Vướng mắc trong công tác thi hành án treo, cần có giải pháp tháo gỡ
Công tác thi hành án treo đối với người bị kết án đang tồn tại một thực trạng do bất cập của pháp luật, gây không ít khó khăn cho Tòa án, đặc biệt là không đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa được quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013, cần được tháo gỡ.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được quy định rõ tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BTTHS), Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS), Thông tư số 181/TT-BQP ngày 03/12/2019 của Bộ Quốc phòng (Thông tư số 181/TT-BQP), thời gian qua công tác thi hành án treo đối với người bị kết án cơ bản được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức thi hành nghiêm túc, thuận lợi, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại một thực trạng do bất cập của pháp luật, gây không ít khó khăn cho Tòa án, đặc biệt là không đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa được quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013.
Vướng mắc trong thực tiễn
Để làm rõ khó khăn nêu trên, tác giả xin nêu ra một vụ án cụ thể đã xảy ra trong thực tiễn đang gặp vướng mắc, cần được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có hướng dẫn kịp thời như sau:
Nguyễn Văn C là Trung sỹ, Tiểu đội trưởng, Đại đội 2, Ban chỉ huy quân sự huyện E, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh G, ngày 27/2/2019 bị Tòa án quân sự QK A xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, giao C cho Cơ quan quân sự huyện E, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh G giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách (vì trong thời gian này, C đang thuộc sự quản lý của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh G). Sau khi C bị Tòa án quân sự QK A kết án, ở thời điểm Bản án của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật, ngày 4/3/2020 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh G quyết định cho quân nhân C xuất ngũ và bàn giao C cho chính quyền địa phương nơi C cư trú quản lý.
Được đơn vị thông báo cho quân nhân C xuất ngũ, trả về địa phương và hiện C không thuộc sự quản lý của đơn vị quân đội nữa, nhưng theo quy định của pháp luật thì việc Tòa án ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án phải căn cứ vào quyết định của bản án. Vì vậy, căn cứ Điều 343, Điều 367 BLTTHS năm 2015, Điều 21 Luật THAHS năm 2019, ngày 31/3/2020 Tòa án quân sự QK A ra quyết định thi hành án treo đối với người bị kết án C và chuyển giao quyết định thi hành án treo, bản án có hiệu lực pháp luật của người bị kết án cho Cơ quan thi hành án hình sự QK A tổ chức thi hành.
Tuy nhiên, sau khi nhận được quyết định thi hành án, bản án của Tòa án quân sự QK A, Cơ quan thi hành án hình sự QK A trả lại quyết định thi hành án và bản án của bị án cho Tòa án quân sự QK A, với lý do: Người bị kết án C đã được đơn vị quyết định xuất ngũ trước khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, hiện C không thuộc sự quản lý của Quân đội; theo quy định tại Điều 15; điểm c, khoản 2 Điều 84; Điều 85 Luật THAHS năm 2019; điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư số 181/TT-BQP thì Cơ quan thi hành án hình sự QK A chỉ quản lý, theo dõi và tổ chức thi hành án treo đối với người bị kết án thuộc đơn vị quân đội quản lý; trường hợp này thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện E và chính quyền địa phương nơi người bị kết án C cư trú.
Sau khi nhận lại toàn bộ hồ sơ thi hành án, Tòa án quân sự QK A tiếp tục chuyển giao hồ sơ thi hành án của người bị kết án C cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện E nơi C đang cư trú thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện E cũng không nhận hồ sơ tổ chức thi hành án treo đối với C, vì cho rằng: Quyết định, bản án sơ thẩm của Tòa án quân sự QK A đã tuyên giao bị cáo C cho Cơ quan quân sự huyện E, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh G giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách; việc tổ chức thi hành án treo, quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục C không thuộc thẩm quyền của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện E.
Quyết định không được thi hành
Với quan điểm của người phản ánh thực trạng và nghiên cứu nội dung, thấy rằng: Việc Cơ quan Thi hành án hình sự QK A và Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện E không tiếp nhận và hoàn trả lại toàn bộ hồ sơ thi hành án của người bị kết án C cho Tòa án quân sự QK A, với những lý do được nêu cụ thể ở trên là hoàn toàn có cơ sở pháp lý, bởi lẽ: Luật THAHS năm 2019 và các văn bản hướng dẫn có liên quan mới chỉ quy định trình tự, thủ tục giải quyết trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc trong quá trình chấp án; còn đối với trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc tại thời điểm sau khi Tòa án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật, hay nói cách khác là người bị kết án thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc khi chưa có quyết định thi hành án của Tòa án thì pháp luật hiện hành chưa có văn bản quy phạm điều chỉnh đến. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ pháp luật phù hợp để tiến hành các thủ tục giao cho cơ quan có thẩm quyền thi hành đúng quy định.
Chính những bất cập trên, dẫn đến tình trạng khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án không biết giao cho cơ quan, đơn vị nào giám sát, quản lý, giáo dục người bị kết án treo trong thời gian thử thách và từ đó tới nay quyết định thi hành án treo đối với người bị kết án không thể thi hành được. Không những thế, hậu quả kéo theo là việc thi hành bản án đang treo lơ lửng, người bị kết án đang tự do ngoài xã hội không sự quản lý, không sự theo dõi, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và một điều cần nói là việc kết án họ chỉ tồn tại trên giấy tờ, không đảm bảo được mục đích trừng trị, giáo dục, răn đe người phạm tội, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin công lý trong quần chúng nhân dân. Và hậu quả khôn lường đằng sau việc bản án không thi hành được là người bị kết án không thể thực hiện quyền lợi của mình trong việc xóa án tích, vì không chấp hành quyết định hình phạt của bản án đã tuyên thì đương nhiên không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, mà không có giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt thì không có cơ sở pháp lý để Cơ quản quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích và như thế người bị kết án suốt đời cứ đeo đẳng mãi án tích.
Kiến nghị
Từ thực trạng nêu trên, để đảm bảo nguyên tắc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành; mục đích trừng trị, giáo dục, răn đe người phạm tội và công tác đấu tranh chống và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật đạt được hiệu quả trên thực tế; đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn thực tại của Tòa án đang diễn ra, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn điều chỉnh bổ sung kịp thời vấn đề bất cập được nêu ở trên, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để Tòa án có cơ sở, căn cứ pháp lý rõ ràng trong việc ra quyết định thi hành án treo giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân cấp xã nào giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách và các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền trong tổ chức thi hành quyết định thi hành án treo đối với người được hưởng án treo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, cụ thể theo hướng sau:
“Trong trường hợp, bản án đã tuyên quyết định giao người được hưởng án treo cho đơn vị thuộc lực lượng Quân đội nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc quản lý, giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, nhưng trong thời điểm bản án chưa có hiệu lực pháp luật, người được hưởng án treo chưa chấp hành quyết định thi hành án treo của Tòa án mà có sự thay đổi nơi làm việc, nơi cư trú hoặc không thuộc sự quản lý của đơn vị thuộc lực lượng Quân đội nhân dân quản lý thì Tòa án không căn cứ vào quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật để ra quyết định thi hành án, mà phải căn cứ vào nơi người được hưởng án treo đang cư trú, làm việc trên thực tế tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật để xác định cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định của Tòa án và cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách.
Trình tự giải quyết trường hợp trên được thực hiện như sau: Trên cơ sở Bản án đã tuyên về tội danh, hình phạt và những nội dung khác có liên quan, Tòa án cần phải căn cứ vào tài liệu có giá trị chứng minh người được hưởng án treo đã thay đổi nơi làm việc, nơi cư trú, như: Quyết định xuất ngũ, Quyết định điều chuyển công tác, Sổ tạm trú, Sổ hộ khẩu có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú...do người được hưởng án treo, gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội cung cấp để ra quyết định thi hành án treo đối với người được hưởng án treo; toàn bộ các tài liệu chứng minh, Bản án đều phải được kèm theo quyết định thi hành án treo và bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án hình sự chịu trách nhiệm thi hành được nêu trong quyết định thi hành án treo có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định đúng quy định”.
Trên đây là những vướng mắc, kiến nghị trong công tác thi hành án treo, rất mong được sự góp ý, trao đổi của cán bộ đồng nghiệp.
HĐXX TAND huyện Cần Đước, Long Anh tuyên phạt hai bị cáo H. và N (phạm tội khi chưa thành niên) mức án 3 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” nhưng cho hưởng án treo - Ảnh: Kiên Định
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận