Xác định hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Bài viết phân tích quy định, nguyên tắc xác định hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh và quy trình tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tác giả kiến nghị: Cần thống nhất chế định này trong Luật Cạnh tranh và Luật Thương mại; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật dân sự và cạnh tranh; ban hành án lệ về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Hoạt động cạnh tranh được Hiến pháp năm 2013 khẳng định là yếu tố cần thiết trong nền kinh tế quốc dân: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Với mục tiêu hoàn thiện chế định cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM), Luật Cạnh tranh năm 2018 đã có những thay đổi khi quy định về hành vi CTKLM bị cấm, về cách xử lý hành vi CTKLM và quan trọng hơn là nguyên tắc áp dụng pháp luật cạnh tranh.
1.Về xác định hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh và quy trình tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại
1.1.Xác định hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
Hành vi khuyến mại nhằm CTKLM là hành vi bị cấm theo Luật thương mại năm 2005.
Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Thương nhân hoạt động thương mại có quyền khuyến mại theo các hình thức khuyến mại được pháp luật quy định. Bên cạnh đó, thương nhân phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan của hoạt động khuyến mại và không được thực hiện các hành vi khuyến mại bị cấm sau: 1) Khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng; 2) Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng; 3) Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi; 4) Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; 5) Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng; 6) Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng khác; 7) Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; 8) Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng; 9) Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; 10) Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 Luật này.
Luật Thương mại năm 2005 liệt kê các hình thức khuyến mại bị cấm, trong đó có hành vi khuyến mại nhằm CTKLM. Tuy nhiên, Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không giải thích hay chỉ rõ các yếu tố cấu thành của hành vi vi phạm. Do vậy, rất khó để xác định hành vi của chủ thể vi phạm về khuyến mại nhằm CTKLM theo Luật Thương mại năm 2005.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn (Vinasun) và bị đơn (Grab). Theo đó, nguyên đơn yêu cầu xác định hành vi vi phạm của bị đơn: (i) Trực tiếp tổ chức thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; (ii) Vi phạm về hoạt động khuyến mại, hành vi khuyến mại của Grab đã vi phạm Luật thương mại năm 2005. Phân tích cơ sở thực tiễn và pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Grab vi phạm pháp luật về khuyến mại: a) Vi phạm quy định về hoạt động xúc tiến thương mại: Vi phạm Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (Nghị định số 37/2006); b) Vi phạm về hoạt động khuyến mại: Hành vi khuyến mại của Grab đã vi phạm Điều 101 Luật thương mại năm 2005.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định hành vi của bị đơn là vi phạm Luật Thương mại năm 2005 về khuyến mại. Cùng quan điểm với cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm trích dẫn Nghị định số 37/2006 đã nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức khuyến mại để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ để khẳng định Grab vi phạm pháp luật về khuyến mại.
Hành vi CTKLM được điều chỉnh theo Luật Cạnh tranh năm 2018.
Theo Luật Cạnh tranh năm 2018, CTKLM là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về hành vi CTKLM bị cấm, đã bỏ hành vi “khuyến mại nhằm CTKLM”, bổ sung hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” bằng hình thức đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về hoạt động “khuyến mại”. Ngoài ra, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi CTKLM được quy định trong các luật khác có dẫn chiếu đến Luật Cạnh tranh năm 2018, điều luật đã bổ sung khoản 7 về “các hành vi CTKLM được quy định tại các luật khác”.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật cạnh tranh
Luật Cạnh tranh năm 2018 điều chỉnh về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi CTKLM; tố tụng cạnh tranh và xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Có thể xác định hành vi khuyến mại nhằm CTKLM tại khoản 9 Điều 100 Luật Thương mại năm 2005 tương đồng và được xem là một dạng hành vi CTKLM khác theo khoản 7 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018. Các yếu tố được dùng để xác định tính không lành mạnh của hành vi khuyến mại là: (i) Khuyến mại là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp; (ii) Hành vi khuyến mại này trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh; (iii) Hành vi khuyến mại này gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi CTKLM và việc xử lý hành vi CTKLM khác với Luật Cạnh tranh năm 2018 thì áp dụng luật đó. Bởi lẽ, nguyên tắc áp dụng pháp luật cạnh tranh khẳng định Luật Cạnh tranh năm 2018 là luật chung và ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành. Nếu luật chuyên ngành có quy định về hành vi CTKLM, việc xử lý (bao gồm chế tài xử phạt và cơ quan có thẩm quyền xử phạt) đối với hành vi CTKLM thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành đó.
Đối với vụ án Vinasun kiện Grab ở trên, nhiều ý kiến cho rằng, vì trong đơn khởi kiện có đề cập việc Grab thực hiện hành vi CTKLM, nên cần áp dụng pháp luật tố tụng cạnh tranh trước khi tiến hành tố tụng dân sự để giải quyết yêu cầu của Vinasun về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
1.2.Xác định thẩm quyền và thủ tục tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh gây ra
Tố tụng đối với hành vi CTKLM là hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018. Về thẩm quyền và hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, khoản 6 Điều 113 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định các hành vi tại khoản 7 Điều 45 được xử lý theo pháp luật khác có liên quan.
Mặc dù chưa có hướng dẫn chi tiết, Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm như sau: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường. Đồng thời, khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, việc bồi thường thiệt hại do hành vi khuyến mại nhằm CTKLM thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Mục đích của hoạt động cạnh tranh là lợi nhuận, các hành vi CTKLM xảy ra trên thực tế thường tác động đến những nhóm quyền lợi khác nhau, vì thế dễ phát sinh xung đột giữa các chủ thể tham gia vào thị trường kinh doanh. Việc xử lý vụ việc có liên quan đến hành vi CTKLM có thể tạo ra những tranh luận lớn trên bình diện xã hội. Điển hình như vụ án tranh chấp của Vinasun và Grab vẫn chưa kết thúc, còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, nhiều quan điểm thực thi pháp luật cần được giải quyết thấu đáo.
2.Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
2.1.Về nội dung
Cần thống nhất các quy định về hành vi khuyến mại nhằm CTKLM trong pháp luật cạnh tranh và pháp luật thương mại. Cụ thể:
Như đã phân tích, Luật Cạnh tranh năm 2018 được xác định là luật chung. Các đạo luật về kinh doanh, thương mại chuyên ngành căn cứ vào Luật Cạnh tranh năm 2018 để cụ thể hóa các quy định về cạnh tranh liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành. Vì thế, Luật cạnh tranh năm 2018 nên quy định những nguyên tắc chung trong việc xác định và xử lý hành vi CTKLM. Các luật khác khi quy định về hành vi trong lĩnh vực chuyên ngành có liên quan đến CTKLM phải tuân theo nguyên tắc chung của Luật Cạnh tranh năm 2018.
Trước đây, Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định “các hành vi CTKLM khác do Chính phủ quy định theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 Luật cạnh tranh”. Đây là quy định mở, tương đối phù hợp với sự thay đổi của thị trường cạnh tranh. Hiện nay, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã bỏ quy định này, chỉ còn điều luật về hành vi CTKLM trong luật khác. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng luật khác được ban hành trước Luật Cạnh tranh năm 2018 nên các hành vi chưa được giải thích rõ và chưa có sự dẫn chiếu lại Luật Cạnh tranh năm 2018. Thực tế lại cho thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu, rộng trong khu vực và trên thế giới, nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng chưa được dự liệu trong Luật Cạnh tranh năm 2018. Điều 45 Luật cạnh tranh năm 2018 cũng chỉ liệt kê tên gọi hành vi CTKLM, bổ sung một số hành vi CTKLM mới. Vì vậy, cần có hướng dẫn chi tiết về cấu thành hành vi CTKLM bị cấm và cần bổ sung thêm một dạng hành vi CTKLM theo hướng “các hành vi CTKLM khác được xác định theo tiêu chí tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018”.
2.2.Về tố tụng
Thứ nhất, cần thống nhất giữa pháp luật tố tụng về dân sự và cạnh tranh khi điều chỉnh quan hệ giữa việc xử lý vi phạm và giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hành vi CTKLM.
Thực tế, chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định rằng khi có hành vi vi phạm pháp luật về CTKLM xảy ra, có quyết định xử lý vi phạm về CTKLM thì người bị thiệt hại mới yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại hay Tòa án có thể giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa cần có quyết định xử lý vi phạm về cạnh tranh. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo, khi cả hai cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ đều phải xác định tính không lành mạnh của hành vi CTKLM. Có ý kiến cho rằng, đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại, cần trao cho Ủy ban cạnh tranh quốc gia thẩm quyền xử lý, sau khi có kết luận điều tra, nếu hành vi vi phạm phát sinh thiệt hại hoặc theo yêu cầu của bên khiếu kiện, chuyển hồ sơ sang Tòa án dân sự để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ý kiến khác lại cho rằng, cần trao quyền cho các bên hưởng lợi cũng như bị hại (bao gồm doanh nghiệp và người tiêu dùng) được khởi kiện tư pháp chống lại các hành vi cản trở cạnh tranh tự do và lành mạnh.
Với quy trình tố tụng cạnh tranh hiện tại, để giải quyết vụ việc CTKLM, thì sau khi kết thúc quá trình điều tra sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia để ra quyết định xử lý. Nếu không đồng ý với quyết định xử lý vụ việc CTKLM thì trình tự lần lượt có thể qua các cấp sau: Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia (giải quyết khiếu nại); Tòa án sơ thẩm (Tòa án cấp tỉnh); Tòa án phúc thẩm. Quá trình này làm cho việc giải quyết vụ việc cạnh tranh có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thiệt hại.
Vận dụng nguyên tắc áp dụng pháp luật cạnh tranh, chúng tôi cho rằng khi có yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi CTKLM gây ra, Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự. Bởi vì, bản chất của hành vi CTKLM là vi phạm quyền dân sự, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên vi phạm gây thiệt hại bồi thường mà không cần phải có quyết định xử lý vi phạm về hành vi CTKLM. Bên cạnh đó, thẩm quyền của Tòa án luôn được pháp luật công nhận, kể cả lĩnh vực pháp luật hình sự cũng cho phép Tòa án có thẩm quyền trong việc xác định các tội phạm trong lĩnh vực cạnh tranh. Điều này hoàn toàn phù hợp với Công ước Paris năm 1883 về giao cho Tòa án có thẩm quyền liên quan xử lý hành vi CTKLM (Điều 10).
Thứ hai, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Theo đó, khi Tòa án thụ lý các vụ việc tranh chấp có liên quan đến hành vi CTKLM, có thể yêu cầu Ủy ban cạnh tranh quốc gia phối hợp điều tra về vụ tranh chấp. Sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật sẽ khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền, giúp cho quá trình giải quyết vụ việc nhanh chóng và kịp thời.
Thứ ba, cần xây dựng án lệ về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi CTKLM gây ra khi các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này chưa hoàn thiện, thống nhất giữa các lĩnh vực khác nhau. Pháp luật cạnh tranh chủ yếu điều chỉnh những vấn đề có tính chất nguyên tắc và nền tảng. Do vậy, nhiều quốc gia coi các án lệ của Tòa án quốc gia, các quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh là những nguồn bổ sung cho luật thành văn hết sức quan trọng; các phán quyết của Tòa án tối cao đã được sử dụng làm án lệ cho các vụ việc tiếp theo trong những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi phản cạnh tranh lành mạnh gây ra theo pháp luật Hoa Kỳ.
Pháp luật Việt Nam vẫn chưa có sự phân định rạch ròi về pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng điều chỉnh liên quan đến bồi thường thiệt hại do hành vi CTKLM gây ra. Để thống nhất áp dụng, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành án lệ về vấn đề này.
Tóm lại, tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là luật riêng, đến Luật cạnh tranh năm 2018 là luật chung. Sự khác biệt về cơ chế xử lý dẫn đến những khác biệt về cách thức giải quyết một vụ việc liên quan đến hành vi CTKLM, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của các chủ thể pháp luật. Nguyên tắc áp dụng pháp luật cạnh tranh rất cần thiết trong giải quyết các tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn. Do vậy, việc hình thành và đặt ra nguyên tắc, quy chế thống nhất trong xử lý hành vi CTKLM có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động thực thi và áp dụng pháp luật./.
TAND TP HCM xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam - Ảnh: Hà Phạm
Theo Kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Bình luận