Võ Thị Tr phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Sau khi nghiên cứu bài viết “Võ Thị Tr phạm tội gì?” của tác giả Đinh Thu Nhanh đăng ngày 10/7/2022, tôi đồng tình với quan điểm Võ Thị Tr phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Thứ nhất, cần phân biệt “Phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, chủ yếu dựa theo yếu tố cấu thành.

“Phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, thì về phía nạn nhân là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm. Về phía người phòng vệ thì gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm. Hành vi chống trả vượt quá mức cần thiết là việc phòng vệ chống trả quá mức cần thiết không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại thì hành vi đó đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

“Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, thì trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước. Phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác. Hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần.

Và trạng thái kích động trong trường hợp “Phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” có thể bị kích động về tinh thần, nhưng cũng có thể không bị kích động về tinh thần còn “Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” thì trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động.

Theo tình tiết vụ án Võ Thị Tr có hành vi dùng cuốc vụt đầu anh S hai lần dẫn tới anh S tử vong, “Tr dùng hai tay cầm cán cuốc vụt mạnh một nhát theo hướng từ trên xuống dưới trúng vào đỉnh đầu làm S gục xuống nước, phần đầu vẫn nhô lên trên mặt nước. Sau đó, vì nghĩ S giả vờ nên T đã vụt thêm một nhát nữa vào phía sau gáy của S. Không thấy S phản ứng gì, Tr vội kéo S lên bờ thì phát hiện S đã ngưng thở.” Hành vi của Tr xuất phát từ hành vi tấn công đe dọa sức khỏe, tính mạng của anh S “S chạy đi lấy đá cục và quay lại ném liên tiếp vào người chị, đồng thời chửi chị Tr: “Hôm nay tao cho mày chết, mày dám khinh thường chồng mày, tao giết mày”. S đuổi kịp và đẩy chị ngã xuống ao (mực nước trong ao chỉ đến ngang thắt lưng Tr). Tr với hai tay cầm chân S kéo cùng ngã xuống ao, hai bên lao vào nhau vật lộn khiến cho Tr bị sặc nước phải buông S ra. S chạy lên bờ lấy một cán cuốc (dài 1,3m, đường kính 7cm) và quay xuống ao, hai tay giơ cán cuốc lên định vụt Tr”. Từ hành vi phòng vệ nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, Tr thực hiện hành vi phòng vệ có chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người.

Như vậy, để gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật của S, Tr buộc phải giật lấy cán cuốc trong tay S và tấn công S trước khi S kịp sử dụng để đánh mình. Tuy nhiên, hậu quả là S chết, việc này nằm ngoài ý thức chủ quan của Tr, vì Tr chỉ muốn tự vệ trước S mà không có ý định tước đoạt mạng sống của S. Và Tr cũng không phải lợi dụng tình trạng sau khi anh S say rượu để cố tình tạo nên mâu thuẫn để có hành vi giết anh S.

Thứ hai, Võ Thị Tr không phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Theo Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải thích: “Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” được quy định trong cấu thành của một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người của BLHS năm 1985. Do hiện nay chưa có văn bản mới được ban hành để thay thế nên đến nay khi xác định tình tiết “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” ta có thể tham khảo nghị quyết trên. Căn cứ vào điểm b điều 1 Chương 2 Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986: “Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng (theo Điều 13) hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (theo Điều 102).”

Như vậy, mặc dù Võ Thị Tr bị hành vi trái pháp luật của anh S có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm xảy ra vụ việc trên hành vi trái pháp luật của anh S lại tiếp diễn làm cho Võ Thị Tr bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh. Nhưng hành vi trái pháp luật của anh S trong vụ án này xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của Tr một cách trực tiếp cần được pháp luật bảo vệ.

Do đó, Võ Thị Tr phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Và có thể xem xét và áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” cho Tr.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

TAND tỉnh Long An xét xử bị cáo phạm tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng - Ảnh: Bắc Bình

VŨ VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)