Xác định người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự
Trường hợp người bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại giai đoạn xét xử, thì Tòa án phải bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, BLTTHS lại không quy định cụ thể về người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi gồm có những ai.
Trường hợp người bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại giai đoạn xét xử, thì Tòa án phải bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, đoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt[1]. Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng theo quyết định của Tòa án được quy định tại các Điều 331, 338, 418, 420, 421, 422, 423, 469, 470 của BLTTHS. Tuy nhiên, BLTTHS lại không quy định cụ thể về người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi gồm có những ai.
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06) quy định: “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các Điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự.
Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; b) Người giám hộ; c) Người do Tòa án chỉ định”.
Trong thực tiễn xét xử đã có trường hợp: Viện kiểm sát KV truy tố bị can Nguyễn Tiến T về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 2 Điều 146 của BLHS. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, ông C và bà N (là cha mẹ ruột của bị hại V) cùng ủy quyền cho bà L (là bà ngoại của bị hại V) tham gia tố tụng với lý do ông C đang là học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh BL, bà N đi làm ăn xa, bị hại V hiện đang sống chung với bà L. Việc lập ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, Tòa án có chấp nhận việc tham gia tố tụng của bà L không? Bà L sẽ tham gia phiên tòa với tư cách tố tụng là gì?
Trường hợp nêu trên có các quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất, Tòa án không chấp nhận việc ủy quyền và việc tham gia phiên tòa của bà L, bởi lẽ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06 thì “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi…”.
Như vậy, bị hại V được xác định có cha mẹ đẻ là ông C bà N, họ không bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; không bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với bị hại V. Hơn nữa, đây là vụ án xâm hại tình dục, khi buộc phải tường thuật lại sự việc sẽ khiến người bị hại dưới 18 tuổi hoảng sợ, tổn thương nghiêm trọng về tâm lý. Do đó, nếu người đại diện là cha mẹ đẻ có thể cung cấp nội dung vụ án cũng như hỗ trợ về tâm lý cho người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự hơn là những người khác. Căn cứ theo quy định tại Điều 136 BLDS và khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06 thì cha mẹ bị hại V sẽ tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện theo pháp luật của bị hại V mà không được ủy quyền lại cho người khác.
Quan điểm thứ hai, Tòa án chấp nhận việc tham gia phiên tòa của bà L, tuy nhiên, bà sẽ tham gia phiên tòa với tư cách người giám hộ đương nhiên của bị hại V. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06 thì người giám hộ của người dưới 18 tuổi là người giám hộ đương nhiên hoặc người được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các Điều 46, 47, 48 và 54 Mục 4 Chương III của BLDS.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b Điều 47 BLDS thì người được giám hộ bao gồm trường hợp người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì có người giám hộ đương nhiên. Theo đó, người giám hộ đương nhiên của bị hại là người dưới 18 tuổi được xác định theo quy định tại Điều 52 BLDS. Cụ thể là việc xác định người giám hộ đương nhiên của bị hại là người dưới 18 tuổi theo thứ tự sau đây:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
- Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
- Trường hợp không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Quan điểm 3 cũng là quan điểm của tác giả: Tòa án chấp nhận ông C và bà N (là cha mẹ ruột của bị hại V) cùng ủy quyền cho bà L (là bà ngoại của bị hại V) tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại V.
Mặc dù BLTTHS không có quy định cụ thể thế nào là đại diện cũng như là đại diện theo ủy quyền nhưng trong BLDS có nêu rõ khái niệm về đại diện tại khoản 1 Điều 134 “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” và trong quá trình xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến đại diện hoặc đại diện theo uỷ quyền, Toà án vận dụng quy định tại Điều 85 BLTTDS để giải quyết nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng. Theo đó, Điều 85 BLTTDS quy định: “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm: người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.”
Dẫn chiếu từ quy định tại Điều 85 BLTTDS qua quy định tại Điều 136 BLDS thì người đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định như sau:
“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên. 2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. 3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. 4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Mặt khác, BLDS cũng có quy định cụ thể về người đại diện theo uỷ quyền tại Điều 138 BLDS như sau: “1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. 2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. 3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Đồng thời, theo khoản 4 Điều 85 BLTTDS “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự” và theo Điều 86 BLTTDS cũng có quy định: “1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện. 2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.
Từ những quy định được liệt kê ở trên, có thể khẳng định người đại diện là người thay mặt và vì lợi ích của đương sự để tham gia quan hệ pháp luật tố tụng trong phạm vi mà mình đại diện. Phạm vi đại diện tùy thuộc vào loại vụ việc mà mình đại diện. Quan hệ đại diện dựa vào ý chí của các đương sự và bảo đảm phải tuân theo các quy định của pháp luật.
Đối chiếu với tình huống đưa ra thì ông C bà N ủy quyền cho bà L tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện theo uỷ quyền là phù hợp với quy định của pháp luật. Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06 nêu rất rõ “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; b) Người giám hộ; c) Người do Tòa án chỉ định”. Quy định trên được hiểu xem xét theo thứ tự ưu tiên. Tức là, thứ nhất phải là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, nếu không có cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi thì đến thứ hai là người giám hộ, nếu không có người giám hộ thì mới đến người do Tòa án chỉ định. Do vậy, bị hại V có cha mẹ đẻ là ông C bà N thì xác định người đại diện cho bị hại V là ông C bà N. Việc ông C bà N thực hiện việc ủy quyền tham gia tố tụng lại cho người khác cụ thể là bà ngoại của bị hại V là hợp pháp vì ông C bà N không bị mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; ông C bà N cũng không bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con. Đồng thời, giấy ủy quyền của ông C và bà N được lập đúng quy định của pháp luật nên việc Toà án xác định bà L tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo uỷ quyền cho bị hại V là phù hợp.
Trên đây là ý kiến trao đổi của tác giả, mong nhận được sự góp ý của đồng nghiệp cùng quý bạn đọc.
[1] Khoản 3 Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự
Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy, Kon Tum xét xử vụ án hiếp dâm xảy ra tại xã Đăk Tơre, huyện Kon Rẫy - Ảnh: Hoàng Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận