Vướng mắc khi áp dụng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu những quy định của pháp luật hiện hành về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và một số vướng mắc, bất cập.
1.Căn cứ pháp lý
Vay và cho vay là hoạt động dân sự phổ biến trong xã hội hiện nay, mục đích của hoạt động này là nhằm hỗ trợ cho bên đi vay có nguồn vốn để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống và tiêu dùng và đưa dòng tiền vào lưu thông trong thị trường. Bên cạnh những giao dịch vay và cho vay theo quy định của pháp luật, hợp lệ và đảm bảo quyền lợi của các bên trong giao dịch dân sự, còn những hoạt động cho vay lãi với lãi suất cao thậm chí là “cắt cổ” đối với người đi vay mang lại một hệ lụy xấu, ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thể hiện ở 2 hành vi sau đây: Một là, hành vi cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất trong Bộ luật dân sự 2015 và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên. Hai là, hành vi cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất trong BLDS 2015
2. Vướng mắc khi áp dụng
Thứ nhất, theo Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, quy định về thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của BLDS và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Tuy nhiên, người cho vay dùng số tiền đó nhằm vào việc kinh doanh và khoản kinh doanh tạo ra lợi nhuận hoặc người cho vay mang khoản thu lợi từ việc cho vay trước mang cho người khác vay thì khoản lợi từ số tiền đó được coi là thu lợi bất chính không?
Ví dụ: Anh A cho anh B vay số tiền 500.000.000 đồng với lãi suất 30%/ tháng trong thời gian 2 tháng. Anh A thu lợi bất chính từ việc cho anh B vay là (500.000.000 x 2 x 30%) – ( 500.000.000 x 1,67% x 2) = 283.000.000 đồng. Anh A lấy số tiền 283.000.000 đồng mang đi kinh doanh bất động sản và thu lợi được khoản tiền 200.000.000 đồng thì khoản thu lợi này có được coi là thu lợi bất chính không?
Vấn đề này xảy ra 2 quan điểm.
Quan điểm 1: Cho rằng số tiền thu lợi được từ hành vi phạm tội đối với anh B mà anh A dùng vào việc kinh doanh mà thu lợi thì đây được coi là thu lợi bất chính bởi anh A dùng số tiền lãi từ hoạt động kinh doanh xuất phát từ hành vi phạm tội.
Quan điểm 2: Cho rằng đây không phải khoản thu lợi bất chính bởi Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã quy định thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của BLDS và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Số tiền đó không thuộc các khoản thu lợi bất chính được quy định.
Thứ hai, đó là các khoản thu trái pháp luật, pháp luật hình sự và nghị định chưa quy định cụ thể là khoản thu trái pháp luật gồm những khoản thu nào. Để tránh việc bị xử lý hành chính hoặc hình sự một số đối tượng cho vay nặng lãi sẽ đưa lãi suất cho vay thấp xuống và tăng cao quá mức đối với các khoản phí và khoản phạt đối với người cho vay. Các khoản thu trái pháp luật có thể là phí trả quá hạn, các khoản “cắt phế” khi đi vay( như việc một người đi vay 10 sẽ bị cắt phế mất 1) hoặc có thể là phạt hợp đồng vay khi trả chậm.
Tôi xin lấy một ví dụ sau: Do làm ăn thua lỗ anh M vay số tiền 500.000.000 đồng của anh Trần Trung D với lãi suất 5.000 đồng/ ngày trong thời hạn 60 ngày phải trả đủ gốc và lãi, sau 30 ngày thì thu lãi 1 lần, hai bên thỏa thuận là khi trả chậm lãi hoặc trả chậm gốc anh M phải chịu phạt 20% số tiền vay đồng thời chịu 20.00.000 đồng tiền phí thu hồi nợ.
Khi tính các khoản thu trái pháp luật để xử lý anh Trần Trung D có hai quan điểm là:
Quan điểm 1: Khoản phạt 20% khi trả chậm lãi hoặc gốc và khoản tiền 20.000.000 đồng phí thu hồi nợ là khoản tiền mà hai bên đã thỏa thuận trong giao dịch dân sự. Điều này không thuộc trường hợp pháp luật cấm và hai bên đã tự nguyện trong giao dịch dân sự nên không tính những khoản đó vào các khoản thu trái pháp luật để xử lý hình sự đối với D.
Quan điểm 2: Khoản phạt 20% khi trả chậm lãi hoặc gốc là khoản thu trái pháp luật vì khoản phạt đó là quá cao, anh D lợi dụng tình trạng khó khăn của anh M để nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật một cách tinh vi đồng thời 20.000.000 đồng tiền phí thu hồi nợ cũng là một khoản thu trái pháp luật.
Quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm 1 cho rằng những khoản thu đó không phải khoản thu trái pháp luật, bởi nguyên tắc tối thượng trong giao dịch dân sự là sự thỏa thuận, việc anh M và anh J thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng vay là sự thỏa thuận của hai bên. Vì lý do cần tiền nên anh M chấp nhận rằng việc đi vay tiền nhanh và sẽ chấp nhận được những rủi ro mà việc đi vay mang lại.
3. Kiến nghị
Từ những vướng mắc trên, tác giả kiến nghị cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về xác định thu lợi bất chính đặc biệt xác định cụ thể thế nào là thu lợi bất chính, khoản thu trái pháp luật. Khi người đi vay đang trong tình trạng khó khăn và cần tiền nhanh họ thường khó nhận biết hậu quả, khi đến hạn trả lãi họ với “vỡ lẽ” rằng đây là một khoản vay khó có thể trả được. Do đó, với tình trạng phạm tội ngày càng tinh vi, các đối tượng sẽ tìm nhiều thủ đoạn để không bị xử lý thì cần có hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn về điều khoản này nhằm đảm bảo cho những giao dịch cho vay được an toàn, tạo điều kiện cho phát triển xã hội.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An khám xét một cơ sở cầm đồ của nhóm "tín dụng đen" - Ảnh: Thành Châu
Bài liên quan
-
Huỳnh Xuân T phải bị xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 173 với tình tiết định khung hình phạt tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015
-
Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của BLHS năm 2015 – Một số vướng mắc và kiến nghị
-
Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS
-
Một số vướng mắc, bất cập về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của BLHS và giải pháp hoàn thiện
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận