Vũ Thị N phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”
Qua nghiên cứu bài viết “Vũ Thị N. có phạm tội hay không?” của tác giả Hoàng Phi Hùng, đăng ngày 28/2/ 2022, theo tôi hành vi của Vũ Thị N. đã có dấu hiệu của tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
Tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” được quy định tại Điều 126 BLHS. Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố:
Một là, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến quyền và các lợi ích của cá nhân người phòng vệ. Hành vi xâm phạm của người này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.
Hai là, về phía người có hành vi phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra cho cá nhân người phòng vệ thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng cho người có hành vi xâm phạm (nạn nhân gây tổn hại về sức khỏe cho người phòng vệ và người phòng vệ cũng gây tổn hại cho nạn nhân).
Ba là, hành vi chống trả lại của người có hành vi phòng vệ là thật sự cần thiết. Sự cần thiết ở đây thể hiện tính không thể không chống trả lại được(buộc phải chống trả), không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Đối chiếu với nội dung vụ án thì hành vi của Vũ Thị N. thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng”. Bởi lẽ:
Xét hành vi của Lê Văn H. tấn công chị N đòi quan hệ tình dục mà không được sự đồng ý của N. là đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của N. (cụ thể là danh dự, nhân phẩm của N) - cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng, vì nếu H. không có hành vi tấn công đòi xâm hại N thì không có phòng vệ chính đáng. Ở đây, hành vi tấn công của H. đối với N vẫn đang xảy ra và chưa kết thúc (giằng co qua lại, N. cắn vào tay H., giật được dao rồi bỏ chạy nhưng bị H kéo lại). Ngoài ra trước đó H. còn có hành vi rút dao đe doạ giết N. nếu không cho quan hệ tình dục thì sẽ bị giết chết.
Đồng thời, xét hành vi tấn công phải có thật và đang diễn ra, đối chiếu với nội dung vụ án cho thấy, H. đã có hành động rút dao đe dọa, bịt miệng N, doạ nằm im nếu không sẽ giết, hai bên có sự giằng co qua lại, chính vì vậy, hành vi tấn công này là có thật, đang diễn ra và đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của N.
Mặt khác, phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công thì hành vi chống trả (phản ứng) của N. (dùng dao giật được của H đâm H ba nhát) đã thỏa mãn điều kiện thứ ba – gạt bỏ sự tấn công và chống trả lại chính người đang có hành vi tấn công mình, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình vì lúc đó H. đang cũng đang kéo N lại.
Như vậy, hành vi của H. đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe danh dự, nhân phẩm của N, thì buộc N phải chống trả (chống đỡ) hành vi trái pháp luật đó nên khẳng định – có cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của N.
Tuy nhiên, xét về sự cần thiết thì hành vi phòng vệ chỉ được coi là chính đáng khi hành vi đó là hành vi chống trả “cần thiết” và ngược lại, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khi hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết (không cần thiết).
Để xác định hành vi phòng vệ là “cần thiết” hay “không cần thiết” thì cần phải xem trong những điều kiện, thời gian, địa điểm và những hoàn cảnh cụ thể xảy ra sự việc, người có hành vi phòng vệ trên cơ sở tự đánh giá về tính chất quan hệ xã hội bị xâm hại, tính chất và mức độ nguy hiểm của công cụ, phương tiện phạm tội, nhân thân người có hành vi xâm hại, cường độ của sự tấn công cũng như những yếu tố khác, để quyết định biện pháp chống trả cũng như mức độ chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp được luật hình sự bảo vệ.
Xem xét hành vi phòng vệ của N (đâm H ba nhát) có thực sự “cần thiết” hay “vượt quá mức cần thiết” không? Theo chúng tôi, với nội dung vụ án như vậy, hành vi phòng vệ của Vũ Thị N, là “vượt quá mức cần thiết”. Vì xem xét toàn bộ một chuỗi (diễn biến) các sự việc trong vụ án cho thấy hành vi của N. chống trả rõ ràng là quá đáng, quá quyết liệt và rất nguy hiểm vượt quá yêu cầu cần thiết vì lúc đó N có thể lựa chọn giải pháp khác như hô hoán mọi người đến giúp đỡ, giằng co để chạy thoát, hoặc đang cầm dao có thể đe doạ H sẽ đâm chứ không cần thiết phải đâm liên tiếp ba nhát vào H. Do đó, theo quan điểm của tôi thì hành vi của Vũ Thị N thỏa mãn các dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng./.
TAND tỉnh Long An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo bị truy tố về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng - Ảnh: Kiên Định
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận