XÁC ĐỊNH ÁN PHÍ TRONG TRƯỜNG HỢP YÊU CẦU PHẢN TỐ TRONG VỤ ÁN LY HÔN
Do chồng nhậu nhẹt, cờ bạc không lo cho vợ con nên chị Lê Thị Thu đã nộp đơn xin ly hôn với anh Nguyễn Văn Hoàng. Chị Thu xin được nuôi con chung, không yêu cầu anh Hoàng cấp dưỡng nuôi con. Ngoài ra, chị Thu trình bày là vợ chồng không có tài sản chung và cũng không nợ ai. Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn thì anh Hoàng cho rằng trong thời kỳ hôn nhân, hai vợ chồng có tài sản chung là 100 triệu đồng, hiện do chị Thu đang giữ nên anh Hoàng đã nộp đơn yêu cầu phản tố đề nghị Toà án buộc chị Thu phải có trách nhiệm chia cho mình 50 triệu đồng. Anh Hoàng đã nộp 1.250.000đ tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng.
Hòa giải không thành, nên Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T đã xét xử vụ án trên. HĐXX đã tuyên: Chấp nhận yêu cầu, cho chị Thu ly hôn với anh Hoàng; giao con chung cho chị Thu nuôi dưỡng, anh Hoàng không phải cấp dưỡng nuôi con chung. Đồng thời, HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu phản tố của anh Hoàng.
Đối với phần án phí, HĐXX đã buộc chị Thu phải chịu 300.000đ án phí HNST. Anh Hoàng không phải chịu án phí DSST và nhận lại toàn bộ tạm ứng án phí đã nộp.
Từ trường hợp nêu trên, đã xuất hiện các quan điểm về cách tính án phí đối với yêu cầu phản tổ của anh Hoàng trong vụ án:
Quan điểm thứ nhất: Lý giải việc anh Hoàng không phải chịu án phí DSST cho rằng: căn cứ vào Khoản 7, Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 (gọi tắt là Nghị quyết 326), Quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có hiệu lực vào ngày 01/1/2017 thì trong trường hợp này do không chấp nhận việc chia tài sản chung, nghĩa là anh Hoàng không được nhận phần tài sản nào trong phạm vi yêu cầu giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng nên tuyên anh Hoàng không phải chịu án phí đối với quan hệ chia tài sản chung của vợ chồng.
Quan điểm thứ hai: Trong trường hợp này, anh Hoàng là bị đơn và có yêu cầu phản tố là buộc chị Thu phải chia tài sản chung, nhưng yêu cầu phản tố của Hoàng đã không được toà án chấp nhận nên anh phải chịu án phí theo qui định tại Khoản 5, Điều Điều 27 của Nghị quyết 326: “Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận”
Cụ thể, trong trường hợp này, anh Hoàng yêu cầu chị Thu chia 50 triệu đồng nên Hoàng phải chịu 2,1 triệu đồng tiền án phí DSST.
Quan điểm thứ ba: Cho rằng anh Hoàng phải chịu án phí đối với yêu cầu phản tố không được Toà án chấp nhận là phù hợp nhưng mức án phí mà Hoàng chịu chỉ là 300.000đ vì:
Để xác định chính xác mức án phí mà anh Hoàng phải chịu thì chúng ta cần căn cứ vào bản chất của yêu cầu phản tố của anh Hoàng là có hai yêu cầu cụ thể:
– Thứ nhất là yêu cầu xác định trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng thì anh và chị Thu có tài sản chung là 100 triệu đồng mà chị Thu đang giữ.
– Thứ hai là yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng và buộc chị Thu phải chia tài sản mà anh Hoàng được chia theo qui định pháp luật.
Do yêu cầu phản tố của anh Hoàng không được chấp nhận, nghĩa là yêu cầu xác định vợ chồng anh có tài sản chung 100 triệu đồng đã không được Toà án chấp nhận. Yêu cầu này là yêu cầu xác định việc có hay không có tài sản chung nên thuộc trường hợp không có giá ngạch nên anh Hoàng phải chịu 300.000đ án phí đối với yêu cầu xác định việc có hay không có tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nếu không được chấp nhận.
Trong bản chất của yêu cầu phản tố của anh Hoàng, yêu cầu thứ nhất là tiền đề để phát sinh yêu cầu thứ hai; nếu yêu cầu thứ nhất không được chấp nhận thì sẽ không tồn tại yêu cầu thứ hai. Và yêu cầu thứ nhất của anh Hoàng không được chấp nhận nên việc chia tài sản chung của vợ chồng không xảy ra và anh Hoàng cũng không nhận phần tài sản nào trong quan hệ chia tài sản chung nên không phải chịu án phí đối với quan hệ pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng.
Từ những phân tích trên, theo quan điểm của cá nhân tác giả thì việc tính án phí theo quan điểm thứ ba là hợp lý nhất. Rất mong qúi bạn đọc trao đổi, góp ý.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận