Vướng mắc trong thực tiễn xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội – Một số kiến nghị, đề xuất
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi bàn về một số quy định của pháp luật hình sự năm 2015 về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội và vướng mắc trong thực tiễn xét xử.
Người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) là người đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý và nhân cách sống. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 thì người chưa thành niên được hiểu là: “Người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương; đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự”. Chính vì vậy mà họ có những đặc điểm tâm lý riêng và được Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định thành chương riêng về đường lối, trình tự, thủ tục xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015, chương XXVIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội).
1. Một số quy định của BLHS năm 2015 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91 BLHS năm 2015.
Thứ nhất, so với Điều 69 BLHS năm 1999 thì khoản 1 Điều 91 BLHS năm 2015 đã bổ sung nguyên tắc: “Việc xử lý người dưới 18 phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”. Đây là nguyên tắc mang tính chỉ đạo, thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xử lý người chưa thành niên phạm tội. Với mục đích chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời thấy được tính chất của tội phạm và sự nghiêm minh của pháp luật chứ không đề cập trực tiếp đến mục đích trừng trị.
Thứ hai, trên cơ sở kế thừa khoản 2 Điều 69 BLHS năm 1999 thì khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 cũng quy định người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luât và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục. Theo đó, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục gồm:
(1) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại: Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cửa người khác), Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 171 (tội cướp giật tài sản), Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (tôi tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy, Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy).
(2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015, đó là phạm tội rất nghiêm trọng thuộc một trong 28 tội danh mà BLHS năm 2015 quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại: Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy).
(3) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Như vậy, so với BLHS năm 1999 thì khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 đã mở rộng đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự đối với cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; đồng thời quy định cụ thể điều kiện miễn trách nhiệm hình sự và bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với các đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự nhằm đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả áp dụng của chế định pháp lý này.
Thứ ba, việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp thật cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục và biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được quy định tại mục 2 và mục 3 chương XII của BLHS năm 2015, gồm: Khiển trách (Điều 93), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95) và biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96). Trước đây BLHS năm 1999 chỉ quy đinh chung chung người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thì sẽ có gia đình hoặc cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nhưng BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Đồng thời, quy định độ tuổi của từng loại tội phạm được áp dụng và nghĩa vụ của người bị áp dụng phải thực hiện đối với từng biện pháp. Trên cơ sở quy định của BLHS năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) cũng đã bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội từ Điều 426 đến Điều 430 của Bộ luật và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chỉnh phủ, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ công an – Bộ tư pháp – Bộ lao động thương binh xã hội về việc phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06/2018).
Về hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại mục 4 chương XII của BLHS năm 2015 gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là biện pháp cuối cùng.
Thứ tư, là nguyên tắc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tính chất giảm nhẹ được thể hiện ở những quy định về loại và mức hình phạt có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
2. Những vướng mắc trong thực tiễn
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật trong xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn còn một số vướng mắc:
Một là, việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét xử. Theo quy định của BLHS năm 2015: Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 91 của Bộ luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của BLHS năm 2015 thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo quy định tại mục 2 Chương XII của Bộ luật hình sự.
Thực tiễn xét xử, rất ít khi Tòa án áp dụng quy định người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS. Bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, vì điều luật quy định “có thể” cho miễn trách nhiệm hình sự tức là quy định tùy nghi, không bắt buộc nên Thẩm phán có quyền lựa chọn, nếu xét thấy bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đã tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 nhưng Thẩm phán thường chọn giải pháp là xử bị cáo hình phạt Cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Mặc khác, mặc dù BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015 đã quy định đầy đủ về thẩm quyền, nghĩa vụ, thời hạn và trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục nhưng hiện chưa có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn riêng về các biễu mẫu áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đối với những trường hợp trên nên Thẩm phán của các Tòa án địa phương rất ít khi áp dụng các biện pháp này.
Nghiên cứu 60 biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán chúng tôi thấy rằng các biểu mẫu này chỉ hướng dẫn chung cho thủ tục tố tụng của một vụ án hình sự.
Một nguyên nhân khác nữa là khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định một trong các điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự là họ phải có “nhiều tình tiết giảm nhẹ” và theo thiết kế về kỹ thuật lập pháp của BLHS thì có từ hai tình tiết trở lên là nhiều nhưng không quy định rõ các tình tiết giảm nhẹ này đều ở khoản 1 Điều 51 hay cả khoản 1, 2 Điều 51 BLHS. Trong khi tham khảo Điều 54 BLHS năm 2015 quy định rất rõ trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng thì phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Với quy định chưa rõ ràng như vậy cũng tạo sự thiếu thống nhất trong xét xử nên các Thẩm phán rất khó áp dụng mà hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này.
Ví dụ: Theo hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 35/2019/TLST-HS ngày 05/2/ 2019 của TAND huyện B, tỉnh Q thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Bị cáo Nguyễn Văn A là người chưa thành niên làm phụ xe chở gỗ keo cho anh T và là người yêu của chị C đã thành niên. Nguyễn Văn A, chị C và chị M thuê nhà trọ để ở cùng. Trong quá trình thuê trọ, chị C đánh bạc thua tiền nên cầm xe máy của mình rồi nói lại cho A biết là đã cầm xe máy đánh bạc thua tiền và không có tiền chuộc xe lại; nghe vậy A nghĩ đến việc kiếm tiền chuộc xe cho người yêu. Do bị cáo làm phụ xe cho anh T nên biết anh T có để hai hóa đơn cân gỗ keo trên cabin xe nên bị cáo đã lén lút trộm cắp hai hóa đơn trên đến nhà máy cân keo đổi được 19 triệu đồng. Sau đó, bị cáo lấy số tiền này chuộc lại xe cho người yêu hết 7 triệu đồng, số tiền còn lại bị cáo tiêu xài cá nhân hết 1 triệu đồng. Sau khi hành vi bị phát hiện, bị cáo đã tự nguyện đem trả cho anh T số tiền 11 triệu đồng và bị cáo đã tác động bố mẹ bị cáo bồi thường số tiền còn lại cho anh T và anh T có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Khi phạm tội bị cáo Nguyễn Văn A chưa đủ 18 (Đến ngày thực hiện hành vi phạm tội bị cáo 16 tuổi 11 tháng 06 ngày) và bị VKSND huyện B truy tố về tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS sự năm 2015. TAND huyện B đã căn cứ khoản 1 Điều 173; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 91, Điều 98, Điều 100 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Nguyễn Văn A 06 tháng cải tạo không giam giữ với nhận định: Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội ở độ tuổi chưa thành niên (khi phạm tội bị cáo mới 16 tuổi 11 tháng 06 ngày) nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo cùng gia đình bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại, người bị hại đã có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và tại phiên tòa cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Chúng tôi thấy rằng, với vụ án trên, căn cứ quy định của pháp luật hình sự thì bị cáo Nguyễn Văn A hoàn toàn vẫn có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế định miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; trong khi BLHS và BLTTHS hiện hành vẫn còn nhiều quy định chung chung, chưa rõ và khó áp dụng nên các Thẩm phán thường không áp dụng để đảm bảo an toàn.
Hai là, việc đánh giá tâm lý người dưới 18 tuổi của Hội đồng xét xử: Mỗi cá nhân người chưa thành niên có môi trường sống khác nhau nên cách nhìn nhận của họ về cuộc sống, về xã hội cũng khác nhau. Do vậy, Hội đồng xét xử mà trước hết là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải thấu hiểu và có cái nhìn đúng về mỗi cá nhân là người chưa thành niên khi phạm tội, để đánh giá chứng cứ và xác định hình phạt cho chính xác nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Theo quy định tại Điều 415 của BLTTHS năm 2015 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của TANDTC thì việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên; đối với các Tòa án chưa tổ chức được Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử các vụ án này do Thẩm phán chuyên trách thực hiện, là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Mặc dù hiện nay chưa thành lập được Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án địa phương nhưng trong giai đoan đang tinh giản biên chế hiện nay thì số lượng Thẩm phán không tăng nhưng số lượng các loại vụ án ngày càng tăng với tính chất ngày càng phức tạp. Cho nên, việc phân công các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cho một Thẩm phán chuyên trách đảm nhận là rất khó thực hiện, thực tế các Tòa án địa phương chủ yếu phân đều cho các Thẩm phán trong đơn vị cùng giải quyết. Trong số các Thẩm phán này có Thẩm phán có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi và có Thẩm phán chưa có kinh nghiệm và tất cả các Thẩm phán này đều chưa được đào tạo về tâm lý học, khoa học giáo dục về tâm lý người dưới 18 tuổi. Thực tế hiện nay trong hệ thống Tòa án và các tổ chức giáo dục chưa có những lớp tập huấn riêng về tâm lý người chưa thành niên phạm tội nên việc hiểu tâm lý để đánh giá ý thức phạm tội của người chưa thành niên của mỗi Thẩm phán, Hội đồng xét xử là khác nhau, phụ thuộc chủ yếu vào ý thức chủ quan của mỗi Thẩm phán và Hội đồng xét xử.
Ba là việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế:
Theo quy định tại Điều 419 BLTTHS 2015: Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ tuổi 18 trở lên.
– Căn cứ, điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ có thể bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 nếu có căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và các căn cứ tạm giam quy định tại các Điều 110, 111, 112 và điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và các căn cứ tạm giam quy định tại các điều 110, 111, 112 và các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015. Bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm thì cũng có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam thì người ra các lệnh trên phải thông báo cho người đại diện của họ biết.
Trên cơ sở quy định của BLTTHS 2015 thì Thông tư liên tịch số 06/2018 hướng dẫn: “Trường hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam. Bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm” (Điều 12).
Nghiên cứu các quy định trên cho thấy: Đối với biện pháp bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2018 hướng dẫn khi có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm. Như vậy, theo hướng dẫn này thì “có đủ căn cứ” tức là các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân, tình trạng tài sản của bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 121, 122 của BLTTHS 2015. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình thực hiện do BLHS quy định chủ yếu là các tội phạm rất nghiêm trọng (theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015 có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 07 đến 15 năm tù), tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù), nhất là đối với người từ đủ 14 đến đến dưới 16 tuổi. Cho nên, quy định này trong thực tiễn áp dụng biện pháp này đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi vẫn còn nhiều vướng mắc là có đối tượng bị loại trừ hay không?. Ví dụ: bị can, bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 123; khoản 4, khoản 5 Điều 134 hoặc các tội được quy định tại Điều 249, 250, 251, 252 Bộ luật hình sự mà bị can, bị cáo là đối tượng nghiện ma túy;….thì có được cho bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm? Và đối với việc đặt tiền để bảo đảm mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi không có tài sản riêng thì có áp dụng biện pháp này hay không? Bị can, bị cáo phạm tội nhiều lần, v.v…
Trước đây, để thực hiện Điều 93 BLTTHS năm 2003; Thông tư liên tịch số 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC-VKSNDTC-TANDTCngày 14/11/2013 đã hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, tình tự, thủ tục áp dụng, hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm; trả lại tiền đã đặt cọc để bảo đảm. Theo đó, tại Điều 3 Thông tư quy định về điều kiện để Thẩm phán quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp của họ. Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 còn quy định điều kiện loại trừ, đó là những trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm nếu thuộc một trong các trường hợp sau: “……; bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; bị tạm giam trong trường hợp bắt theo lệnh, quyết định truy nã; bị can, bị cáo là người nghiện ma túy;….”.
Qua nghiên cứu Thông tư liên tịch số 04/2018 ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 cũng chỉ hướng dẫn về thủ tục chung về việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm (Điều 21, Điều 22) chứ không có quy định về thủ tục áp dụng riêng biệt đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng như các cơ quan tư pháp Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm cho đối tượng bị buộc tội là người 18 tuổi nên thực tiễn áp dụng pháp luật của các Tòa án địa phương nói riêng và các cơ quan có thẩm quyền tố tụng nói chung còn gặp nhiều khó khăn.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Để đảm bảo quyền quyền lợi của người dưới 18 tuổi phạm tội và áp dụng pháp luật được thống nhất. Theo chúng tôi, các cơ quan tư pháp Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015. Đồng thời, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có Nghị quyết ban hành các biễu mẫu hướng dẫn riêng đối với những trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Chương XII của BLHS.
Thứ hai, các cơ quan Tư pháp Trung ương, hệ thống Tòa án và các tổ chức giáo dục cần có những lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người người dưới 18 tuổi cho các cơ quan tư pháp, cán bộ Đoàn thanh niên và giáo viên, nhà trường,… Trong đó, trước mắt là đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cho đội ngũ điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
Thứ ba, các cơ quan tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm và biện pháp bảo lĩnh đối với đối tượng bị buộc tội là người 18 tuổi để các Tòa án địa phương có căn cứ áp dụng thống nhất pháp luật
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
3 Bình luận
Đinh Thành Long
18:41 11/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Nguyễn Phan Khiêm
18:41 11/01.2025Trả lời
gia kien
18:41 11/01.2025Trả lời