Trao đổi về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm
Sau khi đọc bài viết của tác giả Lê Đình Nghĩa “Bàn về chế định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm”, tôi có một vài trao đổi không đồng tình với quan điểm của tác giả.
https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/ban-ve-che-dinh-tra-ho-so-de-dieu-tra-bo-sung-cua-toa-an-cap-so-tham
Thứ nhất, khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần” và khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT hướng dẫn “Trường hợp phải tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trong quyết định nêu rõ những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung lần trước chưa được điều tra bổ sung hoặc đã điều tra bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra bổ sung”.
Theo quan điểm của tác giả Lê Đình Nghĩa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được trả hồ sơ 02 lần và sau đó Hội đồng xét xử (HĐXX) được trả hồ sơ 01 lần nữa. Quan điểm như thế này là trái với quy định của khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Theo tôi, quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT cần được hiểu đây là áp dụng cho trường hợp Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) sau khi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung ở giai đoạn chuẩn bị xét xử (lần 1).
Vì vậy, trường hợp này quan điểm của tôi như sau: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, Viện kiểm sát chấp nhận điều tra bổ sung tất cả các yêu cầu của Tòa án nhưng còn sót vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án hoặc có điều tra bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra bổ sung thì sau khi nhận lại hồ sơ vụ án, Thẩm phán không được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa, HĐXX tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và nêu rõ những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung lần trước như hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT.
Thứ hai, khoản 6 Điều 326 BLTTHS quy định: “Kết thúc việc nghị án, HĐXX phải quyết định một trong các vấn đề: Ra bản án và tuyên án; Trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ; Trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ; Tạm đình chỉ vụ án’’. Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả: Nếu tại phiên tòa, HĐXX thấy có những vấn đề thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 BLTTHS mà trước đó Thẩm phán chưa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung hoặc Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, Viện kiểm sát chấp nhận điều tra bổ sung tất cả các yêu cầu của Tòa án nhưng còn sót vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra bổ sung thì HĐXX trả hồ sơ để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Còn những vấn đề trước đó Thẩm phán đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung nhưng Viện kiểm sát có văn bản trả lời là không có căn cứ thì HĐXX không được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Thứ ba, trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định, kết luận định giá tài sản, cần giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản thì Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung hay Tòa án tiến hành yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại, yêu cầu định giá lại tài sản. Theo tôi, nếu quá trình điều tra, xử lý truy tố Viện kiểm sát đã kiểm sát và đánh giá hoặc thực hiện việc giám định, định giá tài sản đã tiến hành đúng theo trình tự thủ tục, kết quả giám định, định giá tài sản là đúng và khách quan, đầy đủ; ngoài ra Tòa án có thẩm quyền trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại, yêu cầu định giá lại tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 252 BLTTHS nên đây không phải là trường hợp Tòa án được trả hồ sơ điều tra bổ sung; trừ trường hợp Tòa án có căn cứ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng khi thực hiện các việc này thì phải trả hồ sơ điều tra bổ sung./.
Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử vụ án giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng – Ảnh: Vũ Hoàng Giang
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận