Vướng mắc trong xử lý tình huống phát sinh tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa hình sự sơ thẩm

Qua thực tiễn xét xử, chúng tôi thấy rằng có một số tình huống phát sinh tại phần thủ tục phiên tòa nhưng vẫn còn có nhiều quan điểm để giải quyết.

Trong hoạt động tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng, Tòa án luôn giữ vai trò là trung tâm. Trong đó, xét xử tại phiên tòa được xem là hoạt động quan trọng nhất. Thông qua phiên tòa, các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự được bảo đảm thực hiện công khai, dân chủ và bình đẳng. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án kiểm tra công khai tính đúng đắn của các hoạt động tố tụng trước đó của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, mà ở đó các tài liệu chứng cứ của vụ án thu thập trong quá trình điều tra đều được xem xét, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được nghe trực tiếp lời khai, được tranh luận những điều mà tại Cơ quan điều tra họ không có điều kiện thực hiện.

Tại phiên tòa, kỹ năng điều hành các hoạt động của Hội đồng xét xử (HĐXX) nói chung và của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nói riêng là hết sức quan trọng, cho nên đòi hỏi HĐXX mà đặc biệt là vai trò của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, phải tập trung trí tuệ, xử lý các tình huống một cách linh hoạt, các hành động và lý lẽ đưa ra không chỉ đòi hỏi chính xác mà còn phải có sức thuyết phục đồng thời phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

 Tuy nhiên, có một số vướng mắc trong xử lý tình huống phát sinh tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.

Tình huống 1: Khi giải thích về quyền nhờ người khác bào chữa, bị cáo (là người đã thành niên) đề nghị Tòa cho phép anh trai của bị cáo đang là giảng viên của trường Đại học Luật bào chữa cho bị cáo (anh trai của bị cáo đang có mặt tại phiên tòa).

Để xử lý tình huống này, hiện nay có hai quan điểm:

Quan điểm 1 cho rằng: Vì bị cáo là người đã thành niên, không bị nhược điểm về thể chất, tinh thần; mặt khác anh trai của bị cáo không phải là Luật sư, người đại diện của bị cáo, bào chữa viên nhân dân, nên không xác định anh trai của bị cáo là người đại diện của người bị buộc tội do đó không chấp nhận đề nghị của bị cáo.

Quan điểm 2 cũng là quan điểm của chúng tôi cho rằng: Theo quy định của BLDS năm 2015 thì có hai loại người đại diện đó là:  Người đại diện theo pháp luật (là người đại diện do pháp luật Nhà nước quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định như: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ,…) và người đại diện theo ủy quyền là người đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Do đó trường hợp này, HĐXX phải hỏi bị cáo có ủy quyền anh trai của bị cáo để thực hiện quyền tự bào chữa cho bị cáo không; sau đó hỏi anh trai của bị cáo có nhất trí với đề nghị của bị cáo không; nếu nhất trí thì trường hợp này xác định anh trai của bị cáo là người đại diện của người bị buộc tội và HĐXX chấp nhận đề nghị của bị cáo và xác định anh trai của bị cáo tham gia phiên tòa với tư cách là người bào chữa cho bị cáo (để đảm bảo thủ tục chặt chẽ yêu cầu bị cáo làm văn bản ủy quyền cho anh trai; đồng thời ghi nội dung ủy quyền vào biên bản phiên tòa).

Tình huống 2: Bị cáo, đương sự không đồng ý với việc công bố bản án trên cổng thông tin điện tử của TANDTC?

Theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP thì việc giải thích cho các thành phần tham gia tố tụng về việc công bố bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án sau khi đã được mã hóa lên cổng TTĐT TANDTC là quy định bắt buộc. Do đó, ngay sau khi thụ lý, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để xác định bản án của vụ án đó có được Công bố (Điều 3 Nghị quyết 03/2017) hay không được Công bố (Điều 4 của Nghị quyết 03/2017). Trường hợp tại phiên tòa nếu bị cáo hoặc thành phần tham gia tố tụng khác không đồng ý với việc Công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC thì HĐXX phải hỏi họ lý do đề nghị không công bố. Nếu lý do họ đưa ra có căn cứ xác định theo Điều 4 của Nghị quyết 03/2017 thì HĐXX chấp nhận; nếu lý do họ đưa ra không có căn cứ thì HĐXX không chấp nhận.

Tuy nhiên từ thực tiễn chúng tôi thấy rằng mỗi phiên tòa, mỗi Chủ tọa phiên tòa lại giải thích về nội dung này khác nhau, vì vậy để đảm bảo sự thống nhất, chúng tôi đề xuất giải thích về việc Công bố bản án, Quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC như sau:

Trường hợp được công bố:

Theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017 ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án. Bản án, quyết định của Tòa án khi có hiệu lực pháp luật phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án (trừ các bản án, quyết định không được công khai). Đối chiếu với quy định của pháp luật, thì bản án này thuộc trường hợp được công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.

 Trường hợp không được công bố:

 Theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017 ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án. Bản án, quyết định của Tòa án khi có hiệu lực pháp luật phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án (trừ các bản án, quyết định không được công khai). Đối chiếu với quy định của pháp luật, thì trong vụ án này có…………………………………… (một trong các căn cứ quy định tại Điều 4 của Nghị quyết 03/2017) do đó bản án này không thuộc trường hợp được công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Tình huống 3: Bị hại cung cấp USB có hình ảnh bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, băng ghi âm có nội dung liên quan đến vụ án.

Để xử lý tình huống này, HĐXX đề nghị bị hại cung cấp USB hoặc băng ghi âm lên bàn Thư ký và yêu cầu Thư ký lập biên bản giao nhận những tài liệu trên. Hiện nay khi xử lý tình huống này có 02 quan điểm giải quyết:

Quan điểm 1 cho rằng: HĐXX sau khi tiếp nhận những tài liệu trên thì xem hoặc nghe luôn những nội dung được chứa đựng trong USB hoặc băng ghi âm; sau đó quyết định việc chấp nhận hoặc không chấp nhận những tài liệu đó. Nếu chấp nhận thì HĐXX phải vào phòng nghị án và ra Quyết định hoãn phiên tòa để tiến hành xác minh tính chính xác những tài liệu trên

Quan điểm 2  cũng là quan điểm của chúng tôi cho rằng: HĐXX sau khi tiếp nhận những tài liệu trên thì HĐXX tiếp tục tiến hành xét xử; việc HĐXX quyết định xuất chứng những tài liệu trên được diễn ra trong phần tranh tụng tại phiên tòa; nếu những nội dung trong USB, băng ghi âm phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì chấp nhận những tài liệu đó; nếu những nội dung đó làm thay đổi bản chất của vụ án (ví dụ người phạm tội không phải là bị cáo tại phiên tòa,….) thì HĐXX phải vào phòng Nghị án và ra Quyết định hoãn phiên tòa để tiến hành xác minh chính xác những tài liệu trên.

Trên đây là một số tình huống phát sinh tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và hướng xử lý, rất mong nhận được ý kiến thảo luận, đóng góp từ bạn đọc.

 

Tòa án huyện Tân Sơn, Phú Thọ khai mạc phiên tòa hình sự - Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn

 

 

 

VŨ TUẤN DŨNG, VŨ TUẤN HAI (Thẩm phán TAQSKV Quân khu 3)