Xác định rõ tái phạm nguy hiểm và tại thời điểm phạm tội bị cáo có tiền án hay không?
Đọc bài “Áp dụng hay không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng?” của tác giả Th.S Đỗ Ngọc Bình và Th.S Chu Mạnh Hà đăng ngày 5/5/2022, tôi cho rằng K không bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Tái phạm nguy hiểm” là đúng pháp luật.
Trong bài viết các tác giả đã đưa ra hai quan điểm, theo đó:
Quan điểm 1: Phải áp dụng định khung tăng nặng tái phạm nguy hiểm đối với K vì K chưa thi hành xong phần án phí của Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010.
Quan điểm 2: Không áp dụng định khung tăng nặng tái phạm nguy hiểm đối với K vì đã hết thời hiệu thi hành Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, và cho rằng để xác định có hay không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo K thì phải làm rõ: Tái phạm nguy hiểm là gì? Tại thời điểm phạm tội mới ngày 14/5/2021, bị cáo K có tiền án hay không?
Về tái phạm nguy hiểm, Điều 53 BLHS năm 2015 quy định:
“…2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”
Trước lần phạm tội mới ngày 14/5/2021, bị cáo K đã bị kết án theo hai bản án:
- Bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H, tỉnh P xử K 42 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.
- Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P xử K 36 tháng tù về tội Trốn khỏi nơi giam, tổng hợp với hình phạt 42 tháng tù tại Bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H, tỉnh P buộc bị cáo Hải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án là 6 năm 6 tháng tù.
Căn cứ vào mức hình phạt của hai bản án, xác định được bị cáo đã hai lần bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, như vậy, bị cáo K sẽ bị xác định là tái phạm nguy hiểm khi và chỉ khi bị cáo đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Ở đây, có ba điều kiện cần và đủ để xác định có hay không tái phạm nguy hiểm, đó là: Đã tái phạm (1), chưa xoá án tích (2), phạm tội mới với lỗi cố ý (3).
Trước hết, xét án tích của Bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H, tỉnh P xử K 42 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Do trong thời gian chấp hành án, bị cáo K phạm tội Trốn khỏi nơi giam, nên bị xử phạt 36 tháng tù (Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010). Vì vậy, thời hạn để xoá án tích của Bản án số 41/2008 được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính của Bản án số 07/2010 hoặc từ ngày Bản án số 07/2010 hết thời hiệu thi hành (khoản 2 Điều 73 BLHS 2015).
Bị cáo K đã chấp hành xong hình phạt tù của hai bản án trên vào ngày 28/5/2014, bị cáo cũng đã thi hành xong số tiền án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm của Bản án số 41/2008 vào ngày 04/12/2008. Qua xác minh, đại diện bị hại xác nhận K đã bồi thường đủ số tiền theo bản án xét xử. Như vậy, thời hạn để xoá án tích của Bản án số 41/2008 là từ ngày 28/5/2014 và căn cứ điểm b khoản 2 Điều 70 BLHS 2015, bị cáo K đương nhiên được xoá án tích, nếu bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 28/5/2014 đến 28/5/2016. Do hành vi phạm tội mới bị cáo K thực hiện vào ngày 14/5/2021 nên bị cáo K đã đương nhiên được xoá án tích đối với Bản án số 41/2008 kể từ ngày 29/5/2016.
Đối với Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010, mặc dù bị cáo đã chấp hành xong án phạt tù ngày 28/5/2014, song chưa nộp án phí được tuyên trong Bản án số 07/2010 này. Lý do vì: Chi cục Thi hành án dân sự huyện M, tỉnh P chưa nhận được Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M để thụ lý.
Nếu xét theo quy định tại Điều 70 BLHS 2015, thì mặc dù đã chấp hành xong hình phạt chính song do bị cáo chưa chấp hành xong quyết định khác của bản án, trong trường hợp này là chưa nộp án phí, nên bị cáo chưa được đương nhiên xoá án tích, dù bị cáo đã đảm bảo được thời hạn 02 năm không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 70 BLHS 2015 quy định “người bị kết án đương nhiên được xoá án tích nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này”.
Vậy, Bản án số 07/2010 đã hết thời hiệu thi hành chưa? Bị cáo K có thuộc trường hợp đương nhiên được xoá án tích do bản án này hết thời hiệu thi hành không?
Thấy rằng, thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do BKHS quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Với trường hợp xử phạt tù từ 3 năm trở xuống thì thời hiệu thi hành bản án hình sự là 5 năm, tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó trình diện hoặc bị bắt giữ. Nội dung quy định này được giữ nguyên trong cả BLHS 1999 và BLHS năm 2015.
Tại Điều 1 Luật THADS năm 2008, sửa đổi năm 2014 quy định phạm vi điều chỉnh của Luật này bao gồm: Quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, … ; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự. Như vậy, trình tự, thủ tục thi hành phần án phí trong bản án, quyết định hình sự sẽ thực hiện theo Luật THADS năm 2008.
Cũng tại Điều 28, 36, 39 Luật này quy định:
+ Đối với bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm… thì Toà án đã ra bản án phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án…”
+ Quyết định về thi hành án… và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
Như vậy, để thi hành án phần án phí thì cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án, không chờ có yêu cầu thi hành án của bên thi hành án, hoặc bên phải thi hành án. Và căn cứ vào thông báo của cơ quan thi hành án, đương sự sẽ thi hành phần quyết định của bản án liên quan đến án phí.
Trong vụ án này, Toà án đã không chuyển Bản án số 07/2010 cho cơ quan thi hành án làm căn cứ để cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án dân sự đối với bị cáo K. Vì vậy việc bị cáo K không nộp án phí theo quyết định của Bản án số 07/2010 là có lý do chính đáng, mà không thuộc trường hợp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Do đó, căn cứ Điều 60 BLHS năm 2015, thì từ ngày 22/2/2015 Bản án số 07/2010 hết thời hiệu thi hành, bị cáo K không phải tiếp tục chấp hành Bản án 07/2010 phần án phí. Và do hành vi phạm tội mới của bị cáo thực hiện vào ngày 14/5/2021, không nằm trong thời hạn 02 năm tính từ khi hết thời hiệu thi hành bản án (22/2/2015) nên căn cứ khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì bị cáo đương nhiên được xoá án tích đối với Bản án 07/2010.
Như vậy, mặc dù bị cáo K bị xác định tái phạm (1) trong Bản án 07/2010, và đã thực hiện hành vi phạm tội do cố ý (3 – Mua bán, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý), tuy nhiên Bản án 07/2010 đã được xoá án tích, nên không thoả mãn điều kiện (2) để bị coi là tái phạm nguy hiểm. Bị cáo còn được xoá án tích đối với cả Bản án 41/2008, nên tại lần phạm tội ngày 14/5/2021, bị cáo K chỉ bị truy tố, xét xử về các tội Mua bán trái phép chất ma túy, Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 251, khoản 1 Điều 256 BLHS là đúng pháp luật. Và khi giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử có trách nhiệm kiến nghị trong bản án về việc TAND huyện M, tỉnh P cần nghiêm túc rút kinh nghiệm khi đã không thực hiện việc chuyển bản án cho Cơ quan thi hành án có thẩm quyền để ra quyết định thi hành án đúng thời hạn luật định, dẫn đến việc bản án bị hết thời hiệu thi hành.
Tác giả Quách Duy Linh (Tòa án quân sự Quân khu 3) cũng có bài viết đồng quan điểm cho rằng K không bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung ‘‘tái phạm nguy hiểm’’.
TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng mở phiên xử phúc thẩm vụ án Cưỡng đoạt tài sản - Ảnh: Xuân Quỳnh
Bài liên quan
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
N, P và Q phạm tội gì, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như thế nào?
-
Vướng mắc khi xóa án tích trong trường hợp chưa thi hành phần dân sự trong bản án hình sự
-
Vướng mắc khi xác định xóa án tích trong trường hợp đương nhiên
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận