Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên hiện nay
Bài viết tập trung phân tích những nội dung cơ bản trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đề xuất giải pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên ở nước ta hiện nay.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục và đào tạo; là một mắt xích trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nhận thức được ý nghĩa, vai trò quan trọng của PBGDPL, thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền, PBGDPL, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác PBGDPL là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển đoàn viên, thanh niên hướng đến thực hiện mục tiêu giáo dục “Đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”[1].
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác lập pháp, đồng thời cũng rất chú trọng đưa pháp luật vào trong cuộc sống. Để đưa được pháp luật vào cuộc sống thì cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, PBGDPL. Bởi vì, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền; là một bộ phận của công tác giáo dục; là khâu then chốt, quan trọng để pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Vì vậy, “Việc công bố đạo luật chưa phải đã xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài đến mọi người dân thì mới thực hiện tốt được”[2]. Điều đó có nghĩa là cần phải nâng cao sự hiểu biết và năng lực sử dụng luật của người dân, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật trong nhân dân và phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[3].
Theo Hồ Chí Minh, công tác tuyên truyền, PBGDPL của Nhà nước là hoạt động nhằm cung cấp những thông tin chân thực, những tri thức cần thiết và truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp các đối tượng tác động hiểu rõ vấn đề, từ đó hình thành ở họ tri thức pháp luật phù hợp, hướng dẫn cho hành động tự giác chấp hành, thực thi không trái với yêu cầu của quy định pháp luật hiện hành, đồng thời giúp cho ý thức và tư tưởng của cán bộ, nhân dân được thông suốt, ủng hộ và tự nguyện tiếp nhận pháp luật của Nhà nước, “tâm phục, khẩu phục”, quyết tâm, tự giác thực hiện và tuyên truyền, vận động người khác cùng thực hiện. Đồng thời, qua hoạt động tuyên truyền, PBGDPL giúp cho cán bộ, nhân dân có được những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng để chống lại những âm mưu, thủ đoạn và hành vi thâm độc của các thế lực thù địch.
Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL phải gắn với thực tiễn, hiểu rõ đối tượng, từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của họ. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, PBGDPL phải biết cách nói của quần chúng, tùy từng đối tượng mà đòi hỏi việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách cũng phải có những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp, gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt, không nên tuyên truyền, PBGDPL theo kiểu áp đặt mà phải sử dụng đa dạng các hình thức thông tin phản hồi từ cơ sở, coi trọng ý kiến của quần chúng nhân dân. Thông tin phản hồi được thu nhận qua nhiều hình thức như: Toạ đàm, đối thoại, trao đổi, phê bình, góp ý… Thông qua các hình thức đó giúp cho các đối tượng được tuyên truyền, PBGDPL nắm vững, hiểu rõ pháp luật của Nhà nước.
2. Thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên.
Nhận thấy công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ, là nhiệm vụ trọng tâm cần được tiến hành thường xuyên, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác PBGDPL cho thế hệ trẻ. Các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII đều đã nhấn mạnh sự cần thiết và vai trò của giáo dục pháp luật trong quá trình xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, Luật PBGDPL năm 2012 đã xác định PBGDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân là một bộ phận cấu thành chính sách của Nhà nước về PBGDPL.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta nên công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên trong những năm vừa qua được triển khai phong phú, đa dạng về nội dung nội dung và hình thức, với những mô hình hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật tạo hiệu ứng và có sức lan tỏa cao. Cụ thể:
Về nội dung PBGDPL, tùy từng đối tượng và yêu cầu thực tiễn mà các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn nội dung pháp luật để PBGDPL phù hợp. Trong đó, tập trung vào nội dung PBGDPL về các quy định pháp luật, chính sách thiết thực, liên quan trực tiến đến đoàn viên, thanh niên; trong đó, tập trung vào pháp luật về lao động, việc làm; dân sự; hình sự; hôn nhân và gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; giao thông đường bộ; phòng, chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; nghĩa vụ quân sự; bảo vệ môi trường, biển đảo; cư trú, bình đẳng giới; bạo lực học đường; chính sách về phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, khởi nghiệp...
Về hình thức PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã tổ chức các diễn đàn, tọa đàm phổ biến, lấy ý kiến của đoàn viên, thanh niên vào dự thảo các văn bản luật quan trọng, liên quan đến đoàn viên, thanh niên; qua đó, tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình và cũng là quá trình PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên ngay từ trong quá trình xây dựng văn bản luật. Thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên. Tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên. Tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật, Cuộc thi gương sáng đoàn viên, thanh niên chấp hành pháp luật với chủ đề và nội dung thiết thực, gắn với những vấn đề nổi cộm của địa bàn cơ sở và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đoàn viên, thanh niên. Tổ chức PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: báo, đài, loa truyền thanh cơ sở của địa phương nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho đoàn viên, thanh niên. Xây dựng, duy trì lạc bộ pháp luật với mục tiêu tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên cập nhật các kiến thức pháp luật có liên quan đến đời sống, công việc, học tập. Biên soạn, xây dựng nhiều tài liệu PBGDPL để cấp phát, làm tài liệu nguồn phục vụ công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên. Chú trọng tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đoàn viên, thanh niên đặc thù như đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; miền biển, hải đảo, ngư dân; các doanh nghiệp; là nạn nhân bạo lực gia đình; là người khuyết tật bằng những hình thức phù hợp hoặc lồng ghép nội dung PBGDPL vào các chương trình văn hóa, học nghề.
Hoạt động của sinh viên Học viện Tòa án - Ảnh: Minh Quân
Về mô hình PBGDPL hiệu quả cho đoàn viên, thanh niên, qua thực tiễn đã xây dựng được các mô hình PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên hiệu quả như: mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, thanh niên; mô hình câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật; mô hình Đội tuyên tuyền thanh niên về pháp luật; mô hình 1-1-1; Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL đoàn viên, thanh niên vẫn tồn tại những hạn chế: Công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên còn chưa đồng đều, toàn diện. Công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa khắc phục được triệt để tính hình thức; nội dung, hình thức PBGDPL chậm đổi mới, còn khô cứng, chưa thực sự phù hợp với trình độ hiểu biết và tâm sinh lý và lứa tuổi, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng. Nhiều báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động chưa hiệu quả. Kinh phí từ ngân sách nhà nước bố trí cho công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên và huy động kinh phí xã hội hóa cho công tác này rất hạn chế, nhất là ở địa phương, cơ sở. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong đoàn viên, thanh niên có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; tuy nhiên có thể xác định từ những nguyên nhân chính sau: Nhận thức của lãnh đạo một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên chưa sâu sắc, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Ý thức trong việc chủ động, tự giác tìm hiểu, học tập, nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng, thực hiện nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác PBGDPL, nhất là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Việc đánh giá, sơ kết, tổng kết, nhân rộng những mô hình hay chưa được quan tâm đúng mức. Có những mô hình, hình thức PBGDPL qua thực tiễn triển khai được đánh giá cao nhưng chưa được quan tâm nhân rộng. Công tác phát hiện, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung, của đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật nói riêng ở một số nơi chưa nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật nên hiệu quả giáo dục, răn đe người vi phạm còn thấp.
3. Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trong thời gian tới
Trong bối cảnh mới hiên nay, khi nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tiếp tục vận dụng sâu sắc hơn nữa quan điểm của Hồ Chí Minh trong tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên hướng đến mục tiêu giúp đoàn viên, thanh niên có ý thức chấp hànhvà tuân thủ pháp luật là vấn đề có giá trị thực tiễn sâu sắc. Với bối cảnh và yêu cầu như vậy, tiếp tục thực hiện công tác giáo PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên theo quan điểm Hồ Chí Minh trong thời gian tơi cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, bám sát tình hình nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên; chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên và coi đây là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên chủ động, tự giác tìm hiểu, học tập, nâng cao ý thức pháp luật, ý thức công dân.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trong công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên, nhất là giữa các ngành Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức Đoàn thanh niên. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giáo dục toàn diện đối với đoàn viên, thanh niên.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL đoàn viên, thanh niên. Cụ thể, về nội dung PBGDPL phải theo hướng phù hợp với đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, nhu cầu; trong đó, cần chú trọng PBGDPL nội dung quy định pháp luật về: phòng, chống Covid-19; giao thông đường bộ; lao động, việc làm; bình đẳng giới; bạo lực học đường; hôn nhân và gia đình; bảo vệ trẻ em; phòng, chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; nghĩa vụ quân sự; bảo vệ môi trường, biển đảo;…
Về hình thức PBGDPL phải phong phú, đa dạng và phù hợp với đối tượng, địa bàn, chú trọng lồng ghép PBGDPL với các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội; tổ chức các diễn đàn trao đổi về chính sách, pháp luật, PBGDPL. Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL chính khóa trong nhà trường, đồng thời đổi mới hình thức phổ biến pháp luật ngoại khóa và ngoài giờ lên lớp. Gắn PBGDPL với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên.
Về phương pháp PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên. Cần phải vận dụng một các sâu sắc hơn phương pháp tuyên truyền, giáo dục có sức thuyết phục cao mà Hồ Chí Minh đưa ra là nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục bằng việc làm, hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, thông qua người thật, việc thật, những điều “tai nghe, mắt thấy”. Theo Người: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, con người mới”[4]. Đây là phương pháp cần đặc biệt quan tâm và thường xuyên sử dụng trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, là động lực mạnh mẽ để đoàn viên, thanh niên phấn đấu, nâng cao ý thức trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Bốn là, triển khai xây dựng và nhân rộng một số mô hình PBGDPL hiệu quả, phù hợp, thiết thực với đoàn viên, thanh niên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, phù hợp với lứa tuổi, phát huy thế mạnh của các Trang thông tin điện tử, website, mạng Internet, đặc biệt là mạng xã hội (zalo, facebook, TikTok…), diễn đàn trực tuyến trao đổi về chính sách, pháp luật, PBGDPL. Chú trọng PBGDPL cho đối tượng đoàn viên, thanh niên đặc thù theo Luật PBGDPL năm 2012.
Năm là, nâng cao chất lượng tài liệu pháp luật; hiệu quả tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ Đoàn. Chú trọng biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL (mô hình, điển hình tiên tiến, tình huống, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật, sổ tay, đĩa hình, tờ gấp, tờ rơi, tranh cổ động, pa-nô…) phục vụ công tác tuyên truyền. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên.
Sáu là, gắn công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên với thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, đề án tuyên truyền, giáo dục khác để phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội cho công tác này. Đồng thời, định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng, tuyên dương các mô hình, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên.
Có thể nói, nhìn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền, PBGDPL và quá trình hiện thực tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới đất nước, giúp chúng ta nhận thức rõ giá trị tư tưởng của Người. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục vận dụng sâu sắc hơn nữa tưởng của Người trong công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên, nhằm hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, phát huy đầy đủ tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong thanh niên; đưa công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phát huy đầy đủ vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn viên Học viên Tòa án giới thiệu với các em học sinh đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh - Ảnh: Minh Quân
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011 t. 4, tr. 34
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.301
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.293
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.558.
Bài liên quan
-
Giới đầu tư liên tục xuống tiền săn đón nhà phố biển Sông Town – CaraWorld, vì sao?
-
Sản phẩm Smart A hỗ trợ sức khỏe, giúp cải thiện tình trạng kháng thuốc đang ngày càng phổ biến
-
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật
-
Nhận diện các hình thức lừa đảo phổ biến mới nhất hiện nay
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận