Trao đổi bài viết “BẤT CẬP VỀ VI PHẠM NGHĨA VỤ THEO KỲ”
Sau khi đọc nội dung bài viết “Bất cập về vi phạm nghĩa vụ theo kỳ” của tác giả Huỳnh Minh Khánh đăng ngày 10/12/2017 trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, tôi xin được trao đổi như sau:
Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS năm 2005): “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”. Theo các tình tiết nội dung vụ án mà tác giả nêu thì giữa bà Tuyết và bà Lan đã xác lập hợp đồng vay tài sản (vàng). Theo đó, bà Tuyết là bên cho vay, còn bà Lan là bên vay.
Ngày 15/12/2015, bà Lan và bà Tuyết có lập văn bản thỏa thuận, trong đó nêu rõ bà Lan có nghĩa trả cho bà Tuyết tổng cộng 65 chỉ vàng 24K, chia làm 5 lần trả. Mỗi lần trả có nêu rõ thời gian trả và số vàng phải trả thuộc trường hợp hợp đồng vay có kỳ hạn và không có không lãi. Do bà Lan không thực hiện nghĩa vụ trả vàng đúng thời hạn theo thỏa thuận lần 2 và lần 3 nên bà Tuyết khởi kiện yêu cầu bà Lan trả toàn bộ số vàng còn nợ. Đối chiếu quy định của BLDS năm 2005, chúng ta thấy rằng trường hợp giữa bên vay và bên cho vay có thỏa thuận thời hạn trả thì về nguyên tắc bên cho vay không được yêu cầu bên vay trả nợ trước thời hạn (khoản 3 Điều 473 BLDS năm 2005: “Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 478 của Bộ luật này”), trừ các trường hợp sau: (1) Nếu được bên vay đồng ý nợ trước thời hạn (khoản 1 Điều 478 BLDS năm 2005: “Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý”); (2) Khi bên vay sử dụng tài sản vay trái mục đích mặc dù đã được bên cho vay nhắc nhở (Điều 475 BLDS năm 2005: “Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích”). Còn bên vay nếu chậm thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận (bao gồm chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ) thì phải thông báo cho bên cho vay biết về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn (khoản 2 Điều 286 BLDS năm 2005: “Bên chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn’’; Điều 292 BLDS năm 2005: “Nghĩa vụ dân sự được thực hiện theo định kỳ nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự’’). Nếu bên vay muốn hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì phải thông báo ngay cho bên vay biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (khoản 1 Điều 287 BLDS 2005: “Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ…”). Bên vay được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên cho vay đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn
Như vậy, khi đến thời hạn trả nợ bà Lan không thông báo cho bà Tuyết về việc chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ và cũng không có đề nghị bà Tuyết xin hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên bà Lan đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ và vi phạm thời hạn trả nợ cho bà Tuyết. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết, tuyên buộc bà Lan có nghĩa vụ trả cho bà Tuyết 30 chỉ vàng (theo nghĩa vụ trả nợ lần 2 và lần 3) theo quan điểm của tôi là đúng quy định pháp luật.
Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết yêu cầu bà Lan có nghĩa vụ phải trả luôn số vàng còn nợ theo thỏa thuận trả nợ lần 4, lần 5 mặc dù chưa đến thời hạn trả nợ. Theo quan điểm của tôi, Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện này của bà Lan với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện là đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ bà Lan chưa vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận lần 4, lần 5; bà Lan không đồng ý trả nợ cho bà Tuyết trước thời hạn; cũng không có căn cứ cho rằng bà Lan sử dụng tài sản vay trái mục đích nên bà Tuyết không được quyền yêu cầu bà Lan trả nợ trước thời hạn. Việc bà Tuyết cho rằng nếu không buộc bà Lan trả hết nợ thì bà Lan không dùng số tiền còn lại mà Cơ quan thi hành án dân sự đang tạm giữ để trả hết nợ cho bà Tuyết là không có căn cứ chấp nhận. Và nếu chỉ vì lý do vì đảm bảo quyền lợi của bà Tuyết mà Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa các đương sự theo quy định tại Điều 8 BLTTDS năm 2015 đó là: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Toà án …Các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình”
Ngoài ra, đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tại thời của tòa án cấp sơ thẩm như tình huống mà tác giả Huỳnh Minh Khánh nêu, tôi xin được trao đồi thêm như sau: Theo như tình huống thì số tiền mà cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá căn nhà và thửa đất của bà Tuyết là khoảng 2 tỷ đồng, đã thi hành khoản nợ của bà Tuyết khoảng 1,5 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án đang tạm giữ số tiền còn dư khoảng 500 triệu đồng. Do bà Lan có đơn yêu cầu và Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong toả số tiền còn dư của bà Tuyết tại cơ quan thi hành án dân sự trong khi giá trị của 60 chỉ vàng 24K mà bà Lan yêu cầu là không quá 250 triệu đồng. Theo tôi Tòa án đã áp dụng vượt quá nghĩa vụ tài sản phải thực hiện, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 133 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tại tại khoản 4 Điều 133 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: “4. Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 114 của Bộ luật này thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.”
Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi xin trao đổi cùng Tác giả Huỳnh Minh Khánh, Quý đồng nghiệp và bạn đọc của Tạp chí Tòa án./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận