẫn nào có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự.
Còn đối với chế tài hình sự thì tại khoản 1 Điều 383 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.
Như vậy, người làm chứng nếu không thuộc trường hợp “không tố giác tội phạm” hoặc người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, còn đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, ví dụ, UBND các cấp, văn phòng công chứng… mà không phải là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật thì không thể áp dụng chế tài hình sự.
Quy định như vậy cũng cũng gây khó cho Tòa án vì Tòa án không thể áp dụng được quy định trên thực tiễn và khiến việc thu thập tài liệu, chứng cứ bị kéo dài. Do vậy sẽ không thể bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong các trường hợp không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ do lỗi của cơ quan, tổ chức nêu trên.
Thứ năm, nếu Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ, sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể tạo nên định kiến từ trước
Điều này dẫn tới việc Tòa án coi trọng nguồn chứng cứ do mình thu thập được và xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập. Việc này có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây bất lợi cho một bên nào đó, ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của Tòa án. Đồng thời, tình trạng đó làm hạn chế việc thực hiện yêu cầu về tăng cường tranh tụng trong xét xử cũng như chưa bảo đảm nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”.
Thực tế hiện nay việc Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ dẫn đến các đương sự không tự mình thu thập chứng cứ mà “dựa dẫm” vào Tòa án. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh vấn đề các cơ quan, tổ chức làm khó các đương sự bằng cách lấy lý do khi Tòa án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân.
Thứ sáu, vấn đề nhân lực của ngành Tòa án còn hạn chế, trong khi số vụ việc mà Tòa án phải giải quyết hằng năm ngày càng tăng
Mỗi năm có khoảng gần 600.000 vụ án lớn nhỏ mà các Tòa án đã thụ lý và giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay toàn ngành Tòa án chỉ có khoảng hơn 6.000 Thẩm phán[1]. Nếu giải quyết 600.000 vụ án mà Tòa án phải chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ thì Tòa án sẽ không đủ người để thu thập chứng cứ của toàn bộ vụ án. Do đó, có thể dẫn đến áp lực công việc và gánh nặng cho ngành Tòa án và nguy cơ xảy ra sai sót trong quá trình xét xử.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật
Xuất phát từ những bất cập nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong vụ án dân sự như sau:
Một là, đề xuất sửa đổi quy định của BLTTDS 2015 và Luật TCTAND 2014 theo hướng Tòa án sẽ chỉ có trách nhiệm thu thập chứng cứ khi có yêu cầu “hỗ trợ” từ các bên đương sự.
Hiện nay, trong giới khoa học pháp lý cũng như quan điểm từ những người làm thực tiễn trong và ngoài ngành Tòa án đang có những quan điểm khác nhau trong quy định về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Tòa án không có nghĩa vụ phải tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ
Việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế trên thế giới hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành. Bên cạnh đó, Tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình trung đã làm thay cho việc của đương sự khiến họ trông chờ vào Tòa án, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Sửa đổi quy định theo hướng để đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ là phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay, ví dụ ở Anh, Trung Quốc (phân tích dưới đây) đã đề cao vai trò của các bên đương sự trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và chứng minh sự việc. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự vẫn bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ.
Hơn nữa, nếu xét trên thực tế hiện nay, khi các đương sự gửi đơn đến Tòa án, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào Tòa án. Do vậy, đã nảy sinh ra một số hệ lụy như tình trạng nghi ngờ việc “thu thập chứng cứ” của Thẩm phán, khiến cho cá nhân và tổ chức “quên” nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Chính vì vậy, có thể sẽ dẫn tới tình trạng các cơ quan, đơn vị sẽ viện lấy lý do khi Tòa án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân. Do đó, việc tiếp tục quy định như hiện nay thì sẽ bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ trong việc cung cấp cho người dân.
Quan điểm thứ hai: Hoạt động thu thập chứng cứ sẽ là “trách nhiệm” của Tòa án cần phải tiến hành
Với trình độ phát triển xã hội như hiện nay sẽ là không đủ để người dân thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ. Việc quy định “trách nhiệm” của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên, cụ thể với những lý do sau:
Thứ nhất, ở Việt Nam đang có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó, rất nhiều người dân không có điều kiện tham gia tranh tụng một cách đầy đủ và do có sự chênh lệch đó nên nếu khoán việc thu thập chứng cứ cho các bên có thể sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.
Thứ hai, cơ chế luật sư, người bào chữa chưa thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của người dân. Theo báo cáo của Tòa án, hiện nay chỉ có 8.15% các vụ kiện tụng có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi[2].
Thứ ba, việc để đương sự tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân là một thách thức với đương sự vì họ sẽ không có đủ năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước.
Hơn nữa, đối với các bên đương sự họ tiến hành tự thu thập chứng cứ nhưng mỗi bên đều sẽ chỉ thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ gây bất lợi cho họ. Do đó, việc xác định sự thật của vụ án sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc Tòa án tự mình tiến hành hoạt động này sẽ đưa ra phán quyết công bằng cho cả đôi bên, bảo đảm công bằng xã hội.
Từ các quan điểm và phân tích nêu trên, nhóm tác giả cho rằng trước mắt cần sửa đổi các quy định của Luật TCTAND 2014 theo hướng Tòa án sẽ chỉ có trách nhiệm thu thập chứng cứ khi có yêu cầu “hỗ trợ” từ các bên đương sự vào dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi), cụ thể:
“Điều 15. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 2, Điều 14 Luật TCTAND 2014)
1. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.
2. Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
3. Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật cho đương sự khi có yêu cầu”.
Việc quy định Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ và nghĩa vụ thu thập, xác minh chứng cứ trong một số trường hợp như trên có thể sẽ bảo đảm hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu chứng cứ mà đương sự không thể thu thập được, giúp việc giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan và triệt để từ đó Tòa án ban hành các phán quyết bảo đảm công lý, công bằng, cụ thể:
Thứ nhất, tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Như vậy, bản thân các đương sự ngay từ đầu đã có quyền quyết định việc khởi kiện một vụ án. Qua đó, khi các đương sự đã quyết định việc khởi kiện vụ án thì việc thu thập chứng cứ để chứng minh cho những luận điểm của mình sẽ là trách nhiệm của các bên đương sự. Tòa án sẽ chỉ đóng vai trò là “người phân xử” cho các bên và không có trách nhiệm phải thu thập chứng cứ cho đương sự.
Thứ hai, xét về nhiệm vụ của Tòa án, tại khoản 1 Điều 2 Luật TCTAND 2014 quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Việc quy định Tòa án “hỗ trợ” các bên đương sự là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ mà Tòa án đã được đề ra, giúp bảo vệ quyền và lợi ích của các bên đương sự cũng như bảo vệ công lý, công bằng xã hội một cách tốt hơn.
Thứ ba, tăng sự “chủ động”, “tích cực” thu thập chứng cứ của các đương sự, vì dù sao đương sự cũng là những chủ thể “trực tiếp” có quyền và nghĩa vụ bị ảnh hưởng trong vụ án dân sự. Quy định như vậy giúp cho các đương sự tích cực “thu thập” chứng cứ, từ đó có thể chứng minh cho những luận điểm mà họ đã nêu mà không bị lệ thuộc vào Tòa án. Chỉ trong một vài trường hợp cá biệt theo Luật định thì Tòa án sẽ thu thập “giúp” các bên đương sự, tránh được cái nhìn chủ quan của Tòa án về vụ việc đang xét xử.
Thứ tư, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề thu thập chứng cứ của Tòa án cho thấy, tại nhiều nước trên thế giới đều nghiêng về quy định rằng đó là Tòa án sẽ chỉ xem xét, xác minh chứng cứ do hai bên đương sự đưa ra, mà sẽ không chủ động thu thập chứng cứ. Và chỉ trong hợp đương sự gặp khó khăn trong việc xuất trình chứng cứ và có yêu cầu “hỗ trợ” thì khi đó Tòa án sẽ có thể giúp đỡ trong việc thu thập và không tự mình yêu cầu cung cấp chứng cứ, không tự mình đưa ra tình tiết, sự kiện mà chỉ làm rõ tình tiết, sự kiện.
Ví dụ, tại một số nước theo hệ thống pháp luật “Common Law” với mô hình tố tụng tranh tụng, điển hình như Anh, Mỹ việc thu thập chứng cứ là nghĩa vụ của hai bên đương sự và Tòa án sẽ không trực tiếp “thực hiện” hoạt động này. Ở Anh, trong bộ quy tắc về bằng chứng trong tố tụng dân sự, tại phiên tòa, Thẩm phán thường sẽ không đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra bằng chứng bằng lời nói của các nhân chứng thực tế và các nhân chứng có kiến thức chuyên môn[3]. Ta thấy Tòa án sẽ chỉ nêu những trình tự, thủ tục cho các bên đương sự và sẽ không thể tự mình tiến hành hoạt động này. Đặc biệt điều này còn được thể hiện rõ nét tại quy định về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự: “Trong hầu hết các khiếu nại dân sự tại Tòa án Anh, trách nhiệm chứng minh là của nguyên đơn để xác lập yêu cầu bồi thường”(CPR 46.1.; CPR 31.12)[4]. Nếu lên Tòa án tối cao, nhân chứng có thể bị kết tội khinh thường Tòa án, điều này có thể dẫn đến việc bị giam giữ hoặc tịch thu”[5]. Ở Trung Quốc, Tòa án có thể tiến hành thu thập chứng cứ nếu như các đương sự và người đại diện của họ không thể tự mình thu thập chứng cứ vì những lý do ngoài tầm kiểm soát của họ hoặc chỉ đơn giản là khi Tòa án nhân dân xét thấy chứng cứ đó là cần thiết cho việc xét xử vụ án[6].
Hai là, cần có những hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Tòa án mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhằm răn đe các trường hợp vi phạm. Tương tự như vậy, cần quy định chế tài cụ thể đối với hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không kịp thời tài liệu, chứng cứ đang do cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ nhằm hiện thực hóa quy định này trong thực tiễn. Từ kinh nghiệm của các nước nêu trên, có thể xem xét xử lý hình sự đối với hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nếu Tòa án đã yêu cầu một số lần nhất định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không có lý do thực sự chính đáng. Xem xét bổ sung tội khinh thường Tòa án vào trong BLHS Việt Nam đối với các hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân rõ ràng đang nắm giữ.
Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án là một vấn đề rất quan trọng, cấp thiết trong tố tụng dân sự, cần được nghiên cứu một cách khoa học trong cả phương diện lý luận và phương diện thực tiễn. Có như vậy, khi giải quyết vụ án dân sự thì việc giải quyết mới được dựa trên những cơ sở pháp lý hợp tình, hợp lý. Do đó, việc sớm chỉnh sửa, bổ sung BLTTDS 2015, Luật TCTAND 2014 nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng quy định về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong các vụ án dân sự ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách hiện nay.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Civil Procedural Code of the Russian Federation No. 138-FZ of November 14, 2002 (with the Amendments and Additions of June 30, 2003, June 7, July 28, November 2, December 29, 2004, July 21, December 27, 2005, December 5, 2006, July 24, October 2, December 4, 2007), https://www.wto.org/english/thewto_e/acc_e/rus_e/wtaccrus58_leg_62.pdf.
2. Đỗ Thoa, Có nên bỏ quyền thu thập chứng cứ của Tòa án? https://dangcongsan.vn/thoi-su/co-nen-bo-quyen-thu-thap-chung-cu-cua-toa-an/653173.html.
3. Đoàn Thị Ngọc Hải, Chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2110.
4. Hoa Lê, Chỉ có 6.000 Thẩm phán, người đâu đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án?, https://dantri.com.vn/xa-hoi/chi-co-6000-tham-phan-nguoi-dau-di-thu-thap-chung-cu-cho-600000-vu-an-20231122172744789.htm.
5. Luật tố tụng dân sự nước CHND Trung Hoa năm 1991, http://www.npc.gov.cn/zgrdw/englishnpc/Law/2007-12/12/content_1383880.htm.
6. Lê Anh, Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án, https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80618, truy cập ngày 02/3/2024.
7. Jonathan Speed and Louise Lanzkron, Rules of evidence (including cross-border evidence) in civil proceedings Q&A: UK (England and Wales) https://www.twobirds.com/-/media/disputes-plus/files/pdfs/various-qas---april-2020/rules-of-evidence-including-crossborder-evidence-in-civil-proceedings-qanda-uk-england-and-wales.pdf.
8. Phan Thị Thu Hà (2022), Trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử theo thủ tục TTDS, thực trạng và kiến nghị, trích trong kỉ yếu Hội thảo khoa học: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam năm 2023.
9. Quốc hội, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=82400.
[1] Hoa Lê, “Chỉ có 6.000 Thẩm phán, người đâu đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án?”, https://dantri.com.vn/xa-hoi/chi-co-6000-tham-phan-nguoi-dau-di-thu-thap-chung-cu-cho-600000-vu-an-20231122172744789.htm, truy cập ngày 03/3/2024.
[2] Đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh tranh luận tại Kỳ họp thứ 6, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=82400, truy cập ngày 02/3/2024.
[3] At the trial, the judge will generally not adopt a major role in the giving of oral evidence by witnesses of fact and expert witnesses. This is chiefly undertaken by counsel for the parties, although the judge is free to ask questions at any point.
[4] CPR: Civil Procedure Rules; Mechanisms to obtain disclosure from adverse parties
Specific disclosure: If one party considers that the disclosure given by the other is inadequate, that party can apply to the court for an order for specific disclosure
[5] If the High Court, the witness may be found to be guilty of contempt of court, which could result in committal or sequestration.
[6] If, for objective reasons, a party and his agent ad litem are unable to collect the evidence by themselves or if the people's court considers the evidence necessary for the trial of the case, the people's court shall investigate and collect it.
Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai xét xử vụ tranh chấp đất đai - Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận