Võ Thị Tr phạm tội gì?

Trần Anh S xô xát với vợ là Võ Thị Tr. Khi lấy một cán cuốc định vụt đánh vợ thì Tr vòng ra sau lưng S, giật được cán cuốc rồi vụt cho S hai cái. S tử vong, Tr phạm tội gì?

Võ Thị Tr và Trần Anh S là vợ chồng nhưng thường xuyên cãi vã nhau, nguyên nhân vì S thường xuyên uống rượu say và mỗi lần như vậy, S lại kiếm cớ gây sự đánh vợ. Việc S đánh vợ cũng đã bị chính quyền nhắc nhở nhiều lần.

Ngày 20/3/2020, sau khi đi uống rượu về, S đi tìm vợ thì thấy chị Tr đang tắm, thấy thế S ném lon bia trên tay trúng vào người chị Tr. Trong lúc chị Tr vội mặc áo quần, S chạy đi lấy đá cục và quay lại ném liên tiếp vào người chị, đồng thời chửi chị Tr: “Hôm nay tao cho mày chết, mày dám khinh thường chồng mày, tao giết mày”.

 Sau khi mặc xong áo quần, chị Tr xô S qua một bên cửa lán và bỏ chạy thì bị S đuổi kịp và đẩy chị ngã xuống ao (mực nước trong ao chỉ đến ngang thắt lưng Tr). Tr với hai tay cầm chân S kéo cùng ngã xuống ao, hai bên lao vào nhau vật lộn khiến cho Tr bị sặc nước phải buông S ra. S chạy lên bờ lấy một cán cuốc (dài 1,3m, đường kính 7cm) và quay xuống ao, hai tay giơ cán cuốc lên định vụt Tr. Khi S còn cách Tr khoảng 50 cm, Tr vòng ra sau lưng S rồi giật được cán cuốc từ tay S. Sau đó, Tr dùng hai tay cầm cán cuốc vụt mạnh một nhát theo hướng từ trên xuống dưới trúng vào đỉnh đầu làm S gục xuống nước, phần đầu vẫn nhô lên trên mặt nước. Sau đó, vì nghĩ S giả vờ nên T đã vụt thêm một nhát nữa vào phía sau gáy của S. Không thấy S phản ứng gì, Tr vội kéo S lên bờ thì phát hiện S đã ngưng thở. Đến 23 giờ cùng ngày, Tr đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện X tỉnh H đầu thú.

Trong quá trình giải quyết vụ án, còn có hai quan điểm xung quanh việc định tội danh đối với Tr, theo đó:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: S đã có hành vi vô cớ gây sự với Tr, mặc dù Tr đã bỏ chạy, S vẫn đuổi theo giữ Tr lại, với ý thức “Hôm nay tao cho mày chết, mày dám khinh thường chồng mày, tao giết mày” nên đã xô Tr ngã xuống ao. Sau khi vật lộn khiến Tr bị sặc nước, S đã lên bờ lấy cán cuốc với ý định đánh Tr. Như vậy, để gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật của S, Tr buộc phải giật lấy cán cuốc trong tay S và tấn công S trước khi S kịp sử dụng để đánh mình. Tuy nhiên, hậu quả là S chết, việc này nằm ngoài ý thức chủ quan của Tr, vì Tr chỉ muốn tự vệ trước S mà không có ý định tước đoạt mạng sống của S. Vì vậy, Tr phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tr phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Vì mặc dù Tr không có ý thức tước đoạt mạng sống của S nhưng đã có hành vi đánh vào những vị trí hiểm yếu trên người S, Tr buộc phải biết có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi. Do đó, hậu quả đến đâu phải bị xử lý đến đó. Mặt khác, việc S đánh đập Tr đã diễn ra trong thời gian dài, Tr chịu sự ức chế thần kinh từ việc bị S bạo hành, vì vậy, Tr phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Người viết cho rằng bắt nguồn sự việc là từ sự gây gổ của S đối với Tr, S đã có hành vi tấn công Tr trước. Hành vi của S là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, để thoát khỏi sự tấn công của S, Tr đã lựa chọn bỏ chạy nhưng bị S bắt lại, vì vậy, việc Tr đánh S sau khi giật được cây gậy từ tay S hoàn toàn chỉ có mục đích phòng vệ, đẩy lùi, chấm dứt sự tấn công của S mà không có mục đích tước đoạt mạng sống của S. Vì vậy, người viết cho rằng Tr phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như quan điểm 1 là phù hợp.

Rất mong nhận được trao đổi của các quý bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án "Giết người" và "Bắt người trái pháp luật" - Ảnh: Ái Bình

 

ĐINH THU NHANH (Toà án quân sự Quân khu 4)