Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và những vấn đề đặt ra
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định lần đầu tiên từ BLHS năm 2015. Áp dụng những quy định nào của BLHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội? Pháp nhân thương mại phải đạt những điều kiện gì và các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại phạm tội như thế nào?
1.Cơ sở và điều kiện trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1.1. Chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội phạm
Cơ sở trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định tại khoản 2 Điều 2 BLHS. Theo đó: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo quy định tại Điều 76 BLHS, thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội phạm thuộc 3 nhóm sau đây:
+ Nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (Tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
+ Nhóm các tội phạm về môi trường: Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (Tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại);
+ Nhóm tội phạm xâm phạm trật tự công cộng: Điều 300 (Tội tài trợ cho khủng bố); Điều 324 (Tội rửa tiền).
1.2.Điều kiện
Để phải chịu trách nhiệm hình sự do đã thực hiện một tội phạm cụ thể được quy định tại Điều 76 BLHS, thì hành vi do pháp nhân thương mại thực hiện phải thỏa mãn các điều kiện về: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (4) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS.
Về nguyên tắc áp dụng BLHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội, thì tại Điều 74 BLHS quy định “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này (Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội” BLHS); theo quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS. Tuy nhiên, ngoài những quy định tại Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội” của BLHS, thì những quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS lại khó có thể áp dụng trực tiếp đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Do vậy, có một loạt các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần nghiên cứu. Ví dụ:
+ Lỗi của pháp nhân thương mại trong việc thực hiện tội phạm là gì? Các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự (về mặt chủ quan của việc cá nhân thực hiện tội phạm như: (1) Nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thận của pháp nhân thương mại) có phải là lỗi hay hình thức lỗi của pháp nhân thương mại phạm tội hay không;
+ Trong số các tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự có Tội tài trợ khủng bố (Điều 300), Tội rửa tiền (Điều 324). Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị phạm các tội này. Vậy pháp nhân thương mại chuẩn bị phạm các tội này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
+ Khi người thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thận của pháp nhân thương mại được miễn trách nhiệm hình sự thì pháp nhân thương mại có được miễn trách nhiệm hình sự hay không. Nếu có, thì căn cứ vào quy định nào của Phần chung BLHS?
+ Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và trong đồng phạm cần được giải quyết thế nào?
+ Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì tại điểm d khoản 1 Điều 75 BLHS đã có quy định theo hướng viện dẫn. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp thì cần phải nghiên cứu bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại” vào sau cụm từ “… mà khi hết thời hạn đó thì người…” ở khoản 1 Điều 27 BLHS và bổ sung cụm từ “pháp nhân thương mại” vào sau từ “người” ở khoản 3 Điều 27 BLHS như sau:
“Điều … Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.
2. Các biện pháp cưỡng chế hình sự
2.1. Hình phạt
Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại các Điều 30, 31, 33, 77- 81 BLHS. Về vấn đề này, mặc dù BLHS năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã có hiệu lực pháp luật nhưng thực tiễn chưa có pháp nhân thương mại nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên chưa có thực tiễn để đánh giá quy định của BLHS về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Về lý thuyết thì chúng tôi cho rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, áp dụng và thi hành hình phạt chính (đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn) hay hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động không có lỗi trong việc pháp nhân thương mại phạm tội. Nguy cơ bị mất việc do pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là rất lớn. Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên chưa được đánh giá tác động một cách thấu đáo cho nên cần nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội liên quan tới việc người lao động bị mất việc do pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoặt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Theo chúng tôi, nếu tiếp tục quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, thì có thể nghiên cứu thay thế hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn bằng hình phạt tiền.
2.2. Các biện pháp tư pháp chỉ áp dụng đối với đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Các biện pháp tư pháp chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 46 và 82 BLHS, bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xẩy ra. Mặc dù chưa được thực tiễn áp dụng pháp luật (do chưa có pháp nhân thương mại nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự) kiểm nghiệm nhưng về ngôn ngữ, thì nội hàm biện pháp “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” quy định tại khoản 2 Điều 82 BLHS chưa thực sự rõ ràng. Bởi lẽ, nếu chỉ căn cứ vào ngôn ngữ của điều luật thì chưa thể phân biệt “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” với “sửa chữa thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra” với tư cách là một trong những biện pháp tư pháp chung quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS; hoặc “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dưng không đúng với giấy phép” với nghĩa là một trong những nội dung của biệp pháp tư pháp “Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 82 BLHS.
Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện một doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường - Ảnh: Văn Dinh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Bình luận