Vật chứng phải xử lý như thế nào?
Trong trường hợp vật chứng là tài sản có giá trị bị người phạm tội chiếm đoạt, sử dụng trái phép, cố ý làm hư hỏng, hủy hoại..., nhưng người phạm tội đã thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Vậy xử lý vật chứng như thế nào?
Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 28/2/2022, với mong muốn có tiền để cá độ đá banh nên Lê Văn M (2001) đã đến nhà chị Trần Thị C là hàng xóm cạnh nhà M giả vờ hỏi mượn xe gắn máy nhãn hiệu Wave màu đỏ, trị giá 16 triệu đồng để đi thăm người thân đang nằm bệnh viện. Mượn được xe, M đến ngay cửa hàng mua bán xe và bán với giá 6 triệu đồng. Số tiền này M dùng để cá độ và thua hết. M đã hoàn thành việc chiếm đoạt chiếc xe gắn máy. Hành vi của Lê Văn M cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015.
Quá trình giải quyết vụ án, do chưa tìm được chiếc xe nên M và gia đình đã bồi thường cho chị C giá trị chiếc xe là 16 triệu đồng. Chị C đã nhận đủ số tiền. Sau đó, Cơ quan điều tra tìm lại được chiếc xe. Như vậy trong vụ án này, chiếc xe gắn máy là vật chứng cần được xử lý. Hiện tồn tại các quan điểm khác nhau trong việc quyết vấn đề trên như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng gia đình M đã bồi thường đầy đủ thiệt hại cho chị C nhưng vẫn phải trả lại chiếc xe cho chị C theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng vật chứng là chiếc xe Wave cần bị tịch thu sung quỹ Nhà nước do đây là tài sản do phạm tội mà có theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS.
Quan điểm thứ ba và là quan điểm của tác giả: Vấn đề bồi thường tài sản bị chiếm đoạt phải giải quyết theo quy định về pháp luật dân sự, cần phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Nếu gia đình M đã bồi thường đầy đủ giá trị thiệt hại cho chị C thì cần trả lại tài sản đó cho M và gia đình mà không cần tịch thu.
Tại khoản 1 Điều 585 BLDS quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại là phải được bồi thường toàn bộ tổn thất vật chất đã xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật, hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tại khoản 2 Điều 47 BLHS quy định: “Vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Đây là quy định mang tính nguyên tắc, áp dụng khi người phạm tội chưa thực hiện việc trả lại tài sản đã chiếm đoạt, do đó Tòa án sẽ có căn cứ buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Nhưng khi người phạm tội đã trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, kể cả việc trả lại được thực hiện bằng hình thức trả tài sản mới hoặc bằng tiền mặt ngang giá thì Tòa án không buộc thực hiện việc phải trả tiếp mà ghi nhận sự thỏa thuận từ hai bên.
Như vậy, đối với vụ án này, việc xử lý vật chứng là chiếc xe máy sẽ được trả lại cho M và gia đình vì đã bồi thường xong toàn bộ thiệt hại cho chị C.
* Tòa án quân sự Quân khu 7
Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, An Giang xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hoàng Vũ
Bài liên quan
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Bình luận Án lệ số 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường
-
Một số ý kiến về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận