Xác định hậu quả thế nào Khi truy cứu trách nhiệm hình sự Bùi Thanh H

Hai bên cự cãi , H bực tức nên dùng tay đánh liên tiếp nhiều cái vào ngực, đầu và mặt của T. B vào can ngăn cũng bị H đánh trúng vào mũi. T bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ là 18%, B là 03%. B không yêu cầu khởi tố vụ án, nên có cộng 03% tỷ lệ thương tích vào để xem xét khi lượng hình đối với H hay không?

Do có mâu thuẫn từ trước về việc tranh chấp ranh giới đất, ngày 20/12/2020, Bùi Thanh H (sinh năm 1989) đến nhà của Nguyễn Văn T (sinh năm 1984), trú tại Khu vực 2, phường T, quận B, thành phố C để làm rõ vụ việc. Ngay khi đến nhà T thì H và T xảy ra cự cãi lẫn nhau, H bực tức nên dùng tay đánh liên tiếp nhiều cái vào ngực, đầu và mặt của T. Thấy vậy Trần Minh B (sinh năm 1985) là bạn của T vào can ngăn. H đánh trúng vào mũi của B hai cái làm chảy máu mũi. B được mọi người xung quanh đưa đi cấp cứu.

Theo kết quả giám định thương tích, T bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ là 18%, B bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ là 03%. Quá trình giải quyết vụ án, Nguyễn Văn T có đơn yêu cầu xử lý hình sự Bùi Thanh H, nhưng Trần Minh B có đơn yêu cầu không xử lý hành vi của H đã gây thương tích cho B. Sau đó, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án và Bùi Thanh H bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, có hai quan điểm khác nhau về việc xác định hậu quả để xem xét trách nhiệm hình sự Bùi Thanh H, cụ thể:

- Quan điểm thứ nhất, cho rằng do B không yêu cầu xử lý H về hành vi gây ra thương tích 03%, nên chỉ xác định thương tích mà H đã gây ra cho T là 18% để xem xét trách nhiệm hình sự. Những người theo quan điểm này lý giải rằng, H không cố ý gây thương tích cho T, do T vào can ngăn bất ngờ nên H đánh nhầm. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 155 BLTTHS thì trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, chỉ khởi tố khi bị hại có đơn yêu cầu; nếu bị hại không có đơn yêu cầu thì không khởi tố vụ án. Trong vụ việc, thể hiện rõ, hành vi của Bùi Thanh H gây ra thương tích cho Trần Minh B là 03%, trường hợp này do B không yêu cầu khởi tố vụ án, nên không thể xem xét để xử lý H, theo đó cũng không thể cộng 03% tỷ lệ thương tích vào để xem xét khi lượng hình đối với H.

-Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả, phải tính tổng tỷ lệ thương tích của Nguyễn Văn T và Trần Minh B là 21% để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Bùi Thanh H.

Thứ nhất, xét về tính chất nguy hiểm của hành vi. Trong vụ việc, mặc dù H chỉ có ý định đánh T, nhưng quá trình đánh T thì B vào can ngăn nên đã gây thương tích cho cả T và B. Đối với hậu quả gây ra cho T thì thể hiện rõ là H phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho T, H cũng sẽ thấy trước được hậu quả gây ra thương tích cho T và mong muốn thương tích xảy ra. Điều này thể hiện qua việc H dùng tay đánh liên tiếp vào nhiều bộ phận trên cơ thể của T, và chỉ dừng lại khi có người can ngăn. Do vậy, hành vi gây thương tích cho T của H được xác định là lỗi cố ý trực tiếp, phù hợp với khái niệm về lỗi cố ý theo quy định tại khoản 1 Điều 10 BLHS.

Đối với trường hợp gây ra thương tích cho B, diễn biến vụ việc thể hiện, do B vào can ngăn bất ngờ nên H mới đánh trúng B. Xét về lý luận, rõ ràng, trường hợp này H vẫn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho người khác, thấy trước được hậu quả thương tích sẽ xảy ra và mong muốn hậu đó quả xảy ra. Tuy nhiên, hậu quả xảy ra không được như H mong muốn, trường hợp này H chỉ muốn gây thương tích cho T, nhưng vì B vào can ngăn nên hậu quả xảy ra đối với B. Trường hợp này lỗi của H cũng được xác định là cố ý trực tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 10 BLHS. Tuy nhiên, theo lý luận về tội phạm thì trường hơp này được xác định là sai lầm về đối tượng tác động. Người thực hiện hành vi phạm tội, nhưng vì lý do khách quan nào đó dẫn đến sai lầm về đối tượng cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình đã gây ra. Do vậy, H phải chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra cho B.

Thứ hai, xem xét hậu quả gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hậu quả của hành vi phạm tội là kết quả xảy ra do người phạm tội thực hiện hành vi tác động vào đối tượng tác động của tội phạm gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ. Ở đây H đã có hành vi dùng tay đánh liên tiếp vào người T, khi B vào can ngăn thì đánh cả B và gây ra thiệt hại đó là quyền được đảm bảo sức khỏe của T và B; do vậy hậu quả xảy ra trong vụ việc được xác định là tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của T và B là 21%. Nếu cho rằng vì B không yêu cầu khởi tố nên không xem xét tỷ lệ thương tật 03% để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H là không xem xét toàn diện tính chất của vụ án. Thực tế H đã gây ra thương tích tổng cộng 21%, nhưng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự 18% thì không thể xem xét lượng hình tương xứng với hành vi thực tế H đã gây ra cho T và B. Theo đó, việc giải quyết vụ án sẽ không đảm bảo tính răn đe, giáo dục và có tác dụng phòng ngừa chung.

Thứ ba, căn cứ quy định của BLTTHS về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Khoản 1 Điều 155 BLTTHS quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134... của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”. Rõ ràng, theo quy định thì người bị hại chỉ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án và khi đã có yêu cầu khởi tố vụ án thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố. Các vấn đề khác liên quan đến vụ án (tội danh, khởi tố bị can, xem xét hậu quả...) do cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật.

Trong vụ việc đã nêu, H đã gây thương tích cho T và B, hành vi gây thương tích cho T và B của H chỉ xảy ra trong một vụ án, nên buộc phải xem xét tổng thiệt hại chung để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi của H gây thương tích cho T và B là hai vụ án độc lập thì sẽ xem xét chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự H đối với thương tích gây ra cho T. Trong vụ án cụ thể này không thể tách hành vi của H gây thương tích cho T là một vụ án, hành vi H gây thương tích cho B ra thành một vụ án độc lập. Do vậy, trường hợp T đã yêu cầu khởi tố vụ án thì vụ án sẽ được khởi tố theo quy định của pháp luật; khi đó, việc xem xét thiệt hại xảy ra như thế nào là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Nghĩa là, việc B không yêu cầu khởi tố vụ án đối với H sẽ không ảnh hưởng đến tính chất của vụ án và hậu quả mà H gây ra trong vụ án phải được xem xét trên tổng thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, việc H không yêu cầu khởi tố và việc sai lầm về đối tượng của H có thể xem xét để giảm nhẹ khi lượng hình.

Từ các phân tích trên, cho thấy, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bùi Thanh H phải tính tổng tỷ lệ thương tích mà H đã gây ra cho Nguyễn Văn T và Bùi Minh B.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về việc xem xét hậu quả chung để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây thương tích cho nhiều người, nhưng có người yêu cầu khởi tố, có người không yêu cầu khởi tố vụ án, mong bạn đọc cùng bàn luận làm rõ tính chất của vụ việc./.

 

Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ, Hậu Giang xét xử vụ cố ý gây thương tích - Ảnh: Kim Chúc

NGUYỄN VĂN LAM (Tòa án quân sự Quân khu 9)